Cuộc chiến xanh - đỏ!

Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ cho thấy đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi những người Cộng hòa vẫn giữ được ưu thế đa số ở Thượng viện. “Cuộc chiến xanh - đỏ” đã tạm kết thúc với việc mầu xanh - mầu của những người Dân chủ - lại bao phủ Hạ viện Mỹ, trong khi Thượng viện vẫn tràn ngập sắc đỏ của đảng Cộng hòa...
Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại trường trung học cơ sở Brunswick, Maine (Mỹ).
Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại trường trung học cơ sở Brunswick, Maine (Mỹ).

“Chiến trường” Hạ viện

Cuộc bầu cử ngày 6-11 không phải là bầu Tổng thống mà là bầu lại các nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, 35/100 ghế của Thượng viện, 36/50 Thống đốc bang. Ba trưởng đặc khu hành chính, cơ quan lập pháp ở 87 quận, sáu cơ quan lập pháp trực thuộc và các chức vụ của chính phủ, bang và địa phương như thị trưởng một vài thành phố đều phải bầu lại.

Trước khi diễn ra bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hòa đang nắm đa số ở cả hai viện của Quốc hội Hoa kỳ, chiếm 236 ghế Hạ viện và 51 ghế Thượng viện. Số lượng thống đốc bang của đảng Cộng hòa là 33 người cũng nhiều hơn so với đảng Dân chủ chỉ có 16 người.

Về phía Dân chủ, ở Thượng viện, họ chỉ có 47 người (hai người còn lại là nhân sĩ độc lập tham gia Hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ), còn ở Hạ viện có 193 người.

Nhưng vấn đề không nằm ở số ghế mỗi đảng nắm giữ ở Hạ viện hay Thượng viện, mà chính là số ghế phải bầu lại trong dịp này, bởi không phải toàn bộ các ghế của mỗi đảng đều phải bầu lại. Trước khi bầu cử giữa kỳ diễn ra, cơ cấu số ghế bầu lại cho thấy đảng Cộng hòa nắm lợi thế ở Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ lại có hy vọng kiểm soát được Hạ viện sau bầu cử.

Do khả năng đảng Cộng hòa tiếp tục nắm đa số ở Thượng viện là rất lớn nên chiến trường trọng điểm mà đảng Dân chủ nhắm vào để giành lại quyền kiểm soát chính là Hạ viện. Thực tế cho thấy đây là quyết chiến điểm đúng đắn của đảng Dân chủ.

Yếu tố Trump

Nếu nhìn vào những chặng đường hoạt động chính trị của ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống 2016, khó có thể xác quyết ông chắc chắn thuộc về một đảng nào! Việc ông tham gia đảng phái nào thay đổi theo thời gian. Trước năm 1987, ông Trump thuộc đảng Dân chủ, sau đó gia nhập đảng Cộng hòa từ 1987 đến 1999. Sau đó ông chuyển qua đảng Cải cách trong giai đoạn từ 1999 đến 2001 và từng là ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Từ 2001 đến 2009, ông Trump quay về đảng Dân chủ và lại tham gia đảng Cộng hòa từ 2009 đến 2011. Sau một thời gian không theo đảng phái nào từ 2011 đến 2012, ông quay về đảng Cộng hòa năm 2012 và tiếp tục là thành viên đảng này cho đến khi trở thành Tổng thống.

Có thể thấy rằng thời gian ông Trump ở đảng Dân chủ còn nhiều hơn trong đảng Cộng hòa!

Mặc dù vậy, từ khi vào Nhà Trắng, chính sách của ông Trump được cho là đại diện cho Cộng hòa. Ông tiến hành cắt giảm thuế, giảm bớt sự can dự của chính phủ, bổ nhiệm thẩm phán liên bang là người của đảng Cộng hòa.

Về đối ngoại, ông Trump nghiêng về chủ nghĩa biệt lập với câu thần chú “Nước Mỹ trên hết”, nhanh chóng rút nước Mỹ ra khỏi các hiệp định đa phương mà ông cho rằng không có lợi, hết sức quyết liệt trong vấn đề hạn chế người nhập cư vào nước Mỹ. Ngoại trừ một số tiến triển trong quan hệ phức tạp với Triều Tiên, ông cũng quay trở lại chính sách cứng rắn với Cuba và Iran (xóa bỏ hầu hết những tiến bộ của chính quyền tiền nhiệm với hai quốc gia này).

Đặc biệt, ông Trump chủ động phát động chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc, đồng thời vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với Nga và không ít lần làm phật lòng các đồng minh thân cận nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU bằng những tuyên bố và cả các biện pháp răn đe về kinh tế nhằm vào các đối tác này.

Những người của đảng Cộng hòa đã sử dụng các chỉ số khởi sắc của nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump để làm thỏi nam châm thu hút các cử tri bầu cử cho ứng cử viên của đảng mình với tham vọng tiếp tục duy trì đa số ghế trong các cơ quan lập pháp và hành pháp của nước Mỹ, tạo tiền đề cho ông Trump tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trước khi diễn ra bầu cử giữa kỳ, những người Cộng hòa còn có thêm một công cụ tuyên truyền bởi sự kiện dòng người di cư từ Trung Mỹ đang tiến tới biên giới giữa Mỹ với Mexico. Mặc dù còn cách biên giới tới cả ngàn dặm nhưng Tổng thống Trump vẫn quyết định điều động hơn 5.000 quân tới để “hỗ trợ” lực lượng bảo vệ biên giới nhằm “chống lại một cuộc xâm lược”. Tương tự như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Đảng Cộng hòa muốn sử dụng hình ảnh một đội quân nhập cư đông đảo đang “đe dọa” nước Mỹ để thu hút cử tri bảo thủ, những người đã từng giúp ông Trump bất ngờ chiến thắng năm đó.

