Phản hồi phóng sự “Dấu hỏi ở Nậm Xe”: Kiểm điểm trách nhiệm Sở KH&CN tỉnh Lai Châu

Ngày 12-5, ông Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, trong buổi làm việc này, UBND tỉnh đã kiểm điểm trách nhiệm và nghiêm túc phê bình Sở KH&CN vì “sau khi có kết quả nghiên cứu bước đầu của trường ĐH Mỏ-Địa chất, Sở KH&CN không khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động của môi trường đến sức khỏe người dân để kịp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xử lý”.

Sau đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở KH&CN tỉnh lập tức triển khai đề tài nghiên cứu tác động môi trường của khu mỏ Nậm Xe đến đời sống, sức khỏe người dân các bản Màu, Co Muông, Pò Chà, Vẽ, với thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết phải di dời số dân sống trong khu vực, Sở phải lập tức báo cáo để tỉnh kịp thời chỉ đạo.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lai Châu còn yêu cầu các sở TN&MT, KH&CN, Y tế phải phối hợp, kiểm tra rà soát tình trạng sức khỏe người dân sống trong vùng mỏ Nậm Xe để tham mưu, báo cáo hướng xử lí. Trước mắt, giao Sở KH&CN tỉnh Lai Châu tiến hành cắm biển báo nguy hiểm ở những vùng có độ phóng xạ trên mức cho phép. Đồng thời hướng dẫn người dân địa phương trong vùng có phóng xạ sử dụng nước uống, thực phẩm bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lai Châu, “báo nêu vấn đề rất xác đáng”

Sau khi UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo Sở KH&CN khẩn trương làm rõ những vấn đề báo Nhân Dân điện tử nêu, ngày 12-5, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh.

Ông Hà nói: Chúng tôi cảm ơn báo Nhân Dân điện tử vì đã nêu vấn đề rất xác đáng, từ đánh giá, nhận định, thậm chí là còn đưa ra những ý kiến gợi mở - hết sức quý báu. Cảm nhận chung của độc giả thì những vấn đề báo nêu là một thực tiễn đặt ra cho các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của Lai Châu.

Về phía tỉnh, cũng như trách nhiệm của người đang thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về KH&CN, chúng tôi đã xúc tiến đánh giá, khảo sát lại toàn bộ những vấn đề được nêu trong bài báo. Trong đó hết sức chú ý mối quan hệ giữa môi trường với con người, để cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho cấp quản lý, người thực hiện và kể cả quy hoạch trong tương lai.

Đồng thời, chúng tôi đã đặt vấn đề với sở Y tế tỉnh Lai Châu, phối hợp với các cơ quan có tầm ảnh hưởng để nghiên cứu, trả lời một cách cụ thể về mối quan hệ của sức khỏe đời sống người dân với môi trường, đề xuất một giải pháp hữu hiệu nhất. Tất nhiên trong phạm vi này, chúng tôi phải lấy được giá trị đích thực của vấn đề để trả lời công chúng.

Và những gì vừa nói đang được chúng tôi tập trung triển khai trong đề tài “Nghiên cứu và đánh giá tác động môi trường của khu vực mỏ Nậm Xe đến sức khỏe con người”. Đây là đề tài mang tính cấp thiết của tỉnh.

Nhưng thưa ông, tôi được biết, đã có ít nhất hai công trình nghiên cứu tại khu vực mỏ Nậm Xe. Năm 2000, Bộ Tư lệnh hóa học đã nghiên cứu chỉ rõ chất phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường sống như thế nào. Tháng 12-2008, nhóm các nhà khoa học trường Mỏ-Địa chất đã kết luận độ phóng xạ ở khu vực bản Po Chà, bản Màu là “cao trên mức an toàn cho phép” và đưa ra khuyến cáo “nên di dời dân ra khỏi khu vực nhiễm xạ”.

Vậy theo ông, tại sao ý kiến này chưa được tiếp thu?

À, là do trong khuyến cáo, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Mỏ-Địa chất đã chỉ ra các bản nói trên đang ở tầm ảnh hưởng phóng xạ từ gió, nguồn nước theo mùa. Tuy nhiên, đó không phải là đề nghị di dời cấp thiết, mang tính đột ngột vì trong phạm vi đề tài chưa kết luận được hàm lượng phóng xạ vượt quá mức cho phép gây tác động trực tiếp đến sức khỏe con người như thế nào cả.

Lai Châu là tỉnh vừa chia tách, đã bao giờ ông nghĩ những khó khăn về tài chính, con người, quỹ đất đã dẫn đến việc tỉnh chưa tổ chức di dời dân theo khuyến cáo của các nhà khoa học?

Tôi có thể khẳng định các nhà lãnh đạo Lai Châu luôn đặt vấn đề sức khỏe người dân lên hàng đầu. Những vấn đề về kinh tế, quỹ đất, con người không tác động gì đến việc này.

Trong lần nói chuyện trước đây, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lai Châu khẳng định rằng: “nếu dân sống trong vùng nguy hiểm, chúng tôi sẽ di dời ngay”. Vậy tại sao sau khi các nhà khoa học khuyến cáo, tỉnh không tổ chức di dời dựa trên quan điểm đó?

Khuyến cáo đó đã được trình lên và nằm trong một quy hoạch mang tính tổng thể, không phải đưa ra sau một sự cố môi trường hay tai biến môi trường mang tính cấp thiết. Vì thế, nó phải có lộ trình, nhất là sau khi chúng tôi đánh giá xong tác động của môi trường đến sức khỏe người dân. Chúng tôi không bao giờ chống lại khuyến cáo di dời của các nhà khoa học.

Vậy thưa ông, đề tài mà tỉnh vừa giao Sở KH&CN thực hiện mà ông vừa nói lúc nãy sẽ được thực hiện trong thời gian bao lâu?

Sẽ kéo dài từ 12 - 24 tháng, bắt đầu từ đầu năm 2009. Đây là trường hợp đặc biệt vì đề tài mang tính bổ sung. Tuy nhiên tỉnh đã giao trách nhiệm trong 6 tháng phải có những ý kiến trả lời công luận, và khoảng thời gian sau đó dành để hoàn thiện hồ sơ. Nếu thấy cần di dời, chúng tôi sẽ kiến nghị HĐND tỉnh.

Người dân đang bị ảnh hưởng từng ngày, khoảng thời gian thực hiện kéo dài 6 tháng, theo ông có dài quá không?

Theo tôi là không. Phóng xạ, bức xạ ảnh hưởng đến con người như thế nào thì cần phải nghiên cứu cụ thể. Bởi, sức khỏe người dân vùng Tây Bắc đã và đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, thí dụ thiếu muối iốt và những mối quan hệ hôn nhân cận huyết thống, làm con người có thể bị thiểu năng trí tuệ, nòi giống bị ảnh hưởng, suy dinh dưỡng triền miên… Và rõ ràng, chúng tôi phải bóc tách những vấn đề đó ra để có những kết quả nghiên cứu chính xác trước khi tham mưu cho tỉnh để có một quyết định lớn, lâu dài.

Xin cảm ơn ông! Chúc công trình nghiên cứu của Sở KH&CN sớm được hoàn tất, để người dân sớm được ổn định.

* Dấu hỏi ở Nậm Xe

* Dấu hỏi ở Nậm Xe (phần II)