Những con tàu hoen gỉ trong nợ xấu

Chương trình cho vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai từ bốn năm trước. Từ đó, đất nước ta có thêm những con tàu công suất lớn bám biển vươn khơi, tạo nguồn lực cho ngư dân làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, cũng vẫn có những câu chuyện buồn đầy tính cảnh báo. Như chuyện những con “tàu 67” rêu phong nằm đợi trên bãi, tại tỉnh Phú Yên.

Tàu lớn “có lãi thật”, nhưng ngư dân “vẫn không đủ trả nợ ngân hàng”, đó là một thực trạng éo le.
Tàu lớn “có lãi thật”, nhưng ngư dân “vẫn không đủ trả nợ ngân hàng”, đó là một thực trạng éo le.

Tàu lớn, sóng to gió lớn

Tại cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, có ít nhất ba chiếc tàu công suất lớn được vay theo Chương trình 67 đã neo đậu từ nhiều tháng nay. Một trong số đó là tàu PY 98976TS của ông Võ Văn Lành. Bà Mỹ, vợ ông Lành, nói như than: “Nghề biển là nghề cha truyền con nối của gia đình, không ai muốn phải gánh nợ xấu như thế này!”. Gia đình bà được Nhà nước cho vay hơn 28 tỷ đồng để đóng mới ba chiếc tàu, trong đó có hai tàu gỗ, mỗi tàu có công suất 713 CV và một tàu composite công suất 800 CV. Sau ba năm hoạt động, cho đến thời điểm này, cả ba khoản nợ ngân hàng gắn với ba tàu này đều quá hạn cả gốc và lãi.

Trước khi có dự án, gia đình bà có đến bốn tàu cá, khai thác cá ngừ mỗi năm đều lãi cao, do vậy mới được xét cùng lúc được vay đóng mới ba tàu cá. Nhưng sau khi có tàu lớn, mỗi chuyến biển hạch toán đều không có lãi. “Nguyên do là mình chưa lường hết khó khăn. Trước kia, tàu nhỏ mỗi chuyến biển chỉ sắm tổn (chi phí) dưới 100 triệu đồng, sử dụng 5-7 lao động. Còn tàu lớn như hiện nay, mỗi chuyến ra khơi phải sắm tổn ít nhất 250 triệu đến 300 triệu đồng; thuê từ 15-17 lao động mỗi chuyến. Nhưng đến mùa khai thác không có lao động. Muốn họ xuống tàu phải ứng trước cho mỗi người ít nhất năm đến mười triệu đồng. Biển hai năm nay lại mất mùa, ngư trường hẹp lại. Do vậy gia đình tôi từ Tết Nguyên đán tới giờ phải cho một tàu nằm bờ. Đến nay, bình quân mỗi tàu cá của tôi nợ lãi 1,5 tỷ đồng”.

Cùng hoàn cảnh, ngư dân Trương Văn Công (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) được vay 17,9 tỷ đồng đóng mới tàu cá PY 99997TS. Ông khẳng định: Tàu lớn đánh bắt hiệu quả, chuyến nào cũng có lãi, nhưng vẫn không đủ trả nợ ngân hàng. Sau ba năm, ông chỉ trả được 2,2 tỷ đồng, trong khi đó, theo hợp đồng vay vốn, số tiền ông phải trả là 4,2 tỷ đồng. Chậm trả nợ, trả nợ không đúng thời hạn, hợp đồng tín dụng của ông bị đánh giá là nợ xấu. “Có lãi thật, nhưng phải chi phí nhiều. Tàu tôi làm lưới vây, mỗi năm phải đầu tư tu bổ giàn lưới mất tới ba, bốn trăm triệu đồng. Do đó, chi phí mỗi chuyến biển hiện nay tăng 30% so với trước, nên có lãi vẫn khó đủ trả nợ ngân hàng đúng quy định”.

Riêng tại phường 6, thành phố Tuy Hòa, có sáu tàu được vay theo Chương trình 67, trong đó có bốn tàu gỗ và hai tàu composite. Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, những chuyến biển ban đầu của năm 2017, các tàu của chương trình này khai thác rất hiệu quả. Nhưng hai năm nay nghe ngân hàng báo lại là hầu hết đều bị thua lỗ. Sáu tàu ấy thì đã có hai chiếc phải nằm bờ, vì càng đi càng lỗ.

Dù ở trong tổ thẩm định cho vay, nhưng chính ông chủ tịch nghiệp đoàn này cũng không nắm được hiệu quả hoạt động của các tàu - đó là một nghịch lý. Lý do theo sự bộc bạch của ông Thuẫn là bởi, các tàu cá đi đánh bắt ít khi cập về bến cá phường 6, chỉ cập các nơi khác để bán sản phẩm. Vậy nên, điều ông Thuẫn nắm được chỉ là sau mỗi chuyến biển, mỗi tàu được nhận hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48, tiền này ngân hàng xuống thu, trừ nợ vay Chương trình 67, chủ tàu chỉ ký mỗi chữ ký thôi!?

Cái khó của “bên ngân hàng”

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên, thực hiện chỉ tiêu phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tỉnh Phú Yên (190 tàu), UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 20 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, với tổng mức đầu tư là 289.793 tỷ đồng.

