Sức mạnh của sự lặng im

Zinedine Zidane, HLV vừa đi vào lịch sử bóng đá với thành tích ba lần liên tiếp vô địch Champions League, là một trong những người hướng nội nổi tiếng nhất thế giới. Ông chứng minh cho thế giới thấy: bạn hoàn toàn có thể thành công trong một nghề đòi hỏi nói nhiều, dù nói… rất ít.

Sức mạnh của sự lặng im

1 Một ngày cuối năm 1955, một người phụ nữ da màu chừng 40 tuổi lên chiếc xe bus tại Montgomery, Alabama, Mỹ. Đột nhiên, người tài xế yêu cầu bà phải đứng dậy nhường chỗ cho một người da trắng - một quy định thời ấy. Người phụ nữ nhỏ bé chỉ đáp lại một chữ: “Không!”.

Chữ “Không!” ấy đã châm ngòi cho một trong những phong trào nhân quyền lớn nhất thế kỷ XX, mà đỉnh cao là những cuộc tuần hành đòi bình đẳng xã hội do luật sư nổi tiếng Martin Luther King Jr. dẫn đầu. Người phụ nữ ấy, Rosa Parks, luôn nói rất ít, nhưng khả năng tạo nên cảm hứng vẫn vô cùng mạnh mẽ. Phong cách của bà, về sau, được nhớ tới với cái tên “Sức mạnh im lặng” (Quiet Strenght).

Và có lẽ, trong lĩnh vực thể thao, Zinedine Zidane hiện tại là một sự tiếp nối, một hình ảnh biểu trưng, một sự thể hiện đầy đủ của thứ sức mạnh ấy. Của cả những uẩn ức phản kháng ấy.

2 Zinedine Yazid Zidane chào đời ngày 23-6-1972 tại Marseille, Pháp. Là con út trong một gia đình An-giê-ri (Algeria) nhập cư, cậu bé lớn lên tại khu La Castellane, nổi tiếng bởi tỷ lệ tội phạm, thất nghiệp lẫn tự tử rất cao. Cha của Zidane, ông Smaïl, ban ngày làm thủ kho, tối làm bảo vệ ca đêm cho một cửa hàng, để chu cấp đầy đủ cho một gia đình bảy miệng ăn. Zidane là đứa trẻ nhút nhát, khi ngủ thường xuyên gặp ác mộng.

Zidane luôn coi bố là tấm gương. “Ông ấy truyền cảm hứng cho tôi”, ông nói, trong cuộc trả lời hiếm hoi với tờ The Guardian (Anh). “Ông dạy tôi một người nhập cư phải làm việc gấp đôi người khác, dạy tôi không được phép bỏ cuộc”. Khác với đám bạn cùng xóm xem bóng đá như trò vui, Zidane xem đấy là con đường thoát nghèo. Là bổn phận đối với gia đình.

Năm 1981, Zidane được CLB địa phương US Saint-Henri cho đăng ký vào tập. Là cầu thủ nhập cư gốc Algeria duy nhất, cậu bé thường xuyên bị miệt thị, coi thường, chơi xấu, cả bởi đối thủ lẫn đồng đội. Nhưng cậu cố im lặng vượt qua tất cả. Khi quá sức chịu đựng, Zidane chuyển sang đội SO Septemes-les-Vallos và ở đó trong ba năm (1983-1986). Năm 1986, Zidane đến CLB AS Cannes thử việc. Phải rời xa gia đình ở tuổi 14, Zidane vốn đã trầm tính lại càng ít mở miệng.

Thân cô thế cô, Zidane càng bị kỳ thị. Tuổi dậy thì bồng bột, anh chọn phản kháng bằng bạo lực. Anh đấm đối thủ, đồng đội, đấm cả CĐV. Anh đánh người ngay trên sân tập, trong trận đấu và cả trong ký túc xá. Kết quả là không biết bao nhiêu án kỷ luật.

HLV đầu tiên của Zidane tại Cannes, Jean Varraud, là người đầu tiên hướng dẫn cho anh “chuyển cơn tức giận của mình thành sự tập trung vào trận đấu”. Giám đốc trung tâm đào tạo trẻ, Guy Lacombe thì khuyên: “Con sẽ bị chơi xấu, bị sỉ nhục đến hết sự nghiệp. Vì con quá kỹ thuật và vì nguồn gốc của con. Nhưng nếu con thực thi công lý bằng nắm đấm, cả đời con phải ngồi dự bị xem người khác thi đấu. Hãy thực thi công lý với đôi chân!”.

