Làng chài trong lòng phố

Đêm im ắng. Thi thoảng có tiếng xe chạy trên cầu Bình Lợi, chiếc cầu nối hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Làng chài nhỏ nằm sát dưới chân cầu, khem khép trong lòng thành phố hoa lệ chìm trong cảnh vắng lặng. Thoảng đâu đó tiếng thở dài, buồn như những thân phận lênh đênh trên những con thuyền đi gần hết cuộc đời mà chưa biết đâu là bến bờ…
Một góc làng chài bên sông Sài Gòn.
Một góc làng chài bên sông Sài Gòn.

1 Cơn mưa tầm tã kéo dài từ chiều cho đến sẩm tối khiến dòng nước sông Sài Gòn đỏ đục. Trời tối thẫm, ông Tư Minh (Nguyễn Văn Minh) buông chèo, cho thuyền trôi theo dòng. Rít sâu một hơi thuốc, lão nhả khói, mắt nhướng ra phía xa bờ, nơi ánh đèn phố đã sáng lên từ bao giờ. Ông Tư cười buồn: “Chú coi, cách hai bờ sông Sài Gòn, thành phố phát triển từng ngày, nhìn đâu cũng thấy nhà cao tầng. Chiếc cầu Bình Lợi ngày xưa còn lưa thưa xe cộ, bây giờ xe qua, xe lại tấp nập. Còn tụi tui, cả đời vẫn bám lấy xóm chài nghèo này, sống qua ngày nào hay ngày đấy”. Nói rồi lão nằm xuống sạp thuyền, thơ thẩn nhìn trời. Câu chuyện của lão chỉ toàn ký ức. Ký ức của tuổi thơ, gắn chặt với những con thuyền nơi xóm chài nằm ngay sát cầu Bình Lợi. Cũng hơn 60 năm rồi, mẹ sinh ra lão ở đây. Lão được sinh ra trên thuyền, tập đi, tập chạy trên thuyền. Hồi đó, cả làng chài Bình Lợi còn có hàng trăm chiếc thuyền, sống nhờ cả vào con tôm, con cá dưới sông. Nhà nào khá thì có vài ba chiếc thuyền. Những nhà khó khăn hơn, cả gia đình ngót chục người sống trên chiếc thuyền nhỏ. Không ánh đèn, cùng cảnh nghèo khó, cả làng chài thương nhau lắm, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau những khi tắt lửa, tối đèn. Hầu hết đám trẻ được sinh ra trên thuyền. Những ca khó thì đám thanh niên thay nhau dìu sản phụ lên bờ, đi tít xa phía bờ để đến trạm y tế. Chẳng mấy ai được học hành đầy đủ, vì thế nghề chài lưới “di truyền” từ đời ông, qua đời cha, rồi đến đời con. Cái nghèo khó, vất vả cứ lưu cữu nơi làng chài bé nhỏ này.

Bữa trưa giản dị của người dân làng chài.

Tư Minh tiếp tục câu chuyện của mình. Trai làng chài đều như lão cả, từ bé đã bơi lội thành thạo, lái thuyền điêu luyện, thông thuộc dòng Sài Gòn đến độ nhắm mắt cũng biết được chỗ nước nông, nước sâu. Chưa đầy 20 tuổi, Tư Minh ra ở riêng. Vốn liếng chẳng có, đánh bạo vay mượn rồi cũng mua được chiếc ghe nhỏ với tấm lưới cũ, lão bắt đầu làm ăn riêng cho đến bây giờ. Tuổi tráng niên của Tư Minh chỉ gắn liền với chài lưới. Dăm ba đám trong làng chài có đánh tiếng, nhưng lão không dám trả lời bởi cuộc sống còn khó khăn quá, mình nuôi mình đã vất vả, lấy gì nuôi vợ, nuôi con. Thế rồi thời gian trôi qua, để lại một người trung niên gầy gò, khắc khổ với đôi bàn tay chai sạn, gân guốc. Đến lúc đấy lão cũng quên luôn chuyện trăm năm, sống vò võ một mình với con thuyền nhỏ là “người bạn đời” duy nhất. Càng về sau, khi thành phố phát triển dần, người trên xóm chài cũng lần lượt lục tục lên bờ tìm kế khác mưu sinh. Đến nay, “làng chài” chẳng qua chỉ là tên gọi quen miệng, chứ bây giờ ở đây chỉ còn lác đác chưa đến chục chiếc thuyền. Những hộ còn lại phần vì không có tiền lên bờ mua đất, phần vì cả đời chài lưới, quen nghề, cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: Lên bờ biết sống bằng nghề gì? Đang nói chuyện, ông Tư nhìn xuống dòng sông. Mặt nước gợn bọt. Lão cúi người kéo lưới. Trong lưới chỉ có mấy con cá nhỏ óng ánh vẩy bạc, còn lại cơ man là cành cây, lá khô. Lão cười: “Từ khoảng mươi năm nay, nước sông ô nhiễm thấy rõ. Con tôm, con cá cũng dần bỏ mình đi rồi!”.

