Ba trụ cột, một con đường

Có những thông điệp rõ ràng và cụ thể đã được phát đi, khi Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khép lại với việc A-rập Xê-út (Saudi Arabia) chuyển giao chức chủ tịch luân phiên cho I-ta-li-a (Italy). Một bối cảnh mới trong một kỷ nguyên mới đã đặt ra những thách thức mới, về trách nhiệm vì cộng đồng của các quốc gia dẫn đầu, trên hành trình duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của nhân loại.

Con người, hành tinh và thịnh vượng” - đó là ba trụ cột chính sẽ được tập trung xây dựng trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên mới mà I-ta-li-a đảm nhiệm, theo lời Thủ tướng I-ta-li-a G.Côn-tê (Giusseppe Conte). Nói một cách khác, những mục tiêu trước mắt mà G20 hướng đến sẽ là dẫn dắt công cuộc phục hồi, củng cố và kiến tạo sự cân bằng về nhiều mặt cho thế giới, giữa ngổn ngang xáo trộn.

I-ta-li-a tiếp nhận vị trí của A-rập Xê-út, khi cả hành tinh đang ngả nghiêng bởi những hệ lụy khủng khiếp xuất hiện từ các thách thức vượt trên tầm kiểm soát của từng quốc gia riêng lẻ. Chưa kể đến sức tàn phá của đại dịch toàn cầu Covid-19, hàng loạt thiên tai mỗi lúc một khắc nghiệt do quá trình biến đổi khí hậu cùng các điểm nóng xung đột trên thế giới cũng đã liên tục tạo thêm những sự chênh lệch đáng sợ, giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa khu vực với khu vực…

Bởi vậy, những gì G20 cũng như cả thế giới hướng đến sẽ chỉ có thể là việc thiết lập các mục tiêu trung và dài hạn, trong đó tập trung khôi phục sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên; tiếp tục kiến thiết bình đẳng giới; giải quyết đói nghèo và lấp đầy những hố sâu bất bình đẳng cũ cũng như mới; khuyến khích chuyển đổi sang “năng lượng xanh” nhằm thúc đẩy lộ trình chống biến đổi khí hậu; tận dụng các cơ hội to lớn mà số hóa mang lại… Và cuối cùng, dĩ nhiên, củng cố hệ thống thương mại toàn cầu.

Một cách ngắn gọn, G20 là tổ chức được hình thành và hoạt động chủ yếu vì những mục tiêu kinh tế. Vấn đề là, không chỉ trong tình hình cụ thể hiện tại, những mối hiểm họa đe dọa sự an toàn của từng “con người” đơn lẻ hay cả “hành tinh” đều sẽ làm ảnh hưởng đến sự “thịnh vượng”. Vì thế, việc kiến tạo các nền tảng phát triển mới nhằm “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu” - như lời kêu gọi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - cũng đang trở thành một nhiệm vụ tất yếu đối với các nền kinh tế dẫn đầu thế giới.

Trách nhiệm hỗ trợ sự phục hồi sau đại dịch cũng như chống chọi với tiến trình biến đổi khí hậu của các nền kinh tế đang phát triển, dù muốn dù không, cũng sẽ là điều các thành viên G20 không thể chối từ. Họ cần phải thực hiện điều đó, đầu tiên là để bảo đảm những lợi ích kinh tế - thương mại của chính họ.

Cũng chính vì vậy, trong tuyên bố chung ngày bế mạc hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính mà nền y tế toàn cầu cần vào lúc này, để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắc-xin ngừa Covid-19. Chúng tôi cũng sẽ dốc sức bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người…, chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sớm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra các việc làm mới”. Ðồng thời, G20 cũng một lần nữa nhấn mạnh: cơ chế hợp tác đa phương là “phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại”.

Hơn bao giờ hết, G20 cần phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, trong cả cuộc chiến chống lại dịch bệnh, và cả khả năng bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Ðó là một hành trình mà không nước nào có thể đứng ngoài.