Phép thử khắc nghiệt

Đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, là một phép thử khắc nghiệt làm bộc lộ ra rất nhiều điều mà trước đây, trong điều kiện bình thường, thế giới đã không để ý đến hoặc chưa nhận biết được...

Công nhân Trung Quốc lắp ráp các linh kiện điện tử tại nhà máy của Foxconn - công ty chuyên cung cấp linh kiện cho Apple.
Công nhân Trung Quốc lắp ráp các linh kiện điện tử tại nhà máy của Foxconn - công ty chuyên cung cấp linh kiện cho Apple.

“Gót chân Achilles” của Mỹ

Trước khi đại dịch nổ ra, Mỹ là cường quốc có trình độ công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Trong danh sách các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, những cái tên đầu bảng luôn là các công ty Mỹ. Khi xu hướng toàn cầu hóa được đẩy mạnh trong một thế giới ngày càng “phẳng”, đã hình thành những chuỗi sản xuất, nơi mỗi quốc gia chỉ đảm nhiệm sản xuất một khâu.

Chẳng hạn linh kiện của hãng Apple được sản xuất ở Trung Quốc, khâu lắp ráp cuối cùng ở Mỹ, bán hàng trên thị trường Mỹ và sử dụng đồng USD để thanh toán. Điều này cho phép tối ưu hóa các ưu thế của thị trường để giảm giá thành sản phẩm: linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc vì giá nhân công rẻ, trong khi khâu lắp ráp cuối cùng ở Mỹ bảo đảm để các bí quyết công nghệ do Mỹ nắm giữ không bị thất thoát...

Điều này dẫn tới việc các công ty công nghệ của Mỹ tiến hành “thuê ngoài”, đầu tư xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc. Với năng lực kiểm soát chi phí mạnh mẽ của Trung Quốc, giá thành sản phẩm giảm đáng kể.

Chỉ có điều là sau một thời gian, người Mỹ bất chợt nhận ra rằng một lượng lớn cơ hội việc làm là ở Trung Quốc, còn người làm công ăn lương ở Mỹ chẳng được “xơ múi” gì trong cái chuỗi sản xuất kia. Thế là bắt đầu từ thời Tổng thống B.Obama và tiếp theo dưới thời Tổng thống Trump, xu hướng “đưa sản xuất quay về nước” bùng nổ rầm rộ.

Khi dịch bệnh Covid-19 càn quét khắp các lục địa, người Mỹ nhận ra thêm một sự thật trớ trêu nữa: rất nhiều mặt hàng của Mỹ phụ thuộc vào những khâu sản xuất ở Trung Quốc. Để ngăn cản dịch bệnh lan tràn, các đường biên giới quốc gia bị đóng cửa, hoạt động vận tải bị hạn chế tối đa. Chuỗi sản xuất bị đứt gãy do nhiều nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa. Kết quả là các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ của Mỹ cũng chịu chết, không thể có mặt trên thị trường.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 cũng giúp Mỹ phát hiện ra một sự thật đáng lo ngại: nhiều mặt hàng của Mỹ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Đơn cử như thuốc chữa bệnh. Khi tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, Mỹ nhận thấy 45% lượng thuốc Penicillin của Mỹ là do Trung Quốc sản xuất; 100% lượng thuốc giảm đau Ibuprofen mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2019 đều có nguồn gốc từ Trung Quốc!

Trong một “cuộc chiến”, dù là thương mại, công nghệ hay tiền tệ, tài chính, một khi đã bị phụ thuộc vào đối phương thì cũng có nghĩa là đã bị tước vũ khí, mất đi những ưu thế để có thể giành thắng lợi. Dịch bệnh Covid-19 đã cho Mỹ nhận thấy những “gót chân Achilles” của mình và sau khi đại dịch lắng dịu, chắc chắn sẽ có những bước điều chỉnh mà trước hết là tái thiết lại chuỗi cung ứng với Trung Quốc.

Như vậy, vô hình chung, dịch bệnh Covid-19 là phép thử nghiệt ngã đối với quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung và ở tầm bao quát hơn, là phép thử đối với quá trình toàn cầu hóa. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” được Tổng thống Trump mạnh mẽ cổ súy phải chăng sẽ tiếp tục có được những bước tiến mới sau đại dịch? Liệu khuynh hướng nguy hiểm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa có được tiếp thêm những nguồn nhiên liệu mới từ đại dịch Covid-19 và kinh tế thế giới, vốn đã bị SARS-CoV-2 tàn phá, sẽ tiếp tục chìm sâu hơn nữa vào khủng hoảng?

Phép thử đối với sự thống nhất châu Âu

Khi mới bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, dịch bệnh Covid-19 - khi ấy vẫn còn được gọi là “cúm Vũ Hán”- là một điều gì đó xa vời, gắn liền với hình ảnh những người châu Á bé nhỏ cùng chiếc khẩu trang trên mặt.

Rồi ngay cả khi nhiều hành khách xuất phát từ Trung Quốc bay đến châu Âu, nhiều trong số đó đã mang virus trong mình, người ta vẫn cho phép tổ chức những trận đấu bóng đá với sự góp mặt của hàng chục nghìn người.

Cho đến khi dịch bệnh đã loang ra hầu khắp trên thế giới, vẫn có chính khách châu Âu tự mình tham gia đấu thể thao, để rồi khi phóng viên truyền hình phỏng vấn thì hỏi ngược lại: “Cô nhìn quanh xem có thấy con virus nào bay quanh đây không?”!

Còn khi dịch bệnh đã dìm nhiều quốc gia châu Âu vào trong một thảm kịch nhân đạo không thể tưởng tượng nổi, với số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng giờ, vẫn còn những tranh cãi là liệu nên tiến hành các biện pháp cách ly xã hội triệt để hay để cho “miễn dịch cộng đồng”?

Sự chủ quan và chần chừ đã khiến châu Âu phải trả giá đắt, với số thương vong chỉ thua kém Mỹ. Do những hậu quả nặng nề mà nó gây ra, dịch bệnh Covid-19 là phép thử nghiệt ngã đối với toàn bộ hệ thống y tế cũng như nền kinh tế châu Âu.

Lớn hơn, nó là phép thử đối với sự thống nhất của châu Âu. Italia, tâm dịch của châu Âu, là quốc gia đầu tiên phải hứng chịu những tổn thất ghê gớm do dịch bệnh gây ra, cả về phương diện con người cũng như tác động đối với nền kinh tế. Thế nhưng các nước còn lại trong EU đã phản ứng một cách chậm chạp trước yêu cầu của Italia về việc kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự của EU đối với việc cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân.

Điều này khiến cho nhiều chính khách Italia thất vọng não nề, đến nỗi Đại sứ Italia tại EU còn công khai tuyên bố rằng Trung Quốc, đối thủ chiến lược của EU, đã giúp đỡ nước này nhiều hơn EU (!)

Chẳng phải vô cớ mà tờ Thời báo tài chính đã đưa ra câu hỏi như một lời cảnh báo: Châu Âu sẽ “mất” Italia? Khi đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của nhiều chục nghìn người, trên đà đẩy nền kinh tế Italia rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử hiện đại thì ngay cả những chính khách thân châu Âu của nước này cũng có cảm tưởng rằng đất nước họ đang bị các nước láng giềng bỏ rơi.

Trong một cuộc khảo sát diễn ra hồi tháng 11-2018, 47% số người Italia được hỏi cho rằng việc tham gia EU là một bất lợi đối với Italia; đến tháng 3-2020, con số này đã tăng lên 67%.

Mà không chỉ riêng có mỗi Italia. Trước nguy cơ đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế, lẽ ra các nước châu Âu phải nhanh chóng có các biện pháp thống nhất và đồng bộ để đối phó thì lại chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là chung quanh vấn đề phát hành “trái phiếu corona”. Đây là loại trái phiếu nợ chung với sự bảo đảm của tất cả các nước khu vực đồng euro để giúp chi trả cho những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một số nước trong EU cương quyết chống lại sự phát hành trái phiếu này, viện dẫn nguyên tắc trong EU “cấm biến các khoản nợ riêng thành nợ chung”.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng làm nảy sinh sự kết hợp giữa chủ nghĩa hoài nghi châu Âu với chủ nghĩa dân tộc thời dịch bệnh, lợi dụng cuộc khủng hoảng để đổ lỗi cho dân di cư, người châu Á hay tiến trình toàn cầu hóa. Chính những tư tưởng dân túy này làm xói mòn các giá trị cộng đồng, đe dọa sự thống nhất của châu Âu.

Tham vọng của Trung Quốc

Sau những trục trặc ban đầu để tỷ lệ người nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng nhanh, Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh. Quá trình này ngược hoàn toàn với diễn biến ở bên ngoài Trung Quốc, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng và dìm phần lớn các quốc gia vào thực trạng thảm khốc, trước hết ở Italia, Tây Ban Nha, sau đó lan sang Mỹ và hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới.

Đến lúc này, song song với chiến lược truyền thông “dù dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc nhưng không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc”, bắt đầu một chiến lược mới mang tên “Con đường tơ lụa y tế”, duy trì “sức mạnh mềm” của Trung Quốc để thực hiện những tham vọng xa hơn.

Trong bối cảnh các nước gồng mình vật lộn với đại dịch, Trung Quốc đã trao tặng cho hơn 80 nước các trang bị bảo hộ và vật tư y tế, sử dụng ngoại giao y tế như một công cụ gia tăng ảnh hưởng. Bằng cách này, Trung Quốc dường như cố gắng khiến các nước quên đi trách nhiệm, bỏ qua những sai lầm của Trung Quốc trong cách đối phó với dịch Covid-19 thời kỳ đầu, đồng thời tìm cách tranh thủ dịch bệnh để thúc đẩy ngoại giao y tế nhằm đạt được các lợi ích về chính trị, ngoại giao, kinh tế.

Cũng trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát khắp thế giới, không loại trừ các quốc gia đối tác trong khu vực Đông-Nam Á, Trung Quốc còn đi một nước cờ bất nhẫn là tiến hành các hành động khiêu khích ở Biển Đông, thực hiện phương châm “đục nước béo cò”, tìm cách hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ trong tình trạng “thiên hạ đại loạn”. Những hành vi này đã bị các nước trong khu vực và cả thế giới lên án.

Covid-19, vì thế, cũng là một phép thử hiện hình những tham vọng vô lối của Trung Quốc.