Nơi trẻ - già hòa nhịp

Những âm thanh trẻ thơ không phải là điều thường thấy ở các nhà dưỡng lão, nhưng ở Nhà Nightingale (London), điều này không còn là chuyện lạ. Với gần 200 cụ già sinh sống, nơi đây là một trong những trung tâm chăm sóc người cao tuổi lớn nhất nước Anh.
Một hoạt động chung ở nhà dưỡng lão.
Một hoạt động chung ở nhà dưỡng lão.

3 tuổi và 93 tuổi cùng chơi

Vào một buổi sáng ở Nhà Nightingale, hơn 20 cụ già ngồi trong một căn phòng cầm tạ và tập các bài vật lý trị liệu vừa phải với người hướng dẫn. Tuy mọi người rất tập trung nhưng vẫn có sự phấn khích nào đó. Cứ vài phút, các cụ lại liếc về phía cửa ra vào. Họ đang kiên nhẫn chờ bọn trẻ. Khi những vị khách nhỏ xíu chỉ chừng ba, bốn tuổi xuất hiện, căn phòng như bừng sáng.

“Bọn trẻ ùa vào, rõ ràng chúng thích chuyện này. Chúng cứ nhảy tưng tưng lên và chúng tôi cũng thích điều đó. Trong khoảng một giờ, chúng tôi quên bẵng rằng mình đang sống xa gia đình”, cụ bà Anna Platman 93 tuổi nói. Bà đã sống trong nhà dưỡng lão này được gần một năm. Bà Anna hăng hái hát cùng bọn trẻ và cười chào đón cô bé ba tuổi Martha. “Cô bé đến thẳng chỗ tôi và nói “Chào bà Anna”. Cô bé ba tuổi và tôi 93 tuổi, vậy mà cô bé nhìn tôi mỉm cười khoe: “Bà nhìn xem cháu mặc gì này”. Thật tuyệt vời. Thật tốt đẹp”.

Vào tháng 9 năm ngoái, lần đầu tiên có một nhà trẻ mang tên Apples & Honey Nightingale (Nightingale Táo và Mật) được mở cửa trong khuôn viên nhà dưỡng lão. Vì ở chung một chỗ, những người già ở nhà dưỡng lão có thể đến chơi với bọn trẻ tại nhà trẻ hoặc bọn trẻ đến chơi với các cụ và tham gia các hoạt động trong cuộc sống thường ngày của cư dân tại nhà dưỡng lão.

Bà Fay Garcia ngoài 90 tuổi đã sống tại trung tâm này ba năm đang chơi trò bắt bóng với một bé gái khác, sung sướng khi bắt được quả bóng. “Thật vui khi bọn trẻ tới. Chúng cuốn chúng tôi vào các hoạt động. Thật hạnh phúc khi thấy chúng cũng đang rất vui vẻ. Tôi như được tái sinh vậy”. Bà cười khúc khích, nụ cười nở rộng trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà làm việc cho Liên hợp quốc ở New York, hầu hết tuổi trưởng thành và chưa từng có con cái. Việc chăm sóc nuôi dưỡng đa thế hệ dưới một mái nhà không có ý nghĩa nhiều với bà. Nhưng sau một lần được nghe giải thích những lợi ích của nó và dành thời gian chơi với bọn trẻ, bà đã nhanh chóng thay đổi suy nghĩ của mình. “Bọn trẻ nhận ra chúng tôi chỉ sau một thời gian ngắn và giờ tôi có bao nhiêu đứa cháu đáng yêu, đây là điều vô cùng mới mẻ đối với tôi”, cụ bà vui sướng nói. Bà cho rằng tương tác với bọn trẻ làm nên điều kỳ diệu với bà và những cụ ông cụ bà khác, và mô tả mối quan hệ với bọn trẻ như là tình bạn vậy.

“Thậm chí chúng có thể dạy chúng tôi một vài điều mới mẻ và hy vọng là chúng tôi có thể trao cho chúng một chút kiến thức” - ông Maurice Elston, người chuyển vào nhà dưỡng lão này một thời gian ngắn sau khi vợ chết nói rằng những chuyến thăm từ bọn trẻ khiến nhà dưỡng lão có cảm giác như một gia đình. “Người già có khuynh hướng sống cô độc và ý nghĩ bạn có thể nói chuyện với bọn trẻ và có mối quan hệ với chúng tạo cảm giác như một gia đình vậy. Nó cho chúng tôi việc gì đó để làm. Điều đó thật vui và chúng cũng có vẻ thích thú” - ông nói.

Những người chăm sóc trong nhà nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở bà Garcia và hầu hết các cư dân khác trong nhà cả về thể chất lẫn tâm lý. Ông Simon Pezisi, Giám đốc dịch vụ chăm sóc tại Nhà Nightingale cho biết, con gái ông đi nhà trẻ và cùng chơi với bà Garcia. “Tôi thấy bà ấy đi vòng quanh khu nhà, tới nhà trẻ và nhiều chỗ khác. Đó là bài tập thể chất rất tốt bởi bà có chỗ để đi và có việc cần làm, điều rất khác với việc phải cố động viên mình đi ra ngoài”.

