Vị “cứu tinh” của Bill Gates

Năm 2014, Giám đốc điều hành Steve Ballmer quyết định rời “ghế nóng” ở tập đoàn Microsoft. Ông được thay bằng một nhân vật hoàn toàn xa lạ - Satya Nadella. Nhưng sau 5 năm, từ việc bị nghi ngờ về năng lực, Nadella đang đưa Microsoft trở lại vị thế “người khổng lồ công nghệ”.

Vị “cứu tinh” của Bill Gates

Lựa chọn bất ngờ

Tháng 2-2014 là một thời khắc trọng đại trong lịch sử Microsoft. Cùng lúc Giám đốc điều hành Steve Ballmer từ chức, tỷ phú Bill Gates cũng thông báo rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thượng tầng tập đoàn diễn ra nhiều xáo trộn, khi các nhân vật cấp cao không ngừng cạnh tranh để giành lấy hai chiếc ghế quyền lực còn bỏ trống.

Kết quả kinh doanh của Microsoft khi đó cũng ở trong cảnh không thể tệ hơn. Nguyên nhân trực tiếp khiến Ballmer buộc phải rời khỏi vị trí điều hành Microsoft xuất phát từ thất bại của hệ điều hành Windows 8. Còn về nguyên nhân sâu xa, Microsoft dưới thời Ballmer bị các đối thủ như Google hay Apple, Facebook bỏ lại quá xa về những xu hướng công nghệ mới.

Quyết định bổ nhiệm Nadella gây ra rất nhiều tranh cãi. Microsoft phải duyệt chi cho Nadella khoản lương và phụ cấp lên tới 84 triệu USD trong năm đầu tiên. Nhưng xét ở một góc độ khác, con số này được cho là “đắt xắt ra miếng” với người được kỳ vọng sẽ vực dậy Microsoft.

Vào cuối thế kỷ 20, khi Bill Gates còn kiêm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, Microsoft hoàn toàn “chiếm thượng phong” trên thị trường công nghệ. Với mục tiêu “mỗi gia đình đều có một máy tính cài đặt hệ điều hành Windows, sử dụng bộ phần mềm văn phòng Office”, Bill Gates đã xây dựng Microsoft trở thành một tập đoàn không có đối thủ. Điều này, Ballmer không thể duy trì sau đó.

Trách nhiệm gánh lên vai Nadella vô cùng khó khăn. Ông không chỉ phải xốc lại một Microsoft đang trên đà đi xuống, mà còn phải đưa tập đoàn trở lại vị thế thống lĩnh thị trường. Điều này được đánh giá là bất khả thi. Tuy nhiên, điều gì khiến Gates và hội đồng quản trị Microsoft quyết định chọn Nadella?

Mối lương duyên giữa Nadella và Microsoft bắt đầu từ năm 1992. Giữa công việc bộn bề, ông vẫn khiến đồng nghiệp và cấp trên phải ngạc nhiên vì sự hiếu học. Cứ vào cuối tuần, Nadella lại bay từ Washington đến Đại học Chicago để học thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Vì chỉ có thể theo học trong hai ngày cuối tuần, Nadella mất nhiều thời gian hơn để tốt nghiệp. Ông nhận bằng Thạc sĩ vào năm 1997, rồi bắt đầu tiếp nhận vị trí quản lý ở Microsoft hai năm sau đó. Nadella lập tức gây ấn tượng bằng khả năng nâng cao doanh thu ở những mảng kinh doanh tưởng như đã bão hòa.

Kinh doanh không giới hạn

Năm 2011, Nadella được giao phụ trách dịch vụ đám mây của Microsoft, vốn lúc đó đã đạt mức doanh thu 16,6 tỷ USD. Sau hai năm, doanh thu nhảy lên 20,3 tỷ USD. Nhờ có Nadella, Microsoft thu về thêm 3,7 tỷ USD mà chỉ phải trả cho ông khoản lương 700 nghìn USD cùng 6,9 triệu USD cổ tức. Đây chính là điểm quyết định giúp hội đồng quản trị Microsoft bổ nhiệm Nadella làm Giám đốc điều hành.

Sau 5 năm, Nadella chứng minh Microsoft đã thu về một món hời lớn khi bổ nhiệm ông. Thay vì cố mua lại những “gã khổng lồ giãy chết” như Yahoo hay Nokia Lumia, Microsoft nhắm đến những công ty có khả năng phát triển và hỗ trợ hệ sinh thái của tập đoàn như LinkedIn và Minecraft.

