Những con sóng nghịch chiều

Nhìn lại toàn cảnh năm 2018, có thể thấy trên đại dương toàn cầu là những con sóng nghịch chiều với sức mạnh kinh hồn va đập, khiến cho thế giới bị rung lắc dữ dội...

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019.

Sức mạnh tồn tại của cơ chế thương mại đa phương

Ba ngày sau khi vào Nhà Trắng, ngày 23-1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cần biết rằng các nước tham gia TPP đã mất tới hơn 11 năm đàm phán để hoàn thiện và chuẩn bị biến TPP thành hiện thực.

Quyết định của Mỹ đã giáng một đòn nặng nề vào TPP. Từ chỗ chiếm tới 40% GDP toàn cầu và thị trường xấp xỉ gần 800 triệu dân nếu được ký kết với đầy đủ 12 thành viên, khi Mỹ dứt áo ra đi, TPP, nếu được ký kết với 11 thành viên còn lại tụt xuống còn 14% GDP toàn cầu và thị trường ước tính còn lại chỉ khoảng 500 triệu dân.

Quyết định của Mỹ cũng là chỉ dấu rõ nét cho thấy bắt đầu của những con sóng bảo hộ mậu dịch do Tổng thống D.Trump khởi xướng, liên tục tấn công vào các cơ chế thương mại đa phương, vốn đã mang lại những lợi ích to lớn cho thương mại toàn cầu trong suốt nhiều thập niên qua. Là siêu cường hàng đầu thế giới, sự rút lui toàn diện của Mỹ khỏi các cơ cấu thương mại đa phương gây tác động không phải của một thành viên bình thường mà như một trong những quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại toàn cầu, đã gây khó khăn không nhỏ cho kinh tế thế giới.

Không ít người đã tỏ ra bi quan về sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và sự lùi bước của thương mại đa phương.

Nhưng mười tháng sau, thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã chứng kiến một thời khắc lịch sử khi sau những phiên đàm phán căng thẳng đầy kịch tính, với sự khôn khéo mềm dẻo linh hoạt của nước chủ nhà Tuần lễ cấp cao APEC, lãnh đạo 11 quốc gia còn lại đã đi tới quyết định thay thế TPP bằng CPTPP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Và tháng 3-2018, tại khách sạn Crowne Plaza ở thủ đô Santiago của Chile, đại diện 11 quốc gia là Chile, Australia, Brunei, Canada, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức ký kết CPTPP.

Nó cho thấy cơ cấu kinh tế thương mại đa phương không những không lùi bước mà còn tiếp tục tiến lên phía trước. Chỉ trong một thời gian ngắn, trong năm 2018 đã có trên sáu nước phê chuẩn CPTPP, vượt qua yêu cầu tối thiểu để hiệp định có hiệu lực.

Những động thái này gửi đi thông điệp rõ ràng: cuộc đấu giữa quan điểm thương mại đa phương và bảo hộ mậu dịch vẫn chưa tới hồi kết và nhiều quốc gia vẫn coi hợp tác kinh tế thương mại đa phương là lựa chọn ưu tiên để đi tới phồn thịnh.



Xu thế hòa hoãn thắng thế ở Bán đảo Triều Tiên

Năm 2018 cũng là năm diễn ra những cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, mang lại niềm hy vọng về xu thế hòa bình có thể lên ngôi.

Bất ngờ với hầu hết tất cả mọi người, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong bài phát biểu đầu năm 2018 đã kêu gọi cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, tuyên bố sẵn sàng cử phái đoàn của miền Bắc tới tham dự Thế vận hội mùa Đông 2018 được tổ chức ở Pyeongchang tại Hàn Quốc.

Những diễn biến sau đó nhanh đến mức khó có thể tưởng tượng. Phía Hàn Quốc hồi đáp một cách thuận lợi, mở đường cho “chiến dịch ngoại giao nụ cười” của phía Triều Tiên, với nụ cười của bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên trên khán đài chứng kiến lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang cùng với lá thư tay mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng.

Rồi đến hôm 27-4, sau cái bắt tay kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo hai miền, ông Kim Jong-un đã bước qua đường ranh giới quân sự, trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Những con sóng nghịch chiều ảnh 1

Cuộc gặp lịch sử giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.


Trong cuộc gặp thượng đỉnh này, hai bên đã thỏa thuận tiến tới việc ký một hiệp định hòa bình giữa hai miền Nam-Bắc thay thế cho hiệp định đình chiến hiện hành. Cả hai miền Triều Tiên đã có những bước tiến mạnh bạo hướng về phía hòa bình, mở đường cho bầu không khí lắng dịu giữa hai phía vốn từng đối địch nhau trong nhiều thập niên qua.

Không những thế, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều còn là tiền đề dẫn tới một cuộc gặp thượng đỉnh khác, sốc hơn: Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, tháng 6-2018.

Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo hai nước đã thống nhất ra một Tuyên bố chung với nhiều điều khoản, trong đó đặc biệt có một nội dung khiến cho các nhà quan sát ngỡ ngàng: Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4-2018 (giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh hai tháng trước đó), Triều Tiên cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Phải chăng quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu?

