Nobel Hòa bình 2018

Những người bảo vệ công lý

Giải Nobel Hòa bình 2018 gọi tên hai con người, hai số phận khác nhau nhưng cùng chung một sứ mệnh chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục, vốn được xem như một hiện trạng nhức nhối gắn liền với chiến tranh và xung đột.

Những người bảo vệ công lý

Những tiếng thét của phẩm giá

Trong tuyên bố chính thức, Ủy ban Nobel Na Uy trao Giải Nobel Hòa bình nhấn mạnh: Một thế giới hòa bình chỉ có thể xây dựng nên, nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh. Thông điệp mà giải Nobel Hòa bình 2018 muốn gửi đi, theo bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy là: “Phụ nữ, vốn chiếm một nửa dân số thế giới, bị lợi dụng làm vũ khí chiến tranh. Họ cần được bảo vệ trong khi những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm và bị truy tố”.

Bác sĩ Denis Mukwege, 63 tuổi, là người đã sáng lập bệnh viện Panzi ở Bukavu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1988 để chữa trị cho những phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong thời chiến và các nạn nhân bị bạo hành tình dục. Trong hơn hai thập kỷ hành nghề, vị bác sĩ được biết đến với biệt danh “Bác sĩ Phép màu” đã giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân vượt lên trên nỗi đau, trở thành một tiếng nói mạnh mẽ chống lại nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Tổng biên tập Katharine Viner của tờ The Guardian ca ngợi Mukwege là “một trong những người đàn ông vĩ đại nhất còn sống”.

Sánh bước nhận giải với Mukwege là Nadia Murad, cô gái trẻ bị tổ chức khủng bố IS bắt cóc và buộc phải làm nô lệ tình dục khi các phiến quân này chiếm đóng các vùng lãnh thổ tại miền bắc Iraq vào năm 2014. Ba tháng sau, cô đã trốn thoát, và xin tị nạn tại Ðức. Ði ngược lại định kiến xã hội khi cho rằng phụ nữ phải nhẫn nhục và tự xấu hổ vì bị chà đạp, Murad đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc. Năm 2016, ở tuổi 23, cô gái được chọn làm đại sứ thiện chí đầu tiên của Liên hợp quốc đại diện cho phẩm giá của những người thoát khỏi nạn buôn người. Hai năm sau đó, Murad vinh dự trở thành chủ nhân trẻ tuổi thứ hai của giải Nobel Hòa bình, sau Malala Yousafzai, người mới 17 tuổi khi nhận giải vào năm 2014.

Những lời tuyên án

Tại quê hương của bác sĩ Mukwege, tệ nạn cưỡng hiếp và bạo lực tình dục đã tràn lan từ khi nội chiến bắt đầu vào năm 1995. Cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 triệu người đã được xem là kết thúc vào năm 2003, nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở phía Ðông, nơi tình dục được coi là chiến thuật để hủy hoại cộng đồng nhằm kiểm soát các nguồn khoáng sản dồi dào. Cách đây vài năm, Liên hợp quốc đã lên án Congo là “thủ đô cưỡng hiếp” của thế giới.

Thực tế, căn bệnh trầm kha này trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy vào đầu năm 2014 ở Iraq. Chúng sử dụng cưỡng hiếp để hủy hoại cộng đồng, gia đình, làm băng hoại đạo đức, đặc biệt là những người phụ nữ phi Hồi giáo. Không ít cô gái bị chúng đem ra chợ bày bán như một món hàng, rồi sau đó trở thành nô lệ tình dục của các thủ lĩnh IS và các tay súng dưới quyền. Bạo lực tình dục còn là cách thức để chúng tuyển quân, thu về nguồn lợi tài chính không nhỏ từ việc buôn bán phụ nữ, đòi tiền chuộc… Hơn thế, tội ác tình dục nhằm vào phụ nữ không chỉ xảy ra ở những nơi có xung đột hay chiến tranh, mà thậm chí nó còn lẩn khuất ở những nơi vẫn được xem là văn minh.

Trong bối cảnh đó, việc Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh bác sĩ Mukwege và nhà hoạt động Murad không chỉ đơn giản là biểu tượng cho chiến thắng của chủ nghĩa nữ quyền, mà còn là lời nhắc nhở thống thiết, lời kết tội hùng hồn đối với sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn những tội ác kinh khủng ấy.

Hòa bình mang khuôn mặt phụ nữ

Thế giới đang đổi thay, phụ nữ đang dần khẳng định vị thế vững chắc của mình trong xã hội. Thế nhưng đâu đó giữa thế giới văn minh hiện đại này, chúng ta vẫn đọc được những câu chuyện về việc những người phụ nữ bị lạm dụng, hành hạ, bị buôn bán như những nô tì thời Trung cổ. Với Nadia Murad, tuy đã rời xa Iraq và có cuộc sống tốt đẹp hơn tại nước Ðức xa xôi, vẫn chưa thôi day dứt với sứ mệnh đòi lại công lý cho các nạn nhân từng bị đày đọa. Năm 2017, Murad ra mắt cuốn tự truyện mang tên The Last Girl (Cô gái cuối cùng) với thông điệp tràn đầy hy vọng: “Tôi muốn là cô gái cuối cùng trên thế giới kể câu chuyện đời nhiều đau thương như vậy”. Tiếng nói của Murad giờ đây có sức ảnh hưởng toàn cầu, giúp đòi công lý cho dân tộc của cô và khiến quốc tế công nhận những hành vi của phiến quân IS là tội ác diệt chủng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS.

Còn với bác sĩ Denis Mukwege, ông hay tin mình được trao giải Nobel Hòa bình khi đang trong... phòng phẫu thuật. “Bác sĩ phép màu” còn tranh thủ hoàn tất nốt ca phẫu thuật thứ hai trong ngày trước khi trả lời phỏng vấn. Suốt nhiều năm, tiếng nói của Mukwege rơi vào thinh không, khi dường như chẳng ai muốn nghe. Thế nhưng, ông cùng với những phụ nữ sống sót vẫn bền bỉ lên tiếng. Với nguyên tắc cơ bản “công lý là chuyện của mọi người”, Mukwege nhấn mạnh: “Giải Nobel này là sự thừa nhận những chịu đựng của không biết bao nhiêu phụ nữ - những nạn nhân của nạn cưỡng hiếp và bạo lực tình dục trên khắp thế giới - cũng như sự thất bại trong việc bù đắp cho họ”. Ông tuyên bố đóng góp toàn bộ phần thưởng của mình cho tất cả những người phụ nữ bị tổn thương vì chiến tranh và “đối mặt với bạo lực hằng ngày”.

Hòa bình ra đời từ sự bình đẳng giữa người với người. Không có cách nào nói về hòa bình, về xây dựng nền kinh tế bền vững, về một xã hội ổn định nếu quyền phụ nữ chưa được coi trọng. Và trên tất cả, bảo đảm cuộc sống và sự an toàn cho phụ nữ cũng chính là hy vọng để đẩy lùi bóng ma chiến tranh trong tương lai. Làm thế nào để một đứa trẻ nhìn thấy cha chúng bị giết, mẹ bị cưỡng bức mà không nuôi lòng thù hận về sau? Một người mẹ tốt có nhiều quyền năng chữa lành trái tim cho con cái mình hơn bất kỳ bản hiệp ước hòa bình nào…