Tìm hiểu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phú Yên được biết, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 hiện gần 88 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay đóng mới hơn 84,3 tỷ đồng, còn lại là dư nợ cho vay nâng cấp tàu.

Với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên, đơn vị đầu tiên ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, đã thẩm định và tài trợ vốn cho ngư dân đóng mới 12 tàu cá, với tổng số tiền đã giải ngân là 162 tỷ đồng. Dư nợ hiện tại là 152 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu là 30,8 tỷ đồng; nợ nhóm 2 là 91,3 tỷ đồng, chiếm 79,8% dư nợ cho vay theo Nghị định 67.

Những số liệu thống kê khô khan ấy thật sự là cả một mối lo thu hồi nợ của ngành ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Đại Hòa, Giám đốc BIDV Phú Yên, các khoản nợ vay bị chuyển thành nợ xấu là bởi sản lượng đánh bắt giảm sút khiến nguồn thu nhập để trả nợ của ngư dân bị ảnh hưởng; có ngư dân bị bệnh mất, hoặc mất sức lao động không thể quản lý khai thác tàu; cơ chế chuyển đổi chủ tàu chưa được hướng dẫn cụ thể… Hiện ngân hàng này đã phải thu giữ tàu cá của hai khách hàng để nợ xấu là Phan Thanh Trị (đã mất do bệnh nan y) và Ngô Văn Lanh (bị tai nạn lao động).

“Trong số những khách hàng còn lại, hai khách hàng làm ăn hiệu quả, trả nợ tốt; một số khách hàng có ý thức trả nợ nhưng do tình hình đánh bắt không như mong muốn nên ngân hàng phải cơ cấu nợ; còn lại một số khách hàng không hợp tác với ngân hàng, chây ỳ trong việc trả nợ vay, giấu doanh thu từ hoạt động khai thác thủy sản... Điều này gây rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chi nhánh”, ông Hòa kể.

Cùng “khó” như đồng nghiệp, ông Lê Văn Thịnh, Phó Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền trung, phụ trách điều hành Agribank Phú Yên, lý giải thêm: Phần lớn khách hàng vay vốn đóng tàu đánh bắt theo hình thức đơn lẻ, chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển hoặc bán tại các cảng cá lớn ở các tỉnh bạn nên khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ còn rất hạn chế. Do đó, ngân hàng gần như không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến biển. Từ đó, ngân hàng không đánh giá được hiệu quả sau đầu tư và so sánh với các phương án thẩm định ban đầu.

Làm sao để vẹn lý trọn tình?

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trăn trở: “Qua khoảng bốn năm triển khai Nghị định 67, tỉnh cũng đã sơ kết đánh giá lại và nhận thấy còn một số hạn chế: Công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các chính sách theo Nghị định 67 chưa đến được đa số chủ hộ, chủ tàu. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với các NHTM chưa thật sự tốt và đồng bộ. Tàu hiện đại, nhưng thuyền trưởng, thuyền viên không ổn định, thiếu lao động, yếu tay nghề nên một số tàu hoạt động chưa có hiệu quả, trả nợ không đúng hạn. Một số tàu đóng mới cũng thường xuyên xảy ra sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của ngư dân…”.

Ông Nguyễn Đại Hòa chia sẻ: BIDV Phú Yên rất mong muốn triển khai Nghị định 67 hiệu quả, giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Nhưng để làm được điều đó, ngân hàng cũng cần được các cơ quan chức năng giúp đỡ và hơn hết là ý thức trách nhiệm của ngư dân, để bảo đảm nhiệm vụ hoạt động của mình.

Muốn thế, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới các chủ tàu, hướng dẫn họ cặn kẽ về các cơ chế hỗ trợ kinh phí, bảo hiểm, cơ cấu, hạch toán, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, thời gian vay vốn được hỗ trợ lãi suất của chủ tàu mới… Bên cạnh đó, cần có những chế tài dành cho các tàu nhiều lần cố tình không về bến, giấu doanh thu. Đồng thời, cần xem xét sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo hướng cho phép chủ tàu mới được nhận bàn giao một phần khoản nợ vay từ chủ tàu cũ tương ứng với giá trị chuyển nhượng tàu, và bổ sung quy định về cơ chế xử lý rủi ro đối với phần dư nợ còn lại của chủ tàu cũ.

Ở tầm vĩ mô, chính sách cho vay theo Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thật sự muốn vươn ra biển lớn nhưng hạn chế về nguồn lực, cũng như cụ thể hóa Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, nếu không đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, hệ lụy nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến ngành Ngân hàng và cả nền kinh tế, mà sẽ còn làm ảnh hưởng đến “sứ mệnh thiêng liêng” của chính sách ấy.

Theo NHNN chi nhánh Phú Yên, thực hiện cho vay vốn theo Nghị định 67, tính đến ngày 30-6-2019, các NHTM đã ký 24 hợp đồng tín dụng (19 tàu đóng mới, 5 tàu nâng cấp) với số tiền cam kết cho vay là 281,691 tỷ đồng; giải ngân 280,926 tỷ đồng và thu nợ 15,389 tỷ đồng; dư nợ là 265,537 tỷ đồng, trong đó đã cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ 51,784 tỷ đồng và nợ xấu là 121,815 tỷ đồng (chiếm 45,87%).