Tuy vậy, thành công lớn nhất của Nadella nằm ở việc ông quyết định phát triển những phần mềm và ứng dụng phục vụ cho… chính những đối thủ cạnh tranh! Trước đây, Bill Gates thậm chí còn cấm vợ con dùng iPhone, iPad; Ballmer nói không với hệ điều hành mã nguồn mở. Việc này khiến Microsoft gây ấn tượng xấu về một tập đoàn bảo thủ, không chịu hòa nhập. Nadella hoàn toàn khác.

Nadella kết hợp Microsoft với hệ điều hành Linux, rồi phát triển Microsoft Office sử dụng trên iPad. Người dùng iPhone hay các smartphone sử dụng hệ điều hành Android giờ đây đều có thể cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ Microsoft.

Hình ảnh “kênh kiệu” của Microsoft lập tức bị phá bỏ, để trở nên gần gũi hơn, thân thiện hơn với mọi người. Hệ điều hành Windows 9 được bỏ qua, thay bằng “bước nhảy vọt” Windows 10. Microsoft thậm chí còn hào phóng cho phép mọi máy tính sử dụng hệ điều hành “thất bại” Windows 8 được nâng cấp thẳng lên Windows 10 hoàn toàn miễn phí.

Bên cạnh mở rộng thị trường kinh doanh, Nadella cũng sẵn sàng quyết định dừng lại bất cứ mảng kinh doanh nào đem lại kết quả thiếu thuyết phục. Lumia, nhãn hiệu smartphone được mua lại từ Nokia vào cuối năm 2013, chính thức bị khai tử sau bốn năm về tay Microsoft.

Thành công của Nadella thể hiện rõ ràng nhất qua những con số. Trong năm đầu tiên ông lãnh đạo Microsoft, cổ phiếu của tập đoàn này tăng giá 14%, và tăng gấp ba lần trong 5 năm qua. Đầu năm 2019, Microsoft cũng vượt qua Apple để trở thành tập đoàn có giá trị nhất thế giới.

Thu phục nhân tâm bằng lòng thấu cảm

Hiện tại, Nadella vẫn còn rất bận rộn với những khó khăn của Microsoft. Doanh thu máy tính để bàn giảm mạnh trên thế giới kéo theo sự đi xuống của doanh số hệ điều hành Windows 10. Mảng trò chơi điện tử cũng phải cạnh tranh quyết liệt với Sony.

Vị “cứu tinh” của Bill Gates ảnh 1

Nadella, trong ngày tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành, gửi một bức thư đến mọi người. Tại đó ông chia sẻ những mâu thuẫn rất tầm thường của bản thân như một người bình thường: “Năm nay tôi 46 tuổi. Tôi đã kết hôn 22 năm, có ba đứa con. Và giống bất cứ ai khác, nhiều điều tôi làm, hay cách tôi nghĩ được định hình bởi gia đình tôi, bởi những trải nghiệm tôi từng có trước đây. Những ai biết tôi sẽ nói tôi là người tò mò, khát khao học tập. Trên thực tế, sách tôi mua về nhiều hơn sách tôi đọc được. Số khóa học trực tuyến tôi đăng ký cũng nhiều hơn số tôi có thể hoàn thành. Tôi tin nếu bạn ngừng học hỏi những thứ mới lạ, bạn sẽ không còn làm được những điều lớn lao và hữu dụng nữa”.

Gia đình thật sự ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Nadella. Vợ ông là cô bạn gái lớp dưới ông từng quen thời đại học. Hai người kết hôn năm 1992, nhưng vướng phải rắc rối trong chuyện giấy tờ. Vợ Nadella lúc đó vẫn là người Ấn Độ, và Chính phủ Mỹ từ chối cấp visa cư trú cho cô. “Nếu vậy thì tôi cũng từ bỏ visa cư trú của mình luôn!”, Nadella quyết định.

Nền tảng của sự hy sinh ấy xuất phát từ lòng thấu cảm của một người nhập cư gốc châu Á và phản chiếu vào quan điểm làm việc của Nadella. Ông giãi bày: “Nhưng trên thực tế, thấu cảm cũng là ưu tiên số một trong kinh doanh nữa”.

Và nhờ vậy, nhờ cách tiếp cận vấn đề ấy, lợi thế lớn nhất của Nadella lúc này là sự ủng hộ không chỉ của hội đồng quản trị, mà là cả sự đồng lòng của mọi nhân viên. Và khách hàng, những người được hưởng lợi rất nhiều từ một Microsoft đã “cởi mở” lên nhiều, tất nhiên…