Tiến sĩ Ali Somers, đồng sáng lập nhà trẻ thừa nhận việc nhiều thế hệ cùng chung sống bồi dưỡng sự khôn ngoan, hiểu biết cho thế hệ trẻ, sức khỏe và tuổi thọ cho người già. “Khi bọn trẻ và các cụ già sinh hoạt cùng nhau, các cụ dường như quên đi những khiếm khuyết thể chất, họ như đang được cổ vũ, họ hoạt động tích cực hơn và tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối thoại”. Mức tuổi trung bình của cư dân trong nhà dưỡng lão là 90 tuổi, trong đó có 10% số cụ hơn 100 tuổi, có nghĩa rằng thể chất yếu ớt, việc di chuyển khó khăn rất cần được lưu ý cũng như sự cô đơn.

Để tuổi già không cô độc

Bà Judith Horowitz, đồng thành lập nhà trẻ nói: “Con người ngày càng nhận rõ những thiếu sót của việc phân biệt tuổi tác trong xã hội ta đang sống, khi con người không hòa nhập với nhau, nơi gia đình mở rộng không còn phổ biến, các thế hệ không học hỏi từ nhau nữa. Trẻ nhỏ thường rất vô tư, chúng không có định kiến, dễ học hỏi, chúng cũng rất quan tâm và sáng tạo cho nên dễ dàng thấy lợi ích của việc sống chung”.

Nơi trẻ - già hòa nhịp ảnh 1

Niềm hạnh phúc lộ rõ khi già gặp trẻ.

Ý tưởng về những trung tâm chăm sóc đa thế hệ khá mới mẻ đối với Anh quốc, nhưng những trung tâm tương tự đã hình thành trước đó. Khái niệm chăm sóc đa thế hệ bắt đầu từ năm 1976 khi một nhà trẻ và một trung tâm dưỡng lão được kết hợp lại ở Tokyo (Nhật Bản). Từ đó, đã có những mô hình thành công ở châu Âu, Australia và Mỹ. Ở Singapore, chính phủ đã cam kết đầu tư 1,7 tỷ bảng cho sáng kiến nhằm cải thiện tuổi thọ ở đất nước này bao gồm hình thành 10 căn nhà chăm sóc nhiều thế hệ. Kết hợp việc chăm sóc người già và trẻ nhỏ mang lại lợi ích kinh tế cho những người cung cấp dịch vụ và lợi ích sức khỏe cho các cư dân sống trong nhà.

Nước Anh đang cố nắm bắt ý tưởng này. Ông Stenphen Burke, Giám đốc của tổ chức United for All Ages nói: Trong vòng bảy năm, tổ chức phát triển này đã làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức khác bao gồm chính quyền địa phương, các trung tâm dưỡng lão, người cho thuê nhà và các trung tâm cộng đồng nhằm khuyến khích họ nghĩ rộng hơn về các cơ hội cho việc chăm sóc kết hợp. Các mối quan tâm ngày càng tăng lên. Một số nhà trẻ hoạt động ở gần trung tâm dưỡng lão ở các thành phố như Chichester và Edinburgh nhưng Apples and Honey là nhà trẻ đầu tiên nằm trong một nhà dưỡng lão và có các hoạt động kết hợp dành cho bọn trẻ và các cụ già bao gồm các bài tập, đọc sách, nghệ thuật, nấu ăn và ăn. Tuy nhà trẻ đi vào hoạt động chưa lâu, và cũng chưa có những đánh giá cụ thể và toàn diện, kết quả bước đầu là những thay đổi tích cực của các cụ bao gồm việc giảm trầm cảm, giảm mất trí nhớ, tăng hoạt động và giao tiếp, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt hơn...

Bà Sarah Harper, Giáo sư lão khoa tại Đại học Oxford, đồng ý và nói rằng mọi người tới trường học và nơi làm việc thường gặp gỡ người cùng độ tuổi. Hậu quả là khi bạn đời, anh chị em, họ hàng và những người cùng thế hệ qua đời, người ta sẽ thấy “bị tách rời và cô độc”. Ở một khía cạnh nào đó, thật buồn khi chúng ta phải xây dựng những chương trình chăm sóc kết hợp thế này. Các thế hệ chung sống vốn là một điều «hết sức tự nhiên».

Trong lúc chương trình vốn được thiết lập vì lợi ích tuổi già, Giáo sư Harper tin rằng chúng cũng mang lại cho bọn trẻ lợi ích tương đương. Kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước được truyền lại qua các hoạt động là không thể phủ nhận. “Tình yêu, mối quan hệ và cách bước vào thế giới này không phải là điều mới với những người lớn tuổi. Chúng ta có thể yên tâm về điều này” - bà nói.