Nghề nuôi yến trong nhà

Ðọc cuốn Xứ Trầm hương của Quách Tấn, chắc hẳn không ai không nhớ câu ca: "Khánh Hòa là xứ Trầm hương/ Non cao, biển rộng người thương đi về/ Yến sào ngon ngọt tình quê...". Yến sào, một sản vật nổi tiếng của Khánh Hòa, từ lâu đã được nhiều người biết tới như là một món ăn quý, bổ dưỡng, luôn có mặt ở vị thứ cao trong những cuộc yến ẩm cao sang. Giá trị ấy ngày càng được khẳng định, khi khoa học ngày càng có điều kiện tốt hơn để nghiên cứu thành phần dưỡng chất có trong yến sào. Có lẽ vì vậy mà giá yến sào ngày một tăng cao, năm 1978 chỉ khoảng 600 USD/kg, đến nay đã ở mức gần 4.000 USD/kg.

Thú thật, lần đầu nghe chuyện loài chim yến vốn trước đây chỉ sống ngoài đảo vắng nay vào làm tổ trong những ngôi nhà ngay trung tâm thành phố Nha Trang, tôi cứ nửa tin, nửa ngờ. Bởi tôi có biết chút ít đặc tính của loài chim yến, một loài chim quen sống phóng túng trong không gian rộng lớn. Yến sào, tức tổ yến nói ở trên, chính là tổ của chim yến hàng, có tên khoa học Aerodramus Fuciphagus Germani. Loài chim này có những điểm đặc biệt là bay đi kiếm ăn rất xa, vài trăm cây số; làm tổ trên vách đá cheo leo ngoài đảo vắng và lấy chính nước dãi của mình để làm tổ đẻ trứng, nuôi con. Thứ nước dãi vô ngần quý giá ấy Ðông y gọi là "tâm dịch" hay "ngọc dịch", có hàm lượng bổ dưỡng cao, dễ hấp thụ; giúp con người tăng cường sinh lực, chống lão hóa, tăng tuổi thọ. Nghề khai thác yến sào ở Khánh Hòa cũng  có từ mấy trăm năm nay, vốn dĩ gắn chặt với biển, với đảo. Tôi cũng biết có nhiều nước trên thế giới nuôi được chim yến trong nhà để lấy tổ. Vậy, ở Khánh Hòa, ở Việt Nam cũng có thể nuôi chim yến lấy tổ được chăng?

Chim yến làm tổ trong nhà có tên khoa học Aerodramus Fuciphagus Amechanus. Không giống với chim yến hàng sinh sản và làm tổ theo mùa, loài chim này làm tổ và sinh sản quanh năm. Ðây là một trong những điểm thuận lợi để có thể nuôi chim yến Amechanus trong nhà để lấy tổ. Theo nghiên cứu, triển vọng nuôi chim yến trong nhà tại các nước khu vực Ðông-Nam Á là rất lớn. Hiện đã có nhiều nước nuôi thành công, có sản lượng yến sào khá lớn như Indonesia, Malaysia, Thái-lan, Philippines...

 Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, trước đây, công ty đã thực hiện thành công việc di đàn chim yến, đưa cả đàn chim hàng nghìn con từ đảo này sang sinh sống trên một đảo khác. Nung nấu ý tưởng nuôi chim yến trong nhà, công ty xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học "Bước đầu xây dựng mô hình nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ";  xác lập cơ sở khoa học để nuôi chim yến một cách bền vững; thử nghiệm ấp trứng và nuôi chim con... Từ năm 2004, công ty bắt đầu triển khai dự án nuôi chim yến trong nhà. Chuẩn bị thực hiện dự án này, công ty thành lập Trung tâm Sanatech, nghiên cứu, chuẩn bị các bước nuôi chim yến. Một trong những điểm mới trong nghề nuôi chim yến trong nhà là không chỉ "dụ" chim yến vào nhà. Ðể phát triển bền vững, công ty đã xây dựng hoàn thiện và ứng dụng thành công quy trình công nghệ ấp nở trứng, nuôi chim con. Nếu như trước đây, trứng chim yến trên các đảo phải bỏ đi sau mùa thu hoạch tổ đợt 1, thì nay được đưa về ấp nở; đến khi tập bay, chim non được đưa đến các ngôi nhà yến. Công nghệ ấp nở trứng, nuôi chim con đang góp phần làm tăng nhanh số lượng đàn chim yến nuôi trong nhà.

