Người lữ hành kỳ dị

Tony Phoenix Morrison không nổi tiếng vì những kỷ lục hay những tấm huy chương trên đường chạy quốc tế. Dù vậy, vẫn nhờ những bước chân của mình, anh trở thành niềm cảm hứng sống cho hàng triệu người. Trước và sau anh, có lẽ, không còn ai khác tham gia hàng trăm giải chạy việt dã với một… chiếc tủ lạnh trên lưng.

Người lữ hành kỳ dị

Thần tượng của nhà vô địch

Mo Farah là một trong những chân chạy nổi tiếng nhất thế giới nhờ bốn tấm HCV Olympic. Hàng nghìn VÐV điền kinh trẻ ngưỡng mộ anh, nhưng ít ai biết người duy nhất Farah ngưỡng mộ chỉ là một VÐV nghiệp dư. Sau vinh quang ở kỳ Thế vận hội năm 2012, Farah tuyên bố anh cũng từng nhận rất nhiều thất bại giống như những người khác. Nhưng, trong chuỗi ngày đen tối đó, anh tìm thấy động lực chiến đấu từ hình ảnh Morrison để đứng lên, chinh phục những đường đua mới.

“Dĩ nhiên tôi biết Mo Farah chứ, cậu ấy từng chạy cùng tôi mà!” - Morrison vui vẻ - “Lần đấy là giải chạy việt dã tổ chức ở Luân Ðôn. Ðương nhiên Farah về đích trước, vì cậu ấy không phải mang vác nặng như tôi. Nếu tôi chịu bỏ cái tủ lạnh trên lưng mình ra, chắc tôi cũng có thể chạy được như cậu ấy. Có khi tôi còn đủ khả năng tranh HCV với Farah nếu như tôi trẻ hơn một chút”. Những điều Morrison nói hoàn toàn có cơ sở. Farah từng bộc bạch anh không hiểu tại sao một người bình thường như Morrison lại có thể liên tục chạy đường dài với chiếc tủ lạnh trên lưng.

Ở những ngày đầu mới tập chạy, Morrison thở không ra hơi. Nhưng rồi sau khi quen dần, quãng đường anh chạy được cứ ngày một kéo dài ra. Rồi đến một ngày, người đàn ông này cũng có thể cõng chiếc tủ lạnh nặng 42 kg hoàn tất cuộc đua dài 42 km.

Kể từ lúc bắt đầu hành trình cho đến khi buộc phải dừng lại vì bệnh đau cột sống, Morrison đã chạy hàng nghìn cây số ở khắp các vùng miền của nước Anh. Ðường chạy ngắn nhất dài vỏn vẹn chưa đầy 10 km, được anh thực hiện trong vòng 58 phút. Bù lại, trong năm 2012, Morrison tuyên bố sẽ chạy đủ 1.600 km chỉ trong vòng 30 ngày. Ai cũng nói anh điên rồ, nhưng cuối cùng anh thậm chí còn vượt chỉ tiêu 15 km.

Người lữ hành kỳ dị ảnh 1

Phiêu lưu và trách nhiệm

Ðối với Morrison, chạy bộ vốn không phải là một thú vui. Ban đầu, anh dùng những bước chân của mình để quên đi nỗi buồn. Không may mắn như những người bạn đồng trang lứa, anh mất cha từ nhỏ trong một vụ tai nạn xe hơi. Cứ mỗi lần cảm thấy buồn, cậu bé Morrison lại xỏ giày ra và chạy. Chạy là cách duy nhất giúp anh có cảm giác thoát khỏi thế giới xô bồ, không phải nhìn về quá khứ đau buồn.

Ngay cả khi đã bước qua tuổi ngoài 40, người đàn ông này vẫn đều đặn chạy bộ mỗi ngày. Trong một lần gặp bạn bè, Morrison khuyên họ nên tập thể dục chăm chỉ hơn nhưng chẳng ai nghe. Không hài lòng khi thấy lối sống lành mạnh của mình bị mọi người phớt lờ, anh mạnh miệng tuyên bố: “Vậy chúng ta cá cược đi. Lần tới tôi sẽ chạy mà vác tủ lạnh, đến khi đó các cậu sẽ thấy tôi đúng”.