“Vũ khí” của Dân chủ

Đối với những người Dân chủ, việc ông Trump, mặc dù ít hơn ứng cử viên Hillarry Clinton 2,9 triệu phiếu phổ thông nhưng do nắm giữ số phiếu đại cử tri nhiều hơn nên vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là một liều thuốc đắng không dễ gì nuốt trôi.

Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này chính là cơ hội để những người Dân chủ phục thù, đổi mầu ở Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mầu đó không dễ dàng.

Vượt qua sự choáng váng và nỗi thất vọng ê chề sau thất bại ở cuộc bầu cử năm 2016, những người Dân chủ dần tập hợp lực lượng lại với nền tảng là phong trào “phản kháng” của một bộ phận người dân. Phong trào này bảo vệ các giá trị chính trị như chủ nghĩa đa văn hóa, thúc đẩy hội nhập, bình đẳng, ủng hộ các biện pháp cụ thể như bảo vệ môi trường, ngăn chặn bạo lực thông qua kiểm soát súng đạn và bảo vệ những người yếu thế như quyền của phụ nữ, người nhập cư.

Bản thân sự có mặt của ông Trump trong Nhà Trắng đồng thời cũng là yếu tố để những người Dân chủ tập hợp lực lượng lại để đối nghịch với một Tổng thống dễ gây xung đột và tranh cãi.

Các số liệu thống kê từ lịch sử cũng mang lại hy vọng cho người Dân chủ khi cho thấy đảng của tổng thống đương nhiệm thường mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Lý do là vì cử tri thường không muốn nhìn thấy một đảng độc quyền nên có xu hướng điều chỉnh hành vi để lập lại sự cân bằng trong các cơ quan quyền lực của đất nước.

Và nếu như những người Cộng hòa bất ngờ có được “vũ khí” tuyên truyền do đoàn người di cư từ Trung Mỹ hướng về biên giới Hoa Kỳ thì phía Dân chủ cũng nhanh chóng nắm lấy thứ “vũ khí” trời cho họ: ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ đã xảy ra vụ xả súng tại một giáo đường Do thái ở Pittsburg khiến 11 người thiệt mạng và sáu người khác bị thương, trong đó có bốn viên chức cảnh sát.

Trước đó là hàng loạt vụ bom thư được gửi cho các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng, hầu hết đều có xu hướng thân Dân chủ. Phía Dân chủ cáo buộc rằng chính bầu không khí khiêu khích và thù hận do những người Cộng hòa tạo ra đã nuôi dưỡng các hành động bạo lực như vậy và để ngăn chặn thì những người tỉnh táo hãy bầu cho đảng Dân chủ!

Một viễn cảnh tồi tệ về chính trị

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ cho thấy đảng Dân chủ đã thành công trong việc “đánh chiếm” Hạ viện, xóa bỏ thế độc chiếm quyền lực của đảng Cộng hòa để tạo ra sự cân bằng quyền lực. Mầu xanh bây giờ đã phủ lên một nửa Quốc hội Mỹ. Nhìn nhận đây là sự phê phán của một bộ phận cử tri Mỹ đối với những chính sách của ông Trump trong gần hai năm qua cũng đúng mà coi đây như là một bàn đạp để ông Trump dễ dàng hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 cũng chẳng sai!

Sở dĩ có tình trạng tréo ngoe như vậy bởi dù gì đi chăng nữa thì trong cuộc bầu cử 2020, nếu ông Trump tiếp tục quyết định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì các chỉ số kinh tế vẫn là yếu tố chủ chốt. Do những hệ lụy của cuộc thương chiến với Trung Quốc (và có thể còn với nhiều đối tác khác) cũng như do tính chất chu kỳ, rất có khả năng là nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào giai đoạn suy thoái quãng năm 2019-2020. Nếu như kinh tế tiếp tục phát triển tốt, ông Trump sẽ coi đó là thành tựu của chính mình; còn nếu kinh tế suy thoái, ông Trump sẽ thuyết phục cử tri Mỹ đó là lỗi của những người Dân chủ!

Nếu kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ không hẳn là ác mộng với ông Trump thì ít nhất nó cũng đưa ra một viễn cảnh khá tồi tệ về mặt chính trị: các chính sách của hai đảng sẽ khó có thể thực hiện được một cách thông đồng bén giọt; hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải thỏa hiệp nhiều hơn nếu muốn tránh khỏi tình trạng bế tắc dẫn tới khủng hoảng trong hệ thống lập pháp và cả trong việc đưa ra các quyết định hành pháp của Tổng thống.

Chỉ có một điều an ủi dành cho những người Dân chủ: những di sản của ông Barack Obama sẽ không dễ dàng bị xóa sổ hoàn toàn trong hai năm trước mắt!