BÌNH LUẬN

Sợ hãi người lạ

Sợ hãi người lạ

Sự lựa chọn của một trang web ngôn ngữ

Cuối năm 2016, trang web có tên Dictionary.com, một trang web chuyên về ngôn ngữ, đã chọn xenophobia-chứng bài ngoại- làm từ của năm, dựa trên số lượng từ này được người dùng tìm kiếm trên Internet. Đây là từ mới xuất hiện trong tiếng Anh ở cuối thế kỷ 19, ghép lại từ hai thành tố tiếng Hy Lạp: xénos nghĩa là “người lạ, khách”, và phobos là “sợ hãi, căng thẳng”.

Dictionary.com định nghĩa xenophobia là “nỗi sợ hãi người nước ngoài, những người đến từ một nền văn hóa khác, hoặc những người lạ”. Nó cũng liên quan đến nỗi sợ hoặc không thích tác phong, trang phục và văn hóa của những người không có chung một nền tảng giáo dục với mình.

Có vẻ như xenophobia không chỉ giới hạn trong địa hạt văn hóa! Ẩn khuất bên trong nhiều sự kiện chính trị nổi bật nhất của năm 2016 cũng là một cảm thức chung xenophobia, đã dẫn dắt các sự kiện theo cái cách mà ít người ngờ tới nhất.

Câu chuyện về những người khờ khạo

Không phải vô lý khi mà theo thống kê của trang Dictionary.com đã chỉ ra rằng việc tìm kiếm từ xenophobia đã vọt lên một cách bất thường, tăng 938%, vào ngày 24-6-2016. Đấy là một ngày sau khi cử tri Anh đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định về việc nước Anh đi hay ở lại EU. Kết quả ra sao thì tất cả đã rõ: người dân Anh quyết định đưa đảo quốc sương mù rời EU, sự kiện mà cả thế giới biết đến dưới tên gọi Brexit.

Câu chuyện Brexit là câu chuyện của những chính trị gia khờ khạo đã tin tưởng chắc chắn vào những phân tích của các chuyên gia, về những thiệt hại to lớn mà nước Anh sẽ phải gánh chịu nếu rời khỏi EU. Họ cho rằng khi lắng nghe những phân tích ấy, những người tham gia cuộc trưng cầu dân ý sẽ vì lo lắng để mà bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại EU. Họ tin tưởng vào thắng lợi của trào lưu nước Anh “ở lại” EU đến mức không hề có “phương án B” nếu như kết quả đảo ngược so với dự tính.

Mà kết quả thì đã đảo ngược thật sự. Bởi các chính trị gia ủng hộ việc Anh ở lại EU đã không tính đến một điều: nỗi sợ hãi người lạ của số đông cử tri Anh.

Những người ủng hộ xu hướng Brexit đã khéo léo tận dụng nỗi lo lắng của người dân Anh trước viễn cảnh những người tị nạn nước ngoài tràn vào Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã diễn ra ở châu Âu mấy năm rồi và các chính trị gia ủng hộ Brexit đặt ra lựa chọn với cử tri Anh tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý: cần làm gì để điều đó không xảy ra với nước Anh?

Chạy trốn cái chết trong những cuộc nội chiến đẫm máu tại Syrie, Lybia, Iraq hay đói nghèo ở đa phần các nước châu Phi, những người tị nạn, hầu hết là bằng các phương tiện bất hợp pháp, đã “đổ bộ” lên các bờ biển châu Âu. Họ khiến một EU với các nguyên tắc về tự do thông thương đi lại, các giá trị về nhân quyền dân chủ từ bao năm nay, bị đụng chạm đến tận gốc rễ.