Thuyền trôi thêm một lúc, thuyền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuấn trờ tới sát thuyền Tư Minh. Vừa gặp nhau, hai người hỏi nhau xem bữa nay chài lưới thế nào, rồi cùng lắc đầu. Tầm tuổi ông Tư, ông Tuấn cũng sinh ra và lớn lên ở trên dòng sông Sài Gòn. Ông Tuấn sớm lấy vợ, sinh con. Nhưng cuộc sống dưới sông vất vả, thương vợ con, ông Tuấn quyết tâm dành dụm, để rồi năm 1992, có được lưng vốn, hai vợ chồng quyết định lên bờ. Hồi mới lên bờ, vợ chồng ông Tuấn làm đủ thứ nghề. Chồng làm bảo vệ, xe ôm, vợ thì đi bán cá, bán hoa quả,… rồi có thời gian làm công nhân. “Cả đời bám sông, sống thuyền, cho nên lên bờ thấy cực lắm. Mình quen lái thuyền, nên khi chạy xe ôm thì run tay, làm được một thời gian rồi cũng phải nghỉ. Xin làm bảo vệ thì buồn. Nhiều hôm nằm mà không ngủ được, cứ nhớ hồi trước, những đêm cùng anh em trên thuyền lai rai tán dóc đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Ngủ trên thuyền đung đưa, lắc lư, nghe tiếng sóng oàm oạp bên mạn thuyền quen rồi. Lên bờ ngủ thấy sao yên ắng, vắng lặng quá, đâm ra khó ngủ”, ông Tuấn tâm sự. Lên bờ sống chật vật, ngày qua ngày cũng dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa con xong xuôi, rồi hai vợ chồng ông Tuấn trở lại sông chài lưới.

2 Biết hôm nay có cố thêm cũng chẳng được bao nhiêu, ông Tư Minh và ông Tuấn cùng cuốn lưới về sớm. Phía bờ chỉ có ánh sáng nhờ nhờ của mấy chiếc đèn cao áp trên cầu Bình Lợi hắt vào cùng ánh đèn nhỏ của người dân xóm chài. Dựng sát bờ là những chiếc thuyền cũ mục, che chắn tạm bợ bằng những tấm bạt, cũng là nhà của mấy hộ dân nơi đây. Thuyền của Tư Minh trờ đến sát chân một cái lán nhỏ, là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc) và bà Nguyễn Thị Hinh. Trong lán, mấy người đàn ông tụ quanh chiếc đèn ắc-quy leo lét cùng lai rai. Tôi và Tư Minh cùng nhập hội. Câu chuyện càng rôm rả khi họ biết có người đến để tìm hiểu về làng chài nhỏ của mình. Tất cả họ đều sinh ra và lớn lên ở đây, cho nên nguồn gốc làng chài họ đều nằm lòng. Trước năm 1954, một số gia đình từ miền bắc vào nam lập nghiệp. Ban đầu họ đến một xóm nhỏ nằm bên bờ sông Vàm Thuật (quận 12) làm nghề chài lưới. Sau năm 1975, họ lại chuyển về dưới chân cầu Bình Lợi, sắm thuyền neo đậu để làm nghề đánh cá. Xóm chài nhỏ bé này là những gì còn lại của hàng trăm chiếc thuyền tấp nập, nhộn nhịp ngày nào.