Ai cũng nghĩ Morrison chỉ đùa, nhưng cuối cùng anh lại làm thật. Anh tới cửa hàng chuyên bán đồ điện máy cũ để hỏi mua một chiếc tủ lạnh. “Anh mua nó để làm gì? Trông anh không đến mức thiếu tiền, vậy tại sao lại muốn mua đồ cũ?”, người chủ tò mò. Khi nghe quyết định táo bạo của Morrison, ông lập tức tặng anh một chiếc. Kể từ đó, biệt danh “người yêu tủ lạnh” dần gắn liền với Morrison.

Hình ảnh một người đàn ông chạy hàng chục km với chiếc tủ lạnh trên lưng dần gây chú ý với truyền thông Anh. Cho đến khi Morrison cảm thấy anh có thể sử dụng điều đó để góp phần làm những điều có ý nghĩa hơn trong cuộc sống, thay vì phục vụ bản thân. Trùng hợp thay, ở thời điểm ấy, Morrison nghe về câu chuyện của một cô bé có tên Sara Hoburn.

Năm 2001, Sarah vĩnh viễn ra đi ở tuổi 16 sau hai năm chống chọi căn bệnh ung thư. Nghị lực sống của Sarah giúp Morrison muốn góp một phần công sức của mình vào việc vận động gây quỹ giúp các bệnh nhi ung thư. Bản thân anh cũng không muốn chứng kiến gia đình nào phải mất đi người thân. Anh bắt đầu chạy với mục đích gây quỹ.

“Sau những cuộc thi chạy việt dã, tôi đã giúp quyên góp được hàng trăm nghìn bảng Anh trong vài năm qua”, Morrison kể, nhưng anh chẳng coi đó là niềm tự hào - “Nhưng con số khiêm tốn như vậy là không đủ. Chưa bao giờ là đủ, để góp phần cứu sống mọi cô cậu bé đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Mỗi ngày trôi qua, luôn có những bệnh nhi từ giã cõi đời. Nhìn chúng ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy, tôi chỉ thầm nghĩ giá như mình có thể làm tốt hơn”.

Khép lại với nụ cười

Cuộc sống của một người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng khiến Morrison gặp phải không ít rắc rối. Vốn là chủ một công ty nhỏ chuyên về marketing, anh bỏ hết công việc qua một bên để chạy với chiếc tủ lạnh trên lưng. Người bạn hùn vốn làm ăn chung với Morrison tỏ ý không hài lòng, anh ta nói: “Tôi biết cậu có đam mê, tôi tôn trọng điều đó, nhưng cậu cần nghiêm túc nghĩ về tương lai hợp tác của chúng ta. Cậu phải làm việc, không thể lông bông khắp nơi với cái tủ lạnh mãi được”.

Sau một vài ngày suy nghĩ đắn đo, Morrison quyết định bỏ việc. Trong một khoảnh khắc, anh cảm thấy mình không nhất thiết phải sống chết gắn bó cùng công việc, sự nghiệp như bao người khác. Với Morrison ở thời điểm đó, sải bước chạy có ý nghĩa hơn tất thảy, khi có thể tác động tích cực đến cộng đồng. Anh quyết định sẽ chạy đến khi nào mình không thể tiếp tục được nữa.

Việc sải bước chạy theo cách chẳng giống ai khi đã ở tuổi ngoài 40 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Morrison. Năm 2012, vì đã trót tuyên bố “chạy 1.600 km trong 30 ngày”, anh phải cắn răng chịu đau khi mới chỉ bắt đầu một phần năm hành trình. Ở gần 1.300 km sau đó, anh vẫn cố sức chạy với cái chân đau. Bất kể mùa hè hay mùa đông, trời nắng hay mưa, Morrison vẫn đều đặn chạy, với một sứ mệnh tự thân.

Hành trình chạy với chiếc tủ lạnh trên lưng của Morrison kết thúc vào mùa hè 2016. Chỉ đến khi Morrison phải nhập viện khẩn cấp sau một cuộc đua, anh mới biết bệnh tình của mình nghiêm trọng cỡ nào. Nếu cứ tiếp tục mạo hiểm, anh có thể phải ngồi xe lăn vì nứt cột sống. Morrison giã từ đường chạy ở tuổi 51, trở về bên gia đình với một nụ cười. Dù hành trình khép lại không như mong muốn, anh vẫn luôn có thể ngẩng cao đầu.