Vị đại sứ 15 năm đón Tết Việt

Với ngài Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (ảnh dưới), sử dụng tiếng Việt giống như bản năng, như tiếng mẹ đẻ. Hơn 36 năm gắn bó với đất nước, con người Việt, ông đã “bỏ túi” cho mình những sở thích rất thuần Việt như ăn cơm nguội chan canh hay ăn phở.

Đại sứ Saadi đi chợ hoa ngày Tết.
Đại sứ Saadi đi chợ hoa ngày Tết.

Vị đại sứ thích ăn cơm nguội chan canh

Ngài Đại sứ Palestine kể về ngôi làng và thị trấn nơi mình sinh ra, nơi có phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, được mệnh danh là “Hà Nội của Palestine”. Từ những năm 1970 - 1975, khi Saadi Salama vẫn đang còn là một thiếu niên ông đã biết đất nước Việt Nam kiên cường, và có nhiều điểm tương đồng với đất nước Palestine trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Saadi đã bắt đầu cảm thấy cả hai dân tộc đang cùng một chiến hào đấu tranh cùng vì một mục tiêu chung: độc lập dân tộc. Mỗi thắng lợi của Việt Nam càng khiến chàng trai trẻ thêm yêu quý và ngưỡng mộ con người, dân tộc này.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Saadi Salama đã tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, quân sự cách mạng Palestine. Chàng trai trẻ khi ấy đã được Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) mời nhận học bổng ở các nước trong đó có Việt Nam. Mặc dù mới chỉ biết lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam qua sách, báo nhưng bằng sự tò mò và tình yêu dành cho Việt Nam, Saadi đã chọn nơi đây làm điểm đến trong chặng đường tiếp theo của mình. Với Saadi, đến Việt Nam không phải học để trở thành một kỹ sư, bác sĩ mà để trở thành một chuyên gia Việt Nam học.

Năm 1980, chàng thanh niên Palestine mang trong mình hoài bão được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho cuộc cách mạng dân tộc đã đặt chân đến Việt Nam, trở thành một trong số những lưu học sinh người Palestine đầu tiên tại đây. Nhớ lại ngài Đại sứ vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi khi lần đầu bước chân ra khỏi máy bay của Hãng hàng không Liên Xô. Đó là một ngày thu tháng 10, chung quanh vẫn còn hoang sơ, đồi núi xanh ngút. Hồi ấy phải mất hơn hai tiếng đi từ sân bay Nội Bài mới về đến nơi trọ, suốt dọc đường chàng thanh niên Palestine chỉ im lặng và ghi nhớ trong tâm trí hình ảnh về một đất nước Việt Nam giản dị, đời sống vẫn còn thô sơ. Cho đến bây giờ ngài Đại sứ vẫn không thể nào quên hình ảnh những chiếc xe bò đi trên đường hay hình ảnh người Việt với lối ăn mặc giản dị, nam mặc quần áo ka-ki đội mũ cối, phụ nữ mặc quần lụa đen áo sơ-mi trắng đội nón lá. Ông nói rằng mình may mắn khi đặt chân đến Hà Nội vào mùa thu nên mới thấy thành phố này thật đẹp, thật yên bình. Ông sẽ không thể nào quên hình ảnh sáng sáng mọi người cầm theo một chiếc cặp lồng đựng cơm trưa.

Đến với Việt Nam chàng trai trẻ Palestine phải làm quen với không khí nồm ẩm, tập ăn “cơm luộc” theo cách gọi của ông bởi ở đất nước Palestine cơm phải được nấu với gia vị và nước dùng chứ không nấu đơn giản bằng nước lã. Hai ngày đầu tiên đến Việt Nam, Saadi chỉ ăn bánh mỳ và bơ. Đến ngày thứ ba ông mới tập ăn cơm cùng với nước kho thịt và canh rau cải. Kể từ đó cho đến bây giờ ông có sở thích không ai biết đó chính là ăn cơm canh nguội, ông nói rằng tuy biết không khoa học nhưng nó gắn với ký ức những ngày đầu ông ở Việt Nam bởi hồi đó chàng lưu học sinh người Palestine thường xuống nhà ăn muộn nên thức ăn đã nguội hết. Sau hai tháng đến Việt Nam, Saadi mới thưởng thức bát phở đầu tiên và cũng từ đó phở đã trở thành món ăn không thể thiếu cuộc đời ông, mỗi tuần ông phải ăn ít nhất một lần.

Sau hơn 36 năm gắn bó với Việt Nam, ngài Đại sứ Palestine Saadi Salama tự hào khi mình là một người Palestine đã có bốn đứa con thành công và những đứa con mang dòng máu Palestine - Việt Nam, là thành quả của một cuộc hôn nhân đẹp. Ngài tin rằng các con mình không chỉ là cầu nối giữa Palestine - Việt Nam mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và những quốc gia, nơi các con ông đang sinh sống, làm việc.