Ở đây, ai cũng như ai, tài sản chỉ là những chiếc thuyền mộc đơn sơ cùng những tấm lưới vá chằng vá đụp. Ngày xưa, nhờ trời, sông Sài Gòn lúc nào cũng ăm ắp tôm cá. Nhưng bây giờ, theo cuộc sống hiện đại, lòng sông dần bị ô nhiễm, kiếm con tôm, con cá ngày càng khó, có khi ngư dân phải dọc theo con nước có khi xa hàng chục ki-lô-mét để thả lưới, quăng chài mà thu được chẳng đáng là bao. Cả đời ngâm mình trong nước, hầu hết đàn ông ở đây không sớm thì muộn, đều mắc bệnh xương khớp. Tôm cá ít dần, nhiều người chuyển hướng sang “săn” trùn chỉ, một loại giun nước được người ta dùng làm thức ăn gia cầm, cá. Trùn thường sống ở vùng đầm lầy, ao tù ô nhiễm. Khi đãi trùn phải trầm mình trong dòng nước độc hại, dễ mắc bệnh da liễu cho nên không phải ai cũng làm được. “Không bắt được cá thì vẫn phải đào trùn mà sống thôi!”, một giọng đàn ông buồn bã.

Nhà ông Ba Chúc cũng hơn 40 năm sống dưới thuyền. Hai vợ chồng cùng cảnh nghèo khổ, cưới nhau năm 1977, được bố mẹ hai bên “hồi môn” ít tiền, rồi vay mượn thêm và sắm một chiếc thuyền, một tấm lưới chài, cùng nhau nương tựa con nước mà kiếm sống. Năm đứa con gái lần lượt ra đời trên chiếc thuyền. Vợ ông Ba Chúc sức khỏe yếu, xóm chài giúp vợ chồng ông dựng tạm một căn lán nhỏ sát mép nước để mưa gió khỏi tạt vào người, khi ngủ không bị tròng trành theo con nước. Bà Hinh chia sẻ, cả đời bà, cũng như bao phận phụ nữ ở đây, dựa vào chồng, dựa vào sông, rồi sinh con, đẻ cái. Phận người phụ nữ sống lênh đênh khổ cực lắm. Như mặc định, chuyện sinh đẻ trở thành cái nghiệp đeo đẳng không dứt. Mỗi đứa trẻ sinh ra lặng lẽ trên những con thuyền, không danh, không phận, rồi tiếp nối những cuộc sống lênh đênh sóng nước. Đứa nào may mắn hơn, được lên bờ thì cũng không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống rồi cũng vất vả, khó khăn.

3 Cuộc trò chuyện bỗng trở nên trầm lắng hơn khi tôi hỏi những người dân làng chài về chuyện tương lai vì sớm muộn gì thì làng chài này cũng sẽ bị “xóa sổ”. Hầu hết họ khi nghe câu hỏi đều thở dài buồn bã. Họ biết, nguồn lợi trên sông đã dần cạn kiệt, rồi sẽ đến ngày họ không còn có thể bám lấy lòng sông mưu sinh nữa. Chưa kể, những con thuyền của họ, phần lớn đã hàng chục năm cùng họ dãi nắng, dầm mưa, chắp vá mãi rồi không bao lâu nữa cũng sẽ chẳng còn sử dụng được. Sắm thuyền mới thì họ không có tiền. Nhưng lên bờ, họ sẽ ở đâu, sẽ làm nghề gì để tiếp tục mưu sinh. Đó là câu hỏi đến nay chưa ai tìm được lời giải. Vợ ông Tuấn chia sẻ: “Bây giờ chỉ cần ai thuê chúng tôi làm công nhân, lương tháng mấy triệu cũng được, miễn là đủ sống. Nhưng chắc cũng chẳng ai thuê, vì ngoài đánh cá, chúng tôi cũng chẳng quen làm gì khác”.

Trời dần về khuya. Sương xuống mỗi lúc một nhiều. Hơi lạnh từ dưới mặt sông bốc lên tê tái. Chúng tôi cùng im lặng, mắt hướng về dòng sông êm đềm trôi. Ánh đèn phố hắt lên từng con sóng lăn tăn lóng lánh như lân tinh. Tôi tự hỏi: Sóng ở đâu cũng là sóng, sao những con sóng nơi đây mãi chưa đến được tới bờ…?!