Bình luận

Ai thắng ai?

Không phải là điều bí mật gì khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải chịu nhiều tổn thất khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên đã diễn ra trong suốt nhiều tháng qua. Chẳng phải vô cớ mà có nhận định rằng bên giành chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ là bên chịu đựng được những tổn thất lâu hơn phía bên kia!

Nông dân trồng đậu nành ở Springfield, Nebraska (Mỹ). Ảnh | AP
Nông dân trồng đậu nành ở Springfield, Nebraska (Mỹ). Ảnh | AP

Thế nên khi những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được tái khởi động lại trong tháng 10 này, một câu hỏi cốt yếu nổi lên: Mỹ và Trung Quốc, ai đang thắng trong cuộc chiến thương mại hết sức khốc liệt này?

Mỹ đánh thuế... dân Mỹ?

Không phải ai khác mà chính một người Mỹ đã khẳng định rằng Trung Quốc đang nắm lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đó là ông David Roche, Chủ tịch Hội Chiến lược Toàn cầu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài CNBC, một trong những kênh truyền hình về thông tin tài chính và thị trường lớn nhất thế giới của Mỹ. Theo David Roche, do những hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ mà Trung Quốc "sẽ sớm đạt được sự độc lập công nghệ trong vòng bảy năm" với những tiến bộ công nghệ của riêng mình.

Điều này cũng có nghĩa là mặc dù có thể phải chịu những tổn thất về thương mại do các đòn đánh tung ra từ phía Mỹ, thế nhưng Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc vào Mỹ hơn và tự mình vượt lên, tự chủ về công nghệ. Mà bản chất của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào chắc chắn không chỉ nằm ở... thương mại! Mục tiêu sâu xa chính là nhằm vào tiềm lực công nghệ đang lên của Trung Quốc, được cho là mối hiểm họa lớn nhất đe dọa vị thế siêu cường thế giới của Mỹ. Nếu mục tiêu đó không những không đạt được mà lại còn khiến cho Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Mỹ thì chắc hẳn Mỹ không phải là kẻ thắng trong cuộc chiến này rồi.

Xét về góc độ kinh tế, những đòn áp thuế của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong ngắn hạn, thế nhưng về chính trị, "quốc gia tỷ dân" lại đang nắm lợi thế về thời gian so với những chính sách của Mỹ. Ông Trump thường tuyên bố rằng chính phía Trung Quốc đang phải trả thuế do các đòn áp thuế của Washington, một lời khẳng định luôn bị chính người Mỹ bác bỏ.

Ông Jon Gold, phát ngôn viên tổ chức Tự do thương mại cho người Mỹ khẳng định những đòn áp thuế của ông Trump đang trực tiếp đánh vào người tiêu dùng Mỹ. "Các mức áp thuế vào hàng Trung Quốc đang đánh thuế lên các gia đình, nông dân và doanh nghiệp Mỹ. Chính sách này đang giết chết việc làm và đang làm tổn hại nền kinh tế của chúng ta, và những chính sách đó không làm giảm sự thâm hụt thương mại Mỹ - Trung. Đã đến lúc ngừng đánh thuế người dân Mỹ chỉ vì chính quyền muốn trừng phạt cho các hành vi xấu từ phía Trung Quốc", ông Jon Gold phát biểu.

Một "nạn nhân" khác của những đòn áp thuế mà ông Trump giáng vào Trung Quốc là nông dân Mỹ! Chủ tịch Hiệp hội nông dân bang Bắc Dakota, Mark Watne kêu gọi Mỹ phải tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến đơn độc với Bắc Kinh. "Chúng tôi, những người nông dân, đang thua".

Ai thắng ai? ảnh 1

Thịt lợn bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh | REUTERS

Đá ghè chân mình

Luận điểm cho rằng Trung Quốc là bên thua cuộc do nền kinh tế tăng trưởng chậm, ngành chế tạo bị suy yếu và hàng triệu việc làm bị mất do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng bị nghi ngờ. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng quá trình giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu từ rất lâu trước khi thương chiến nổ ra. Ngay cả trong khi đang trong quá trình giảm tốc, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn cao hơn hầu hết các nền kinh tế còn lại trên thế giới.

Những tuyên bố của ông Trump về việc Trung Quốc đã mất đi hàng triệu việc làm do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng bị nghi ngờ dưới góc độ tương tự. Báo cáo của một công ty tài chính lớn ở Trung Quốc, Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc, cho thấy sau khi Washington bắt đầu áp thuế, các ngành khai mỏ, hàng tiêu dùng và xây dựng đã mất khoảng năm triệu việc làm. Thế nhưng dường như đây cũng chỉ là sự tiếp nối của một quá trình đã diễn ra từ lâu, không gây tác động nghiêm trọng như người ta tưởng, bởi đơn giản là lực lượng lao động của Trung Quốc lên đến nửa tỷ người!

Xu hướng các công ty đang rời khỏi Trung Quốc được cho là một trong những thiệt hại lớn nhất mà cuộc chiến thương mại mang lại cho Bắc Kinh. Tuy vậy, xu hướng này cũng không được cho là hậu quả trực tiếp của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Giá nhân công tăng khiến thị trường Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn đối với nhiều lĩnh vực như may mặc quần áo, giày dép khiến nhiều công ty không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc và cuộc chiến thương mại chỉ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình này.

Nhưng chẳng lẽ nền kinh tế Trung Quốc không phải chịu thiệt hại gì trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Vẫn là chuyện các công ty nước ngoài đang tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Mức thuế quan cao không chỉ làm giảm nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ mà còn khiến nhiều công ty nước ngoài chuyển dây chuyền cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Những biện pháp kích thích của Trung Quốc như cắt giảm thuế hay nới lỏng tín dụng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp lớn rõ ràng là chưa đủ để thích ứng với những đòn giáng từ chiến tranh thương mại. Năm 2018, chi nhánh Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã tiến hành khảo sát với 333 thành viên, kết quả cho thấy gần một phần tư số người được hỏi dự kiến giảm đầu tư tại Trung Quốc năm 2019.

Khi Mỹ áp thuế đối với một lượng lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng trả đũa bằng cách áp mức thuế cao hơn đối với các mặt hàng nông sản của Mỹ, trong đó mức đánh vào thịt lợn tăng từ 12% lên 62%. Chiến lược này rõ ràng nhằm hướng tới mục tiêu gây thiệt hại cho nông dân Mỹ để từ đó, tạo áp lực buộc ông Trump phải ngừng cuộc chiến thương mại.

Kết quả ra sao? Mặc dù chịu thiệt hại, vẫn chỉ trích cuộc chiến thương mại, thế nhưng sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Mỹ vào ông Trump, theo Bloomberg, càng tăng với 67% số nông dân Mỹ được hỏi cho biết họ ủng hộ ông Trump tái đắc cử vào năm 2020!

Còn thuế cao nhằm vào thịt lợn Mỹ hóa ra lại phản tác dụng. Nạn dịch tả lợn châu Phi khiến cho Trung Quốc có thể mất tới 50% số lợn vào cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng 46% và có thể vượt 80% vào cuối năm nay. Do vai trò rất quan trọng của thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của người Trung Quốc, sự tăng giá đột biến này có thể dẫn tới những hệ lụy khó đoán định. Giá thịt lợn cao đẩy giá cá loại thịt khác cũng tăng theo, làm tăng sức ép lạm phát đối với toàn bộ nền kinh tế.

Nếu Trung Quốc hy vọng rằng những đòn trả đũa có chọn lọc nhằm vào nông dân và ngành nông nghiệp Mỹ có thể khiến vị thế của Tổng thống Trump lao đao trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 2020 và như vậy, chỉ cần kiên nhẫn chịu đựng đến thời điểm đó để thoát khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ thì họ cũng cần phải suy nghĩ lại.

Bởi những cuộc tranh luận mới đây giữa các ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ cho thấy không một ứng viên nào đề nghị xóa bỏ những biện pháp thuế quan thương mại do Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể hiểu là cho dù có là ai ở trong Nhà Trắng đi nữa, Cộng hòa hay Dân chủ, thì cuộc chiến thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ còn hứa hẹn nhiều cam go.

Như vậy, sẽ không có ai chiến thắng tuyệt đối trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Chỉ có những quốc gia bị thương tổn, ở mức này hay mức khác, khi đi ra khỏi cuộc chiến này.