Nâng cao năng lực giám định mẫu hài cốt liệt sĩ

Sau một năm đi vào hoạt động (từ tháng 7-2019), Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để tăng chất lượng giám định các mẫu hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, nghiên cứu tối ưu quy trình nhằm đẩy nhanh thời gian giám định, đáp ứng mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và xã hội.

Tại buổi lễ bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ giữa Trung tâm Giám định ADN cho Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những người tham dự rất xúc động khi nghe ông Nguyễn Xuân Tế (81 tuổi, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chia sẻ quá trình giám định ADN hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Ðới - anh trai ông hy sinh cách đây 65 năm. Liệt sĩ Nguyễn Văn Ðới được quy tập tại nghĩa trang huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhưng không có thông tin về quê quán. Ðể làm các thủ tục công nhận liệt sĩ, gia đình đã lấy mẫu xương, răng của liệt sĩ đi giám định ADN. Sau ba tháng hồi hộp chờ đợi, gia đình ông nhận được thông báo là mẫu hài cốt mục, không thể giám định. Lấy mẫu giám định thêm lần nữa, nhưng hy vọng của gia đình vụt tắt khi mẫu vẫn không thể giám định được. Cuối cùng, gia đình "cầu cứu" Trung tâm Giám định ADN và được các cán bộ, nhà khoa học về tận nơi lấy mẫu hài cốt và mẫu móng, tóc của thân nhân liệt sĩ để giám định đối chứng. Ðúng ba tháng sau, mọi người mừng rơi nước mắt khi kết quả giám định ADN khẳng định đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Ðới. Ông Tế cảm ơn các cán bộ của Trung tâm Giám định ADN đã thấu hiểu mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và miệt mài áp dụng khoa học, công nghệ để không bó tay trước những "ca" khó như trường hợp của gia đình ông.

Theo Ths Hoàng Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, các cán bộ của trung tâm luôn xác định giám định ADN hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả với xã hội. Là một trong ba đơn vị chủ chốt trong cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ, đơn vị luôn vượt qua mọi khó khăn để đẩy nhanh giám định các mẫu hài cốt liệt sĩ được gửi về trung tâm. Nhiều cán bộ trẻ của trung tâm đã tự nguyện làm cả ngày nghỉ, chạy đua với thời gian vì chất lượng mẫu không ngừng giảm sút theo thời gian. Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, trong đó có hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, công tác giám định đã tăng công suất tách chiết và phân tích ADN từ 60 mẫu/tháng lên 400 mẫu/tháng.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình giám định ADN là hầu hết các mẫu hài cốt đã mục, do tác động của điều kiện tự nhiên nóng ẩm, khiến các mẫu tách chiết được số lượng ADN ít, chất lượng kém hoặc mẫu ADN bị đứt gãy mạch, lẫn với ADN của vi sinh vật và các chất ức chế ảnh hưởng quá trình nhân bản gien. Do đó, các cán bộ của Trung tâm Giám định ADN đã nghiên cứu tối ưu hóa và xây dựng được quy trình tách chiết ADN từ các mẫu bị "mục" nhiều (mẫu khó). Từ tháng 7-2019 đến nay, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ Cục Người có công lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ, 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp mẫu hài cốt cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt, chuyển giao cho Cục Người có công lưu trữ tại Ngân hàng ADN để so sánh đối khớp thân nhân liệt sĩ thời gian tới. Cùng với đó, trung tâm hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn ở nước ngoài, như dự án USAID (Hoa Kỳ), Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và Tập đoàn QIAGEN (Ðức) để hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật sử dụng thông tin ADN phân tích và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam, hiện đại hóa công nghệ giám định những mẫu khó.

Theo Cục trưởng Người có công Ðào Ngọc Lợi, dù công suất đã tăng lên, nhưng Trung tâm Giám định ADN cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giám định, bởi hài cốt liệt sĩ càng để lâu càng khó giám định và thân nhân liệt sĩ ngày càng già yếu. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ và hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, nhưng còn thiếu thông tin. PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Công nghệ sinh học cho biết, hiện nay, Trung tâm Giám định ADN là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng sử dụng các hệ máy giải trình tự gien hiện đại nhất thế giới áp dụng vào phân tích các mẫu hài cốt. Vì mục tiêu đẩy nhanh quá trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ, Viện Công nghệ sinh học luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo quy trình giám định. Vừa qua, đơn vị đã bước đầu thử nghiệm xây dựng quy trình giám định mới trên hệ máy giải trình tự gien thế hệ mới nhằm tăng độ chính xác đối với những mẫu xương lâu năm và mẫu xương thoái hóa. Nếu triển khai thành công có thể đạt 62 mẫu trong một lần giám định. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sĩ/năm, góp phần trả lại tên cho các liệt sĩ chưa rõ thông tin, phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.

Phó Giáo sư, TS Phí Quyết Tiến chia sẻ, do công tác giám định mẫu hài cốt liệt sĩ có những đặc thù, nhất là mất nhiều lần phân tích mới cho ra kết quả đủ điều kiện chuyển cho cơ quan chức năng, do đó, những người làm công tác giám định mong Nhà nước có chính sách ưu đãi về nhân lực, hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện công tác nghiên cứu và cử cán bộ ra nước ngoài đào tạo nâng cao năng lực giám định; đồng thời có cơ chế khuyến khích cán bộ có trình độ cao, bố trí kinh phí cho việc làm chủ công nghệ mới.