Góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Có thể nói hoạt động thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Ðể bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, công tác THADS đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.

Hiện nay, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, cho nên hoạt động THADS gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế và lĩnh vực pháp luật chung nhận định: Một doanh nghiệp khi đầu tư tại một địa phương đều tìm hiểu hiệu lực, hiệu quả, thời gian và chi phí của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp kinh doanh để có thể thu hồi vốn thành công. Do đó, mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vào hiệu lực, sự kịp thời và nhanh chóng của hoạt động THADS trong bảo vệ các quyền tài sản là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá PCI tại các địa phương.

Như trường hợp điển hình tại tỉnh Thái Nguyên, tính từ năm 2009 đến năm 2016, tổng số thụ lý của các cơ quan THADS thuộc tỉnh gần 83.500 việc, với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 52.100 việc với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 44.100 việc với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng. Qua tìm hiểu, trong những năm gần đây, trung bình hằng năm các cơ quan THADS thuộc tỉnh thụ lý hơn 10 nghìn việc. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, công tác THADS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào việc hoàn thành và ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn. Từ việc tổng kết các nội dung công tác vừa qua, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành bảo vệ và thực thi pháp luật, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhau thảo luận về những giải pháp đồng bộ, thiết thực để góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Theo đó, để thực hiện các chỉ tiêu THADS về việc và tiền, ngành THADS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục thực hiện đạt kết quả việc công khai, minh bạch, thuận lợi và cải tiến chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động THADS. Từ kinh nghiệm vừa qua, việc áp dụng cơ chế một cửa đã giúp lãnh đạo của các đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa; giải quyết theo đúng quy trình và trả kết quả nhanh nhất. Bộ phận một cửa tại Cục THADS và các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến giao dịch các TTHC trong lĩnh vực THADS; bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện. Trong sáu tháng năm 2020, các cơ quan THADS tỉnh tiếp nhận 683 đơn yêu cầu thi hành án và xác nhận kết quả thi hành án cho 770 trường hợp qua bộ phận một cửa.

Cục trưởng THADS tỉnh Nguyễn Xuân Tùng cho biết: Cục đã thực hiện nghiêm túc việc công khai số điện thoại đường dây nóng, số fax, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Cung cấp thông tin khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng các dịch vụ được cung cấp, nhất là các nhiệm vụ thường xuyên diễn ra như đăng tải công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Vấn đề được nhiều cơ quan, đơn vị nhiều địa phương hiện nay rất quan tâm là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa giữa cơ quan THADS và các ban, ngành. Từ đó hoàn thành các chỉ tiêu THADS cơ bản được Quốc hội, Chính phủ giao. Chú trọng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; nâng cao kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng; hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, vi phạm trong quá trình thi hành án.

Cộng đồng doanh nghiệp, đông đảo người dân qua các cuộc trưng cầu ý kiến cũng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống THADS tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng tải thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. Thống nhất triển khai và vận hành phần mềm quản lý THADS nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý ngành. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Ðồng thời, cơ quan THADS cần chú trọng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Văn Chúc