Phát hiện rùa vàng quý hiếm ở Ấn Độ

NDO -

Vào tháng 7, một con rùa màu vàng được phát hiện ở quận Balasore, Odisha, Ấn Độ. Và mới đây, ngày 3-11, Sở Lâm nghiệp Ấn Độ đã thông báo phát hiện thêm một con rùa mai vàng khác ở Tây Bengal.

Cá thể rùa vàng mới được phát hiện ở Ấn Độ.
Cá thể rùa vàng mới được phát hiện ở Ấn Độ.

Anh Debashish Sharma, một nhân viên thuộc Sở Lâm nghiệp Ấn Độ đã chia sẻ những bức ảnh trên tài khoản Twitter về con rùa với chiếc mai màu vàng tươi. Bức ảnh đã lan truyền trên internet vì màu sắc độc đáo của con rùa.

Một số người bình luận, màu sắc của chú rùa trông giống như một lát pho mát, một phiến bơ hoặc lòng đỏ trứng. Rùa vàng có màu vàng sặc sỡ nhuộm từ trên mai, đầu đến các chi. 

Rùa mai Ấn Độ (Lissemysunctata) thường có màu nâu với các đốm vàng và bụng màu trắng. Các biến thể màu vàng của loài này thường được phát hiện một vài lần trong những năm qua ở các vùng khác nhau của Nam Á, nơi nó thường sinh sống.

Sự sai lệch màu sắc của động vật thường ít xảy ra, nhưng khi xảy ra nó thường có màu sắc nổi bật. Thí dụ, có một con rùa được tìm thấy ở Gujarat trên bờ biển phía tây của Ấn Độ vào năm 1997 có thân màu vàng và mắt màu hồng. Những con rùa khác có cùng đặc điểm cũng được tìm thấy ở Myanmar và Bangladesh, mặc dù không có dữ liệu chính thức nào được công bố.

Tháng 7 năm ngoái, một con rùa mai vàng đã được cứu ở Odisha và được bàn giao cho cơ quan kiểm lâm. Ba tháng sau, thêm một con rùa mới được phát hiện, lần này là ở Tây Bengal, Ấn Độ.

Rùa đổi màu tương tự như bị bệnh bạch tạng

Phát hiện rùa vàng quý hiếm ở Ấn Độ -0
Anh Debashish Sharma, một nhân viên thuộc Sở Lâm nghiệp Ấn Độ đã chia sẻ những bức ảnh về rùa vàng trên Twitter.

Cnet đưa tin, nhà sinh vật học động vật hoang dã Sneha Dharwadkar giải thích, loài rùa mai vàng quý hiếm là do thiếu sắc tố tyrosine có ở loài bò sát. Cô ấy nói thêm rằng, đột biến gen có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu tyrosine.

Theo báo cáo của Science Alert, trường hợp của chú rùa có mai màu vàng tương tự như bệnh piealbinism, là một chứng rối loạn di truyền gây ra sự thiếu hụt tất cả các sắc tố trên cơ thể. Nhưng trong trường hợp của con rùa, sắc tố pteridine màu vàng trở thành màu chủ đạo cùng với sắc tố mắt.

Hiện tượng này được gọi là hội chứng suy giảm sắc tố leucism. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi bị bệnh này, loài vật sẽ có những màu sắc chói lọi nhất. Họ cho rằng đây là một hiện tượng tương đối phổ biến, dựa trên số lượng các vụ phát hiện ra rùa vàng, đặc biệt là ở Nam Á.

Mặc dù nó có vẻ hấp dẫn đối với nhiều người khi được chiêm ngưỡng cá mập bạch tạng và các loài động vật bạch tạng khác, nhưng việc thiếu sắc tố lại là một trở ngại đối với loài vật. Chúng sẽ khó ngụy trang hơn, gây chú ý với nhiều kẻ săn mồi hơn. Đó là lý do tại sao chúng thường được giải cứu và chuyển sang môi trường nuôi nhốt.