Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng vượt kỳ vọng

NDO -

NDĐT - Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã bước đầu thể hiện vai trò là một kênh đầu tư và phòng vệ rủi ro hiệu quả, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh. Đây là đánh giá của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về kết quả hoạt động của TTCK phái sinh năm 2018.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX

Phóng viên: Thưa ông, nhìn nhận lại sau hơn một năm vận hành TTCK phái sinh, với tư cách là lãnh đạo của đơn vị tham gia vận hành thị trường, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của TTCK phái sinh trong năm 2018?

Ông Nguyễn Thành Long: Năm 2018, điều khá bất ngờ với chúng tôi là TTCK phái sinh Việt Nam, tuy mới ra đời (bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 10-8-2017) chỉ với một sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30, nhưng thị trường đã phát triển vượt kỳ vọng đặt ra.

Ngay từ ban đầu triển khai, chúng tôi đã xác định, phải sau ít nhất năm năm, thị trường phái sinh mới có thể phát triển. Vì theo thực tế, một số thị trường phái sinh trong khu vực như Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc) cũng phải mất từ bảy đến tám năm mới đạt được những con số giao dịch như của chúng ta hiện nay.

Tính đến hết 27-12, khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh đã đạt hơn 19 triệu hợp đồng, tăng gấp khoảng 17,7 lần năm 2017. Ngoài ra, khối lượng giao dịch bình quân/ngày đạt khoảng 78.600 hợp đồng gấp khoảng 7,2 lần năm 2017. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng đạt hơn 20.000 hợp đồng, gấp 2,46 lần so với phiên giao dịch đầu năm. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hiện tại đang có hơn 57.000 tài khoản.

Điều đáng chú ý, trong năm qua, TTCK phái sinh cũng đã bắt đầu thể hiện vai trò là một kênh đầu tư và phòng vệ rủi ro hiệu quả, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh.

Điển hình là, khi thị trường cơ sở sụt giảm thì thanh khoản TTCK phái sinh lại tăng. Thanh khoản trên TTCK phái sinh tăng cho thấy sự gia tăng hoạt động phòng vệ rủi ro giá giảm, cũng như hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó cũng cho thấy, nếu như không có TTCK phái sinh để phòng vệ và tìm kiếm lợi nhuận khi giá giảm, thì hoạt động cắt lỗ của nhà đầu tư trên TTCK cơ sở sẽ còn nhiều hơn nữa và sẽ khiến thị trường cơ sở sụt giảm mạnh hơn nữa.

Xuyên suốt trong năm 2018, mặc dù thị trường cơ sở có nhiều biến động nhưng thị trường phái sinh hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Các phân hệ của hạ tầng công nghệ phục vụ thị trường, bao gồm hệ thống giao dịch, hệ thống bù trừ và thanh toán thị trường, hệ thống công bố thông tin, vận hành thông suốt, ổn định và an toàn. Hoạt động giao dịch và trao đổi dữ liệu trên hệ thống giữa HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) với các thành viên thị trường thực hiện ổn định, chính xác.

Phóng viên: Theo ông, liệu nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đã thực sự xem TTCK phái sinh là một công cụ phòng ngừa rủi ro như bản chất ban đầu vốn có của nó hay chưa?

Ông Nguyễn Thành Long: Bản chất của TTCK phái sinh là thị trường phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các mảng thị trường khác, bao gồm cả TTCK cơ sở cũng như thị trường hàng hóa.

Khi giá tài sản của thị trường cơ sở sụt giảm, thì các nhà đầu tư thay vì bán danh mục tài sản cơ sở để cắt lỗ, họ sẽ mở các vị thế bán (short) trên thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận, bù đắp cho phần giá trị thiệt hại của danh mục tài sản cơ sở. Điều này sẽ làm giảm áp lực bán ra trên thị trường cơ sở, giảm quy mô và mức độ sụt giảm trên thị trường này.

Đối với các nhà đầu cơ, khi thị trường cơ sở sụt giảm, cơ hội kiếm lời trên thị trường này không còn, thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK phái sinh, vì thị trường phái sinh cho phép họ kiếm lợi ngay cả khi thị trường cơ sở sụt giảm.

Điều đó giải thích tại sao thanh khoản của thị trường phái sinh thường tăng rất mạnh trong các giai đoạn thị trường cơ sở biến động. Đây cũng chính là phản ứng tự điều chỉnh của thị trường, giúp trấn an và ổn định tâm lý của nhà đầu tư.

Vì vậy, TTCK phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng họ tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm.

Dữ liệu thực tế tại tất cả các thị trường quốc tế đều cho thấy, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thanh khoản trên thị trường phái sinh lại tăng mạnh, ngược lại, khi thị trường cơ sở tăng điểm trở lại, thì thanh khoản trên thị trường phái sinh lại giảm.

Tuy nhiên, với chỉ 57.000 tài khoản của các nhà đầu tư trên TTCK phái sinh, trong đó chỉ khoảng hơn 5.000 tài khoản có giao dịch, thì hiện nay TTCK phái sinh Việt Nam đang chỉ là công cụ phòng ngừa rủi ro và đầu tư cho hơn 5.000 nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân). Đây là thách thức lớn cho TTCK phái sinh nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung trong việc “định chế hóa” bên cầu của thị trường, giúp cho TTCK phát triển bền vững hơn.

Phóng viên: Để TTCK phái sinh ngày càng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, xin ông chia sẻ một số định hướng mà HNX và cơ quan quản lý sẽ triển khai trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thành Long: Đầu tiên, tiếp tục phát triển cơ sở nhà đầu tư theo hướng tập trung thu hút mạnh nhà đầu tư tổ chức. Về cơ bản, khung pháp lý hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức tham gia TTCK phái sinh đã có, tuy nhiên đây là một vấn đề mang tính lâu dài và đôi khi cần thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nữa. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng trong tương lai số lượng nhà đầu tư tổ chức sẽ dần được cải thiện. Đối với nhà đầu tư cá nhân, cần tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo cho họ khi tham gia TTCK phái sinh nhằm tăng tính chuyên nghiệp.

Hơn nữa, trong năm 2019, HNX sẽ đưa sản phẩm HĐTL Trái phiếu Chính phủ (TPCP) lên giao dịch trên TTCK phái sinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút hơn nữa các nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh. HĐTL TPCP sẽ là sản phẩm giao dịch chủ yếu hầu như chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng), vì vậy, sẽ tăng dần tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức cho thị trường phái sinh. Hiện nay, HNX đã hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể đưa sản phẩm này vào giao dịch. Ngoài ra, HNX đang phối hợp Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số VNX200 làm chỉ số cơ sở cho HĐTL chỉ số. Là chỉ số có nhiều cổ phiếu tham gia, VNX200 sẽ bám sát và thể hiện đúng thực trạng thị trường hơn.

Thứ ba, trong thời gian tới, HNX sẽ tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt các hành vi thao túng liên thị trường, bảo đảm tính toàn vẹn và kỷ luật thị trường. Bên cạnh đó, nguyên tắc hoạt động của thị trường cần phải được tôn trọng. Nhà đầu tư phải được tạo điều kiện tối đa để được tự do kinh doanh và đầu tư theo khuôn khổ luật định.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Nhân Dân điện tử!

* Trang bị kiến thức cho nhà đầu tư là điều rất cấp thiết

* Sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ: Hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp