Miền tây xứ Thanh gượng dậy sau lũ

Mưa lớn đã gây ra trận lũ lịch sử khiến nhiều huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa là Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát bị thiệt hại nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị lũ cuốn, đời sống của người dân đảo lộn, học sinh không thể quay lại trường, giao thông nối với huyện vùng cao tê liệt… Phải mất một thời gian nữa, những vùng đất cơn lũ dữ đi qua mới có thể hồi sinh được.

Bộ đội đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ đội đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Giao thông nan giải

Những ngày qua, mưa lũ hoành hành khắp các huyện miền tây xứ Thanh khiến cho các địa phương này bị thiệt hại nặng nề, nhiều nơi bị cô lập, đời sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề ở huyện biên giới Mường Lát. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 100 nhà ở, Trường bán trú Trung Lý, Trường tiểu học và THCS bán trú Tam Chung cùng nhiều điểm trường lẻ bị sạt lở, hư hỏng hoàn toàn ngay trước thềm năm học mới. Đập vào mắt tôi là hình ảnh nhiều ngôi trường còn ngập sâu trong bùn đất, thậm chí nước và bùn ngập lên tận nóc nhà.

Chưa dừng lại ở đó, 79 hộ dân, chủ yếu của bản Poọng, xã Tam Chung đang phải lưu trú xen ghép với các hộ dân và ở tập trung tại trường tiểu học, khu Huyện đội cũ và Đồn Biên phòng Tam Chung. Nhiều người dân với khuôn mặt thất thần, lo lắng. Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Phạm Bá Điểm cho biết, hiện gạo dự trữ của huyện đã cạn, trong khi đó việc cung ứng gạo cho các hộ dân bị mất nhà cửa và tài sản là cần thiết nhất, nhưng do chưa thông tuyến được với các huyện vùng xuôi, chưa kể nhiều nơi chưa có điện trở lại, thôn, bản bị cô lập nên rất khó chuyển lương thực tới bà con.

Cũng theo ông Điểm, hiện nay tỉnh lộ 521E lên xã Mường Chanh còn ách tắc do sạt mặt đường tại khu vực xã Quang Chiểu, ngập bùn đất, hư hỏng đập tràn Na Chừa ở xã Mường Chanh. Quốc lộ 15C cũng bị sạt lở hư hỏng nặng chưa khắc phục được ngay và có thể sẽ phải mất thời gian dài mới thông tuyến. Hiện chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tiếp tục tìm kiếm ba nạn nhân bị mất tích, giúp người dân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Khiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện các lực lượng chức năng đang nỗ lực huy động hàng chục máy xúc, ô-tô, nhân lực, các phương tiện liên quan khẩn trương xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các huyện miền tây Thanh Hóa. Đặc biệt riêng với tuyến đường 15C đi Mường Lát bị hư hỏng nặng, theo dự kiến khoảng một tuần nữa mới có thể thông tuyến. Chiều ngày 4-9, lực lượng chức năng đã thông đường đến km 64+600 thuộc xã Trung Lý. Còn theo ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, do các tuyến đường chưa thông, từ thành phố Thanh Hóa lên trung tâm huyện phải đi bộ 30 km và phải đi xuồng dọc sông Mã. Giao thông đang là vấn đề nan giải.

Giọt nước mắt ngày tựu trường

Thực địa tại xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa), chúng tôi chứng kiến thảm cảnh sau lũ, nhiều người dân vẫn chưa thể về nhà, trong khi đó Trường tiểu học Trung Sơn vốn khang trang hai tầng đã đổ sập, gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Toàn bộ sáu phòng học được xây kiên cố đã bị vùi lấp, cùng với nhiều đồ dùng, trang thiết bị học tập của thầy và trò. Buồn rầu nhìn ngôi trường đổ sập, vùi lấp ngay trước ngày khai giảng, thầy giáo Hắc Xuân Phúc xúc động khi có đoàn đến thăm, chia sẻ những khó khăn với thầy, cô giáo và học trò nơi đây. “Ngôi trường thân yêu gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn nhưng may mắn là thời điểm xảy ra đổ sập, các học sinh và giáo viên đang được nghỉ nên không thiệt hại về người. Nếu chẳng may…” - giọng thầy Phúc đứt quãng, nghẹn lại.

Theo thầy Phúc chia sẻ, nhà trường có tổng số 315 học sinh, trong đó điểm trường chính là 264 học sinh. Các điểm trường chính hiện nay dù có 11 phòng học, phòng chức năng nhưng chưa thể sử dụng lại do bị vùi lấp, khiến cho công tác dạy học trong thời gian tới gặp vô vàn khó khăn. Hiện nay nhà trường, địa phương sẽ phải mượn khu nhà điều hành của đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Trung Sơn cho học sinh khai giảng và học tạm một thời gian trước khi khắc phục xong, nhưng cũng chưa biết đến khi nào. Một số điểm khác thì bố trí học theo các điểm lẻ của nhà trường. Các giáo viên đều xa nhà, xa gia đình và chủ yếu ở lại trường nhưng giờ khu nhà ở hư hại nặng, phải dựng tạm lán để ở.

Một trong những việc quan trọng trong dịp này là bảo đảm việc học của các em học sinh. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tổ chức khai giảng điểm ở trường mầm non, tiểu học hoặc THCS. Nơi nào điều kiện cơ sở đã được dọn dẹp, ổn định thì học sinh ở các bậc học sẽ tập trung về điểm trường đó để tổ chức khai giảng và học từ ngày 6-9 trở đi. Đối với học sinh bán trú của Trường THCS Tam Chung, sẽ bố trí cho các cháu ở tạm trong nhà dân chờ đến khi nhà bán trú được xây dựng lại.

Trong khi đó, tại các điểm trường bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng là Khu bản Lìn của Trường tiểu học Trung Lý II (Mường Lát), khả năng khắc phục để kịp khai giảng năm học mới là điều không thể, cho nên phải chờ một thời gian.

Trường Tiểu học Tam Chung là nơi sạt lở nghiêm trọng nhất của huyện Mường Lát. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, lễ khai giảng liên trường đã diễn ra đúng vào sáng 5-9 trong không khí vô cùng xúc động. Hơn 300 học sinh ba cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã cùng tham dự lễ khai giảng ở sân trường tiểu học đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nhiều em học sinh không kịp tham gia lễ khai giảng vì sạt lở đường. Tại Mường Lát, ba ngôi trường không kịp tổ chức khai giảng, mà sẽ dạy và học luôn vào ngày 7-9.

Khẩn trương giúp dân ổn định cuộc sống

Ngay sau khi lũ dữ đi qua, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra hàng loạt các phương án khắc phục nhằm sớm ổn định đời sống của người dân các địa phương thiệt hại nặng nề. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã có những chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương phải khẩn trương bố trí lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra, đặc biệt tập trung sửa chữa những tuyến đường sạt lở, nỗ lực thông đường đến vùng còn bị cô lập ở huyện Mường Lát, Quan Hóa… Phải giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, không để xảy ra dịch bệnh sau lũ, động viên người dân vùng lũ, nhất là những gia đình có người bị thiệt mạng, giúp người dân gượng dậy sau lũ dữ.

Trong những ngày tới, ở các huyện còn người dân đi sơ tán cần được giúp đỡ tận tình, hỗ trợ các hộ dân sớm ổn định cuộc sống và trở về nhà sau thời gian sơ tán, tránh để tình trạng người dân bị đói, thiếu lương thực. Tinh thần chung là người dân chủ động, với sự tương trợ, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, các điểm trường hư hại do lũ lụt cần ưu tiên khắc phục ngay, để các em học sinh được đến trường.

Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ban, ngành đang tập trung giải quyết vấn đề lương thực, giao thông, đê điều, hồ đập và các chế độ, chính sách, phương án tổ chức sản xuất cho người dân các xã bị lũ lụt. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự sẻ chia của đồng bào cả nước, hy vọng sẽ là nguồn động viên lớn giúp người dân vùng lũ mau chóng ổn định cuộc sống.

Miền tây xứ Thanh gượng dậy sau lũ ảnh 1

Nhiều điểm trường học ở huyện Mường Lát bị ngập sâu trong bùn sau lũ.

1. Miền tây xứ Thanh đã phải gánh chịu những mất mát sau đợt lũ lịch sử cao nhất trong vòng mấy chục năm qua. Mưa lũ đã làm chín người chết, ba người mất tích, giao thông chia cắt, nhà trôi, trường học bị sập, thôn, bản bị cô lập, thiếu lương thực, mất điện, bùn đất bủa vây khắp nơi.

2. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, trên toàn tỉnh, mưa lũ đã phá hủy hoàn toàn 277 căn nhà, hơn 239 căn hư hỏng nặng; 12.500 căn ngập trong nước; 34 điểm trường bị ngập và phá hủy do sạt lở đất.