Nước Đức, với chính sách thu nhận người nhập cư khá thông thoáng, bị dè bỉu. Một vài quốc gia thành viên ương bướng quyết không chịu nhận hạn mức người nhập cư mà EU phân bổ, cho dù chẳng đáng là bao (“vấn đề là tính nguyên tắc, chứ không phải bao nhiêu”-Thủ tướng Hungary từng tuyên bố như vậy). Các hàng rào (theo đúng nghĩa đen) ngăn chặn dòng người nhập cư được dựng lên ở biên giới một số nước, vi phạm một cách cơ bản nguyên tắc đi lại tự do trong EU. Các cuộc khẩu chiến liên miên nổ ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU theo đó Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa nếu EU không thực hiện các cam kết về hộ chiếu cho công dân mình thì nước này sẽ “thả” cho dân di cư tràn ngập EU!

Nói cách khác, đa số người dân Anh đều biết là nếu rời EU thì nước Anh sẽ chịu thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến chính đời sống của họ, nhưng nỗi sợ dân nhập cư tràn vào còn lớn hơn nhiều!

Cả nước Anh và châu Âu rung chuyển trước kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh. Thủ tướng Anh nhanh chóng từ chức, các lãnh đạo EU họp khẩn hết cuộc này đến cuộc khác để đưa ra những phương án đối phó với Brexit.

Cho dù Tòa án Anh đã quyết là chỉ Quốc hội Anh mới có quyền kích hoạt điều khoản bắt đầu quá trình đàm phán để nước Anh rời khỏi EU thì Brexit vẫn là một quá trình không thể đảo ngược. EU, mà lớn hơn cả là châu Âu, không bao giờ trở lại như xưa nữa.

Xenophobia đã làm tròn vai trò của nó.

Sợ hãi người lạ ảnh 1

Ám ảnh về “bức tường”

Trong suốt một năm rưỡi trời, thế giới đã theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với không ít sự tò mò, thích thú. Bởi cho dù chỉ là một sự kiện chính trị nội bộ của nước Mỹ nhưng có lẽ không nghi ngờ gì nữa, nó cũng là một trong những sự kiện chính trị quan trọng mang tầm vóc thế giới trong năm 2016, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh địa chính trị những năm trước mắt.

Cũng bởi thế nên chỉ có cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ mới có thể thu hút sự theo dõi của toàn thế giới, với những diễn biến kịch tính như trong các chương trình truyền hình thực tế đầy rẫy trên các kênh sóng truyền hình.

Và nếu như kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh dẫn tới kết quả Brexit cho thấy sự khờ khạo của các chính trị gia thì kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho thấy sự khờ khạo của công chúng, của các chuyên gia phân tích chính trị, những người đã tin vào số liệu của các cuộc thăm dò do các tổ chức thăm dò dư luận chuyên nghiệp, các tờ báo, các kênh truyền hình tổ chức.

Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, tỷ phú ngành bất động sản Donald Trump, trước ứng cử viên Dân chủ Hilarry Clinton, ngoài vô vàn những lý do về chiến thuật, chiến lược, hay bởi những sự kiện (có vẻ) ngẫu nhiên như Giám đốc FBI bất ngờ tuyên bố mở cuộc điều tra về các email của ứng cử viên Dân chủ chỉ ít ngày trước khi bỏ phiếu diễn ra, thực chất, còn là chiến thắng của xenophobia!

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, không ít lần ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa nêu lên ý tưởng về việc xây dựng một bức tường dọc biên giới giữa Mỹ với nước láng giềng Mexico! Đó là một bức tường thực sự, ông D.Trump nhấn mạnh, để ngăn ngừa những người Mexico xâm nhập bất hợp pháp vào nước Mỹ và người Mexico phải trả tiền cho việc xây bức tường này (thông qua các khoản thuế, hay giảm bớt mức viện trợ của Mỹ cho Mexico...).

Trong một cuộc thăm dò dư luận trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều người khi được hỏi ý kiến về ứng cử viên D.Trump của đảng Cộng hòa, đã trả lời rằng họ ấn tượng nhất về “bức tường” ngăn cách với Mexico. Không biết là liệu một bức tường như vậy có khả năng trở thành hiện thực trong đời sống hay không, hình ảnh một “bức tường” khổng lồ kỳ vĩ ngăn cách họ với người lạ khiến cho họ có cảm giác được an toàn!