Cái Tết không thể nào quên

“Cái Tết đầu tiên ở Việt Nam chính là cái Tết tôi ấn tượng và nhớ mãi không bao giờ quên”, đó là câu trả lời của ngài Đại sứ Saadi Salama khi hỏi về những kỷ niệm ngày Tết ở Việt Nam. Ông được trải nghiệm không khí Tết Việt từ những ngày cuối cùng của năm 1980 âm lịch. Ông được nhìn thấy những điều mới lạ ở Việt Nam mà trong suốt ba tháng trước đó chưa hề được nhìn thấy. Ông đã đi dạo khu phố cổ, nhìn thấy những cành đào được bày bán và tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Với ông ngày 30 Tết năm 1980 là một ngày đặc biệt, mọi người khi ấy tập trung về bờ hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau đón năm mới. Hồi ấy mỗi khi giao thừa đến cũng là khi tiếng pháo râm ran khắp thành phố khiến chàng trai trẻ Saadi có nhiều cảm xúc lạ và bắt đầu hiểu hơn về văn hóa Việt.

Đại sứ kể lại năm đầu tiên cùng người Việt đón Tết, ông được một người bạn dặn dò ngày mồng 1 nếu không ai mời đến nhà thì đừng ra ngoài vì người Việt có khái niệm xông đất. Với ông bầu không khí Tết trong những năm 80-85 của thế kỷ trước vui và ý nghĩa hơn bây giờ vì Tết là dịp để mọi người tận hưởng những gì họ đã làm trong suốt một năm.

Tết Đinh Dậu năm nay sẽ là cái Tết Việt thứ 15 của ngài Đại sứ. Những sự tích, phong tục ngày Tết như cúng ông Công, ông Táo, bữa cơm tất niên, chơi đào... đã trở nên quen thuộc với ông và giờ đây ông có thể lý giải những điều này có ý nghĩa như thế nào với người Việt. “Công nghiệp hóa là một dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng nhưng đã làm mất đi nhiều nét đẹp vốn có của ngày Tết Việt Nam”, giọng ngài Đại sứ trầm lại.

Yêu tiếng Việt như một bản năng

Những ai có mặt trong cuộc Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” diễn ra hồi đầu tháng 11 năm 2016 đều rất ngạc nhiên khi có một vị Đại sứ nói tiếng Việt “sành sỏi” đứng trên diễn đàn để nói về vấn đề... giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Khi được hỏi về bí quyết nói thành thạo tiếng Việt, ngài Đại sứ cười và nói rằng, ông không cần quá nhiều nỗ lực học và đọc tiếng Việt mỗi ngày. Với ông, nói tiếng Việt giống như một bản năng tự nhiên vậy.

Khi bắt đầu học tiếng Việt, Saadi Salama nhận thấy đây là một ngôn ngữ không dễ vì nó phụ thuộc vào khả năng phát âm, khả năng tiếp thu những từ đồng âm khác nghĩa. Ngài Đại sứ rút ra nguyên tắc cơ bản với người học tiếng Việt đó là cần nắm vững cách phát âm, cách viết chính tả.

Đại sứ nói “Tôi đã cố gắng sử dụng tiếng Việt thường xuyên, tìm hiểu ngôn ngữ này qua việc đọc nhiều sách tiếng Việt nhưng động lực mạnh nhất chính là tình yêu của tôi dành cho đất nước Việt Nam. Nếu không có tình yêu đó thì tôi sẽ chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn và sẽ quay về sau khi kết thúc khóa học của mình. Chính tình yêu Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến quyết định học thành công tiếng Việt”.

Học tiếng Việt với Đại sứ Saadi không chỉ là học một ngoại ngữ mà còn đi vào tìm hiểu chiều sâu văn hóa Việt. Càng tìm hiểu ông lại càng thấy giữa tiếng Việt và tiếng Ả rập có nhiều điểm tương đồng. Ông đã phát hiện ra trong tiếng Việt có những từ không có ý nghĩa cụ thể trong các loại ngôn ngữ khác nhưng trong tiếng Ả rập lại có ý nghĩa chính xác, chuẩn của nó. Thí dụ từ “duyên” khi tìm một từ ngữ để phản ánh đúng nội dung trong các ngôn ngữ khác thì không có nhưng tiếng Ả rập lại có một từ như vậy. Hoặc những đại từ nhân xưng như “cô, dì, chú, bác, anh, em,...” trong tiếng Ả rập cũng có những từ mang sắc thái tương đồng.

Ngài Đại sứ tự hào khi mình là người đầu tiên đã dịch một số tác phẩm, bài viết từ tiếng Việt sang tiếng Ả rập trong đó có tác phẩm “5 điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh” của tác giả Mai Trọng Tuấn và cuốn sách sau đó đã gây được sự chú ý của nhiều độc giả. Ông cảm thấy tiếc vì phong trào dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Ả rập còn chưa phát triển và ông cũng chưa có nhiều thời gian để làm công việc này.

Ngài Đại sứ Saadi Salama nói rằng, dù làm ngoại giao nữa hay không ông vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng tiếng Việt bởi đây là công cụ quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Palestine nói riêng và thế giới Ả rập nói chung. Ông tin rằng mình sẽ thành công trong nỗ lực truyền bá cho nơi mình đã gắn bó hơn 36 năm qua và khi nói rằng Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, đó không phải là lời nói mang tính ngoại giao mà xuất phát từ trái tim.