Chuẩn bị nơi để chim yến làm tổ.

Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa không chỉ nghiên cứu, triển khai việc nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn Khánh Hòa, mà mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Sau hơn bốn năm triển khai, công ty đã xây dựng và chuyển giao công nghệ nuôi thành công cho hàng trăm hộ dân tại các tỉnh, thành phố như Ðà Nẵng, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Chợ Trà Vinh. Buổi sáng có chút mưa bay. Khí trời ẩm ướt. Chim yến rất thích không khí có độ ẩm cao. Tôi đứng trước cổng chợ, nhìn đàn chim yến bay quanh trên những mái ngói cũ. Rộn ràng, ríu rít, chim yến lượn vòng rồi bay vào những ngôi nhà, nơi có tổ, có con của chúng, ngay giữa lòng phố chợ đông người.

Vợ chồng anh Lê Văn Tài và chị Huỳnh Thị Bích Thủy ở Trà Vinh mới bắt đầu nuôi chim yến chưa đầy một năm nay. Chị Thủy kể, từ đời ông nội của chị, nhà đã nuôi nhiều chim cảnh. Công việc chăm sóc chim trông đơn giản vậy nhưng thật ra rất công phu, và, đôi khi "phải có tâm, có tình với chúng". Thích nuôi chim cảnh, đọc báo, nghe đài thấy nói con người có thể nuôi chim yến ngay trong nhà mình, chị Thủy đi tìm đến một số nơi đang triển khai nuôi để tìm hiểu. Nhưng, không ai cho chị vào. Và cũng không ai chỉ cho chị nuôi chim yến bằng cách nào. Ðúng lúc đó có mấy người nước ngoài đến bảo họ có công nghệ nuôi, muốn làm phải chi 20.000 USD. Số tiền không nhỏ, nhưng chị Thủy gật ngay.

"Thấy bà xã muốn nuôi chim yến quá, mình đành  chiều lòng. Nhưng đợt đó vợ chồng mất hết tiền mà mấy người nước ngoài kia không làm được gì, nhà chẳng có được con chim yến nào. Thôi thì coi như mất tiền để được một bài học", anh Tài nói.

Thế rồi nghe người chỉ dẫn, anh chị ra Nha Trang, tìm đến Công ty Yến sào Khánh Hòa. Công ty cử cán bộ vào khảo sát, sửa sang nhà cửa cho đúng yêu cầu kỹ thuật rồi đưa chim yến vào nuôi. Chỉ ba tháng sau, nhà anh chị đã có hơn 50 tổ yến. Ðến nay, mỗi lần thu hoạch tổ yến, anh Tài cứ đóng gói gửi về Công ty Yến sào tại Nha Trang, và công ty chuyển tiền vào cho anh chị.

Tại dãy Ngũ Hành Sơn nhân tạo ở Khu Du lịch văn hóa - lịch sử Ðại Nam, tỉnh Bình Dương, sau 20 tháng triển khai công nghệ nuôi, đến nay, đàn chim yến đã có gần 5 nghìn con, sản lượng tổ thu được khoảng 20 kg. Ông Huỳnh Phi Dũng, chủ nhân khu du lịch cho biết, tiếp nhận công nghệ mới, đàn chim yến phát triển rất tốt. Bên cạnh giá trị tổ yến, việc nuôi thành công chim yến ở đây đã tạo nên một sản phẩm du lịch mới, tạo điểm nhấn độc đáo cho khu du lịch. Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho đàn chim yến, chủ nhân ở đây đã lắp đặt hệ thống ca-mê-ra khắp các hang yến. Khách du lịch đến, có thể xem qua ti-vi cảnh sinh hoạt của đàn chim yến mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng.

Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hòa Nguyễn Trung Quốc đưa tôi đi xem hai ngôi nhà nuôi yến của công ty ở ấp An Nghĩa, xã An Thới Ðông, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Trong hai ngôi nhà yến (mỗi nhà rộng 160 m2, hai tầng), chim đã ở nhiều, đã làm tổ, nghe ríu ra ríu rít. Anh đang lập dự án xây dựng làng nghề về yến ở đây, giai đoạn đầu có diện tích khoảng 11 ha. Theo anh Quốc, dự án sẽ làm một số nhà nuôi chim yến; mua gom sản phẩm tổ yến nuôi của bà con ở gần; tổ chức phục vụ các món ăn, các sản phẩm về yến và cả một số dịch vụ cao cấp khác.

"Ở đây đất rộng, điều kiện tự nhiên thích hợp với loài chim yến. Vả lại, hướng đi của chúng tôi phù hợp với chủ trương chung của thành phố về việc thành lập làng nghề về yến ở đây", anh Quốc cho biết.

Theo khảo sát, ở Việt Nam, chim yến sinh sống chủ yếu từ  Ðà Nẵng trở vào. Do đó, những địa phương trong khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nuôi chim yến. Chỉ trong hai năm 2007 và 2008, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã áp dụng thành công công nghệ nuôi yến ở 120 ngôi nhà yến trên cả nước. Năm 2009 này, công ty tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà, chuyển giao công nghệ nuôi chim yến cho người dân. Theo Giám đốc Lê Hữu Hoàng, tuy bước đầu thành công nhưng công ty hết sức thận trọng trong việc chọn, xây dựng nhà yến và chuyển giao công nghệ nuôi yến cho dân. Các hộ dân muốn nuôi chim yến phải có cơ sở đáp ứng được các điều kiện tối ưu về kỹ thuật, môi trường sinh thái, vốn đầu tư ban đầu... Có như vậy mới bảo đảm khả năng thành công và hiệu quả cao. Trong suốt quá trình nuôi, công ty gắn bó với người nuôi để tư vấn, chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm... Giám đốc Hoàng cho biết thêm: Ðây mới chỉ là bước đầu thực hiện thí điểm. Công ty sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, lấy cơ sở vững chắc xác định những bước phát triển tiếp theo, trên nguyên tắc vừa bảo đảm thành công nghề nuôi yến trong nhà, vừa bảo đảm phát triển bền vững tổng thể đàn chim yến của Khánh Hòa nói riêng, của cả nước nói chung.

Nói về nghề nuôi chim yến trong nhà, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (Trung tâm Sinh học - Trường đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định: "Tôi thấy cái hay ở đây là không những bảo vệ thiên nhiên mà còn phát huy được tiềm năng sinh học sẵn có tại địa phương. Công ty Yến sào Khánh Hòa đi đầu trong việc nuôi; xây dựng nhà yến; ấp nở nhân tạo. Ðây là thế mạnh để người dân làm giàu từ nguồn tài nguyên sẵn có mà thế giới ít nơi nào có được, đó là chim yến".

Chúng tôi đến nhà ông Năm ở xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vào buổi chiều. Những con chim yến đi kiếm mồi về tổ sớm đã lượn vòng quanh mái nhà. Tôi cùng một kỹ thuật viên cầm đèn pin leo lên gác. Nhà tối om. Không khí rất ẩm, bốc mùi nồng gắt của phân chim. Bật đèn pin lên, trước mắt tôi, cơ man nào là tổ yến, lớp lớp trắng xóa. Có tổ vắng, chim đi ăn chưa về. Có tổ chim đang ấp. Có tổ đã có chim non. Anh kỹ thuật viên gỡ vài tổ yến đưa tôi xem và cho biết: "Hiện trong phòng này có khoảng hơn 150 tổ". Như vậy là chỉ với một diện tích nhỏ, khoảng vài chục mét vuông, tính ở mức thấp, tiền thu từ tổ yến khoảng hơn 50 triệu đồng.

Qua một lỗ nhỏ thông hơi, tôi ghé mắt nhìn ra ngoài. Chim yến đang về nhiều, kêu ríu rít. Từng đàn. Phía trong này, chừng như nghe thấy tiếng mẹ, lũ chim non cũng cất tiếng kêu. Chúng tôi tắt đèn, đứng im. Vài con chim yến vào tổ mớm mồi cho con. Âm thanh nghe thật rộn ràng.

Ðàn chim yến đang sinh sôi, nảy nở.