Sợ hãi người lạ ảnh 2

Hàng rào ngăn cách giữa Mỹ và Mexico.

Cũng tận dụng khuynh hướng sợ hãi người lạ như thế, ông D.Trump đã rất khôn khéo tung ra khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, với một chủ nghĩa biệt lập kiểu mới. Đấy là một nước Mỹ trên hết, với việc xem xét lại nhiều mối quan hệ đồng minh truyền thống (việc quái gì mà Mỹ lại phải trả tiền để đảm bảo an ninh cho các quốc gia khác trong khi còn phải lo cho chính mình?), từ bỏ các hiệp ước thương mại đã ký hoặc sắp ký (chúng giúp cho người nước ngoài chiếm công ăn việc làm của người Mỹ!), xem xét lại các thỏa thuận của người tiền nhiệm đã ký với Cuba, với Iran (vì đó là những thỏa thuận có hại cho nước Mỹ?)...

Dù biết chắc là sẽ gặp phải không ít sự phản đối nhưng trong chiến dịch tranh cử của mình, ông D.Trump cũng không ít lần nhắc đi nhắc lại về nỗi lo lắng trước làn sóng người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ. Ông tuyên bố nếu thắng cử sẽ ngăn người Hồi giáo vào Mỹ, đồng thời trục xuất hàng triệu người nước ngoài đã nhập cư trái phép trước đó vào nước Mỹ...

Cuối cùng, ông D.Trump đã thắng trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Một bộ phận cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho xenophobia.

Không có lý do nào để tôn vinh xenophobia

Hiệu ứng xenophobia không chỉ tác động đến các cuộc bầu cử hay bỏ phiếu lớn trong năm 2016. Sự bài ngoại, với yếu tố căn bản là “tôi không thích (căm thù) anh bởi vì anh không giống tôi”, thực chất đã ăn sâu, bén rễ trong rất nhiều tổ chức xã hội ở các nước, các khuynh hướng chính trị và đã ảnh hưởng sâu rộng đến các thiết chế xã hội, các tổ chức chính trị trong nhiều thập kỷ.

Đỉnh điểm là Nam Phi với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong những năm apartheid. Cực đoan đến mức khủng bố là IS trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này.

Ngay cả ở những xã hội phát triển, nó cũng vẫn tồn tại và có tác động theo cái cách mà ít ai ngờ nhất. Tính chất bài ngoại không chỉ diễn ra với người Hồi giáo, mà còn với người gốc Phi, người Do Thái, người châu Á hay gốc Mỹ la-tinh...

50 năm sau khi nhà hoạt động nhân quyền da đen người Mỹ Martin Luther King có bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” nói lên ước mơ về một xã hội mà trong đó người da đen và da trắng sống bình đẳng, hòa thuận, đó vẫn chỉ là một giấc mơ. Nước Mỹ năm 2016 đã oằn mình trước các cuộc bạo động dữ dội chống lại nạn kỳ thị chủng tộc trong giới cảnh sát nước này. Hàng chục nhân viên công lực Mỹ trở thành mục tiêu của những tay súng bắn tỉa chỉ để trả thù cho những người da đen bị cho là thiệt mạng vô cớ...

Và có ai dám bảo đảm rằng việc nhiều thành phố ở Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo ra bãi biển ăn vận bộ quần áo tắm của người Hồi giáo burkini, lại không liên quan đến việc nước Pháp trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan trong năm 2016?

Xenophobia cho thấy một thế giới năm 2016 đầy bất ổn, với vô vàn những biến động bất ngờ trong đời sống quốc tế có khả năng sẽ ảnh hưởng đến môi trường địa chính trị trong nhiều năm trước mắt. Với bản chất của nó, xenophobia có thể là từ của năm 2016, nhưng không có lý do gì để vinh danh từ này.