Tất nhiên là không có gì dễ dàng như thế. Sự ngưng trệ của tiến trình này trong suốt cả năm 2018 cho thấy giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên vẫn còn quá nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt quan trọng là khôi phục lòng tin, vốn đã thiếu vắng trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ít nhất cũng đã cho thấy ý chí hòa hoãn hòa dịu đã như con sóng lừng vượt lên những nghi kị, thù hằn...

Điều mà cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki một tháng sau đó đã không làm được!

Vẫn tồn tại nguy cơ của “chiến tranh lạnh 2.0”

Trung tuần tháng 7-2018, cuộc gặp thượng đỉnh chính thức lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ D.Trump với Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki, thủ đô của Phần Lan được thiết kế làm sao để ông V.Putin có thể tham gia lễ bế mạc World Cup 2018 diễn ra ở 11 thành phố nước Nga, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Người ta đã hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng giữa hai bên trên hàng loạt hồ sơ, như các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tình hình Crimea, Syria, Iran và vũ khí hạt nhân.

Đó là “một khởi đầu tốt”, theo như tuyên bố của ông Trump, nhưng hóa ra lại không phải! Sau Helsinki, quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục lao dốc với những cáo buộc tiếp tục nhằm vào nhau trên đủ các lĩnh vực, trong đó đặc biệt đáng lo ngại là việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung INF hai bên đã ký năm 1987, dẫn tới việc ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi INF nếu Nga không triệt để thực thi hiệp định này trong vòng 60 ngày.

Lời đe dọa của Mỹ, nếu được thực hiện, sẽ gây nên những hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng về mặt địa chính trị, không chỉ trong mối quan hệ giữa hai siêu cường mà còn đối với toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu.

Điều hiển nhiên là nếu Mỹ xé bỏ INF thì Nga cũng sẽ tự cho phép mình trang bị những loại vũ khí phù hợp để đối phó và mục tiêu bị đe dọa đầu tiên sẽ là các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Khả năng về một cuộc “chiến tranh lạnh 2.0” tái diễn đã khiến cho tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, được động viên bởi những cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, cảm thấy lo ngại.

Tình hình càng trở nên xấu hơn vào dịp cuối năm khi một vụ đụng độ hải quân Nga-Ukraine ở Biển Đen đã được coi là lý do để Tổng thống Trump hủy bỏ cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires vào phút cuối cùng.

Như vậy là vẫn luôn có những con sóng căng thẳng nghịch chiều với xu thế hòa hoãn, hòa dịu trên thế giới.

* * *

Việt Nam ở đâu giữa những con sóng nghịch chiều trong năm 2018 ấy ?

12 giờ ngày 17-10-2018 (theo giờ địa phương), trong chuyến thăm Bỉ và EU của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Những con sóng nghịch chiều ảnh 2

Tham gia các Hiệp định thương mại tự do mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lẫn thách thức.Ảnh | Nguyễn Đức

Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ cho thấy Việt Nam đã ứng phó linh hoạt như thế nào giữa lúc những con sóng trái chiều đang hoành hành trên khắp các lục địa. Trong bầu không khí “khét mùi thuốc súng” của những cuộc thương chiến khốc liệt giữa các định chế quốc tế, các tổ chức và các quốc gia, Việt Nam vẫn khôn khéo tìm cách đạt được những thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước.

Trong năm 2018, không chỉ thành công trong việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU, tháng 11-2018, với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Quốc hội Việt Nam cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ bảy phê chuẩn Hiệp định lịch sử này.

Những quyết sách đó cho thấy lựa chọn của Việt Nam ủng hộ thương mại đa phương, rằng chủ nghĩa bảo hộ hay chiến tranh thương mại không phải là lựa chọn duy nhất cho cạnh tranh.

Thực tế cho thấy lựa chọn đó là đúng đắn. Ngân hàng thế giới đánh giá nền kinh tế Việt Nam 2018 tiếp tục là một điểm sáng với tỷ lệ tăng trưởng ổn định tiếp tục trên 6,5%, chỉ số lạm phát thấp, đời sống người dân được cải thiện. Việt Nam cũng ngày càng tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động chung của thế giới mà điển hình là trong năm 2018, đã đưa các đơn vị tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 ở Nam Sudan...

Trong năm 2018, còn có hiện tượng bùng nổ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các thành tích của các đội tuyển bóng đá các lứa tuổi ở các giải đấu khu vực cũng như tầm châu lục, khiến cho bạn bè và cả các đối thủ sân cỏ cũng phải thán phục.

Từ kinh tế đến chính trị, từ lực lượng Gìn giữ hòa bình đến thể thao, hình ảnh Việt Nam trong năm 2018 cho thấy sự tự tin của một dân tộc đã biết can đảm chèo lái tìm ra đường đi giữa những con sóng nghịch chiều trên đại dương toàn cầu đầy bão tố.