Chẳng giấc mơ nào là viển vông

Cho dù cả hai đều đang đứng trước vô vàn thách thức thì giới quan sát quốc tế cũng vẫn có thể nói như vậy, về cả giấc mơ tái lập trọn vẹn hình hài vương quốc I-xra-en (Israel) thời thượng cổ, lẫn cuộc chiến đấu không mệt mỏi vì đất nước của người dân Pa-le-xtin (Palestine).

Bầu không khí ở Trung Đông đã nhanh chóng trở nên nóng bỏng ngay trong những ngày đầu năm, sau khi chính quyền Mỹ và I-xra-en chính thức đưa ra “kế hoạch hòa bình mang tính thực tế” vào cuối tháng 1.

“Mang tính thực tế”, không gì khác, là lời đề nghị phía Pa-le-xtin chấp nhận hiện trạng chiếm đóng của I-xra-en tại các vùng lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của Pa-le-xtin (theo các điều khoản thỏa thuận trong quá khứ). Và kế hoạch mới này - “Thỏa thuận Thế kỷ” theo cách gọi của truyền thông Mỹ - vừa bị đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (Recep Tayipp Erdogan) chỉ trích vô cùng gay gắt.

Với ông, thỏa thuận ấy, bao gồm cả tuyên bố rằng Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) là thủ đô không bị chia cắt của I-xra-en (nghĩa là bao gồm cả nửa phần thuộc về Pa-le-xtin), “không khác gì chuyện mơ mộng viển vông, đe dọa đến hòa bình khu vực”. Bởi vậy, An-ca-ra (Ankara) “không công nhận kế hoạch này, vì nó đồng nghĩa với việc sáp nhập các vùng đất của Pa-le-xtin, phá hủy Pa-le-xtin và hoàn toàn chiếm giữ Giê-ru-xa-lem”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận giải pháp hai nhà nước trên danh nghĩa, nhưng thật ra là hợp pháp hóa sự chiếm đóng của I-xra-en, theo sự ủy thác của chính quyền Mỹ”.

Từ trước sự công kích này, dư luận cả thế giới Hồi giáo cũng đã phản ứng dữ dội với “kế hoạch hòa bình mang tính thực tế cho Trung Đông”.

Song, khác với sự phản đối của Liên đoàn A-rập (AL), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hay Liên minh Nghị viện A-rập (APU); cũng khác cả những lời cảnh báo đầy tính đe dọa từ các nhóm vũ trang như Fatah hay Hamas, tiếng nói của An-ca-ra có thể sẽ tác động đến tình hình mạnh mẽ gấp bội.

Đó là tiếng nói của một thành viên có tiềm lực quân sự hùng hậu hàng đầu trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quốc gia Hồi giáo không thuộc chủng tộc A-rập (Arab), một địch thủ đáng gờm của cả I-ran (Iran), A-rập Xê-út (Saudi Arabia) lẫn I-xra-en tại khu vực, và cũng là một cường quốc đang khao khát khẳng định vị thế của mình trên bàn cờ địa chính trị quốc tế. Mỹ và I-xra-en sẽ không có lý do gì để thoải mái, nếu câu chuyện đang diễn ra trở thành một cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần hơn với thế giới A-rập Hồi giáo, đồng thời can thiệp sâu hơn vào tình hình Trung Đông, hơn cả những gì họ đã thực hiện - như những cuộc hành quân tảo thanh vượt biên giới sang đất Xy-ri (Syria).

Góp giọng cùng cả cộng đồng hơn 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo toàn cầu, An-ca-ra đang tiếp thêm sức mạnh cho Pa-le-xtin tiếp tục cuộc chiến đấu vì chủ quyền lãnh thổ hợp pháp.

Tuy nhiên, tất cả những sự ủng hộ dành cho Pa-le-xtin, dù mạnh mẽ và sôi sục, cho đến lúc này cũng mới chỉ là những ngôn từ. Chưa xuất hiện những hành động quyết liệt trong thực tế, mà việc ngăn cản “Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới” có lẽ lại cần cả một chương trình hành động thực tế.

Trong khi đó, dường như phía I-xra-en không bỏ phí thời gian. Họ tăng cường an ninh ở khu vực Bờ Tây. Họ kêu gọi đàm phán song phương với Pa-le-xtin - cuộc đàm phán nếu diễn ra thì họ sẽ ở thế thượng phong tuyệt đối. Và trong cuộc tiếp xúc cử tri mới nhất, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ny-a-hu (Benjamin Netanyahu) khẳng định: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho tiến độ vẽ lại bản đồ các phần đất (mà theo kế hoạch hòa bình Trung Đông mới) sẽ trở thành một phần của nhà nước I-xra-en. Tôi sẽ không làm việc đó quá lâu đâu”.

Những động thái cụ thể đó chỉ càng gợi lại rõ thêm ánh mắt của Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát (Mahmoud Abbas), khi ông cầm trên tay tấm bản đồ mô tả những phần lãnh thổ đã mất theo thời gian, trong một ngày đầu năm 2020…