Cánh trắng cuối trời

10 giờ đàm phán, và những tín hiệu tích cực vô giá lóe lên. Thế giới - vốn đã và đang phải vật lộn vô cùng nhọc nhằn với bao nhiêu nỗi lo - có đầy đủ lý do để thở phào nhẹ nhõm, với những diễn biến mới nhất liên quan đến một vấn đề mang tính “sinh tử”: Kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Đó là vòng đàm phán về ổn định chiến lược giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới: Mỹ và Nga. Khép lại ngày 22-6, vòng đàm phán được đánh giá là thành công, với thông báo từ Đặc phái viên về vũ khí của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) - ông M.Bi-linh-xli (Marshall Billingslea): “Vòng đàm phán đầu tiên tại Viên (Vienna, Thủ đô nước Áo) này đã diễn ra với rất nhiều tính xây dựng. Hai bên đã thảo luận chi tiết một loạt các vấn đề về vũ khí hạt nhân, và đạt thỏa thuận về vòng đàm phán tiếp theo”.

Vòng đàm phán tiếp theo ấy có thể diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8, tùy thuộc vào hiệu suất làm việc của những nhóm công tác kỹ thuật đã được hai bên nhất trí thành lập. Tất cả những điều này là nhằm hướng đến một Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (được tạm gọi một cách không chính thức là START-3). Theo ông Bi-linh-xli, START-3 sẽ cần phải đề cập đến tất cả các loại vũ khí hạt nhân, chứ không chỉ những vũ khí hạt nhân chiến lược.

Một “nhịp cầu hòa bình” rất đáng giá, nhất là khi một hội nghị khác, về Hiệp ước Bầu trời mở - một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng khác - cũng sẽ sớm diễn ra, dự kiến vào ngày 6-7.

Cần phải nhắc lại, khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm lần lượt tuyên bố rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc P5+1 (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) ký kết với I-ran (Iran) năm 2015, không gia hạn START-2 (ký kết năm 2010 với Nga), rồi đưa nước Mỹ rời bỏ cả Hiệp ước Bầu trời mở (ký năm 1992, có hiệu lực từ năm 2002 - là thỏa thuận cho phép 34 quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về quân sự - quốc phòng của nhau) lẫn Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), giới quan sát quốc tế đã vô cùng lo ngại về nguy cơ dấy lên những cuộc chạy đua vũ trang mới.

Bất cứ ai cũng có thể hình dung: Nếu các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới không thể kiềm chế lẫn nhau bằng những cam kết chính thức, khả năng loài người tự hủy diệt chính mình bởi những thứ vũ khí khủng khiếp là hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa một ai quên nhận định đầy tính cảnh báo của nhà bác học thiên tài A.Anh-xtanh (Albert Einstein): “Tôi không biết Chiến tranh Thế giới lần thứ ba sẽ diễn ra với những thứ vũ khí gì, nhưng tôi chắc chắn Chiến tranh Thế giới lần thứ tư sẽ bắt đầu bằng gậy gộc và gạch đá”.

Và đó chính là lý do để cuộc hội đàm về START-3, cho dù mới là bước đầu, cũng như cho dù vẫn còn bị khuất lấp sau những diễn biến ghê gớm của đại dịch toàn cầu Covid-19 hay tiến trình thúc đẩy hồi phục kinh tế thế giới, vẫn xứng đáng được xem là một sự kiện quan trọng.

Vì sao sau khi xé bỏ hàng loạt cam kết cũ, Oa-sinh-tơn (Washington) lại sẵn sàng thả lên bầu trời những cánh trắng bồ câu?

Có thể, ông chủ Nhà trắng hiện tại cảm thấy đã đến lúc (theo cách quen thuộc suốt bốn năm qua) đàm phán lại các thỏa thuận đó, nhằm giành được nhiều lợi thế hơn cho nước Mỹ (theo cách nghĩ của ông). Có thể, sức ép từ trạng thái thù địch với nước Nga không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang bị xáo trộn dữ dội bởi dịch bệnh. Cũng có thể, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chuẩn bị diễn ra cũng đòi hỏi đương kim tổng thống Mỹ “ghi thêm điểm” ở lĩnh vực đối ngoại.

Nhưng dù thế nào, với lợi ích chung của toàn thể nhân loại, việc đạt được những tiến triển tích cực trên lộ trình tái xây dựng một công cụ kiểm soát và cắt giảm vũ khí hủy diệt như hiệp ước START mới vẫn là điều rất đáng trân trọng.

Ít nhất, đó cũng là cách bảo đảm được sự ổn định một cách tương đối cho thế giới, là sự duy trì niềm tin rằng loài người sẽ không tự diệt vong…