Lời khuyên của hai ông thầy đã theo Zidane mãi đến khi trưởng thành. Anh dùng chân làm… phương tiện phát ngôn, dùng những màn trình diễn thay cho nắm đấm. Rolland Courbis, HLV của Zidane ở CLB Bordeaux, nhớ lại: “Một đêm nọ, giữa một phòng thay quần áo ngổn ngang, tôi thấy cậu ấy tâng bóng liên tục chỉ với gót chân của mình. Tôi đứng đó, nhìn cậu ta mê mẩn”.

“Chuyển cơn giận thành động lực”, Zidane đã vươn đến những đỉnh cao ít ai có được. Anh dẫn đầu đội tuyển Pháp đến chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử, trên sân nhà, năm 1998. Hai năm sau, Zidane cùng Pháp vô địch EURO. Lại hai năm nữa, anh tung “cú vô-lê huyền thoại” giúp CLB Real Madrid giành Champions League. Trong vòng sáu năm, Zidane đoạt tất cả những danh hiệu cao quý nhất của đời cầu thủ. Và anh tiếp tục… nói rất ít, bất chấp “cơn cuồng Zidane” cứ tăng dần.

Zidane ít nói, vì không muốn mình trở thành công cụ cho bất kỳ một tính toán chính trị nào. “Tôi không có bất kỳ thông điệp nào cả!”, anh xác nhận ngay sau khi vô địch World Cup 1998, mặc cho cả nước Pháp xem anh như một biểu tượng hòa hợp sắc tộc. “Có quá nhiều những con cá mập quanh cậu ấy”, người anh trai Nordine của Zidane nói. “Im lặng chính là cơ chế tự phòng vệ của Zidane”.

Nhưng thỉnh thoảng, Zidane vẫn không kiểm soát nổi cơn tức giận. 14 chiếc thẻ đỏ trong sự nghiệp nói lên điều đó. Chiếc thẻ đỏ cuối cùng đến trong trận đấu cuối cùng: chung kết World Cup 2006. Anh húc đầu vào giữa ngực Marco Materazzi trong hiệp phụ, rồi sau đó chứng kiến ĐT Pháp thua ĐT Italia trong loạt sút luân lưu.

3 Từ cú húc đầu ấy, Zidane trở thành một đề tài bất tận. Bài hát “Coup de Boule” (Húc đầu) được một nhóm nhạc sĩ Pháp trình làng chỉ 24 giờ sau trận chung kết bi tráng đó, lập tức trở thành bản hit ở châu Âu. Ngược lại, “nạn nhân” Marco Materazzi có hợp đồng quảng cáo và thậm chí còn xuất bản sách “Tôi đã nói gì với Zidane”.

Vậy mà 12 năm sau ngày ấy, Zidane… vẫn không nói gì. “Trên tất cả, tôi còn là một con người!”, ông trả lời trên truyền hình Pháp khi bị buộc phải giải trình. Vì nói ít, nên những lời nói của Zidane luôn có sức nặng. Giữa một phòng thay quần áo tràn ngập những ngôi sao của Real Madrid, tất cả đều phục tùng mệnh lệnh của Zidane, dù đó là “siêu sao đỏng đảnh” số 1 Cristiano Ronaldo hay “công thần” Sergio Ramos. Uy quyền tối thượng của Zidane mang đến sự ổn định cho một CLB đã thuê đến tám HLV khác nhau chỉ trong vòng 10 năm. Ramos nhận xét: “Dưới thời Zidane, mọi thứ rất bình lặng. Và lần đầu tiên, chúng tôi cùng nhau nhìn về một hướng”.

Hướng ấy chính là dấu mốc lịch sử, được tạo nên bởi những chiến thắng vô tiền khoáng hậu. “Zidane-HLV” không phê phán học trò, không chỉ trích trọng tài, không khẩu chiến với HLV đội bạn, không phàn nàn Ban lãnh đạo ít chi tiền, không đổ thừa sân bãi. Thậm chí, trong giờ nghỉ giữa hai hiệp ở trận chung kết Champions League thứ ba liên tiếp lịch sử vừa qua, ông chỉ cần đúng… 3 phút để khiến các học trò “lột xác” hoàn toàn trong hiệp hai. Ông là người ít nói nhất trong một cái nghề mà ai cũng nói nhiều. Và vì ít nói nên mỗi khi ông nói, đấy đều là những lời không thể bàn cãi.

Zidane, một lần nữa, cho thấy: Sự im lặng đôi khi có sức mạnh ghê gớm đến thế nào.

Sức mạnh của sự lặng im ảnh 1