Người chỉ đường lặng lẽ

Nếu bạn hỏi về vị Giáo sư được yêu thích nhất tại Đại học Harvard, phần lớn sinh viên sẽ đồng thanh gọi tên Greg Mankiw. Suốt nhiều năm liền, lớp học của ông luôn đầy ắp sinh viên đến nghe giảng. Không chỉ là một học giả xuất chúng, Mankiw còn luôn cố gắng truyền cho lớp trẻ thấy được sự diệu kỳ của kinh tế học - lĩnh vực ông đã theo đuổi suốt nửa đời người.

Người chỉ đường lặng lẽ

Chăm chỉ là chìa khóa thành công

“Tôi còn nhớ khi tôi học lớp 2, lớp 3 gì đó, giáo viên có gọi cho bố mẹ tôi, nói kết quả học tập của tôi khiến nhà trường ngạc nhiên”, Mankiw hồi tưởng. “Điều này khiến bố mẹ tôi suy nghĩ rất nhiều. Họ cảm thấy tôi có thể thui chột nếu cứ học ở trường công, vậy nên họ quyết định chuyển tôi sang một trường tư tốt hơn, dù vô cùng tốn kém. Hầu hết bạn tôi ở đó đều có bố mẹ là bác sĩ, luật sư... đâu có ai làm công việc chân tay đâu!”.

Ông bà nội ngoại của Mankiw rời Ukraine sang Mỹ định cư vào đầu thế kỷ 20, và không ai có trình độ học vấn vượt quá bậc tiểu học. Bố mẹ Mankiw có điều kiện học hành hơn một chút, nhưng hoàn cảnh khó khăn không cho phép họ tiếp tục học lên đến đại học.

Khoản đầu tư của gia đình bước đầu cho thấy thành công. Mankiw luôn nằm trong nhóm học sinh xuất sắc nhất trường, đặc biệt là ở môn toán. Mankiw từng đạt điểm SAT tuyệt đối 800/800, cũng như giành giải trong kỳ thi học sinh giỏi toán của trường.

Bảng vàng thành tích học tập giúp Mankiw bước vào Trường đại học Princeton danh giá, với suy nghĩ cả thế giới nằm dưới chân mình. Đây cũng là lúc tâm trạng lâng lâng khiến Mankiw sớm vỡ mộng. Giữa Trường đại học Princeton, nơi những tinh hoa của những tinh hoa trên khắp nước Mỹ về tụ hội, ông biến thành một kẻ tầm thường. Mankiw thụt lùi so với chúng bạn, ngay cả ở môn học ông tự tin nhất - môn toán.

Mankiw bắt đầu hoang mang, nghi ngờ chính bản thân. Ông nhận ra mình không giỏi như bấy lâu nay mình vẫn nghĩ. Vậy làm cách nào để có thể theo kịp mọi người? Cách duy nhất là học. Lần đầu trong đời, Mankiw bắt đầu học hành nghiêm túc, vì tương lai sau này. Khi không thể nuốt trôi những chữ cái bằng cách giở sách đọc, ông viết chúng ra giấy. Nỗ lực của Mankiw được đền đáp với tấm bằng danh dự xuất chúng, mức cao nhất dành cho sinh viên Princeton.

Bước lên nấc thang “quyền lực”...

Tốt nghiệp Trường đại học Princeton, chặng đường học vấn của Mankiw vẫn chưa dừng lại. Ông lập tức học thẳng lên bậc Tiến sĩ ở MIT, bên cạnh việc đăng ký theo học Trường Luật Harvard. Quyết định này xuất phát từ sự lưỡng lự cá nhân. Mankiw phân vân liệu bản thân sau này muốn trở thành một luật gia hay một nhà kinh tế học, vậy nên ông quyết định… học cả hai để khám phá bản thân! Trong vòng bốn năm, Mankiw hoàn thành cả hai chương trình và trở thành Tiến sĩ ở tuổi 26.

Nhờ đó, ông nhận ra mình là ai: “Tôi thấy mình là một sinh viên bình thường ở trường Luật, trong khi chỉ mất khoảng hai năm để hoàn tất chương trình Tiến sĩ kinh tế, nếu như dành toàn bộ thời gian để học nghiêm chỉnh”. Mùa xuân năm 1985, nửa năm sau khi tốt nghiệp MIT, Mankiw trở thành giảng viên của trường. Đến tháng 9, ông chuyển sang giảng dạy ở Harvard với học hàm Phó Giáo sư, và chính thức trở thành Giáo sư vào năm 1987 khi mới 29 tuổi.

Đồng nghiệp thường nhận xét Mankiw quá khiêm tốn khi nói về bản thân. Chia sẻ trên blog cá nhân, ông nói công việc giảng dạy và nghiên cứu trên thực tế dễ hơn học tập, vì “bạn có thể tập trung vào lĩnh vực mình giỏi, và tìm các cộng sự bù đắp vào điểm yếu của bạn”. Mankiw tự nhận khả năng tính toán của ông thua xa mọi người; nhưng bù lại, ông có kinh nghiệm, trực giác, cùng kỹ năng viết để hỗ trợ những đồng nghiệp trẻ.

Năm 1992, Mankiw cùng hai nhà kinh tế khác công bố một nghiên cứu có tên Đóng góp của những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm với tăng trưởng kinh tế. Trong bài, Mankiw đã giải thích được vì sao những nước nghèo lại có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn những nước giàu. Mankiw chỉ ra: Kìm hãm tốc độ tăng trưởng dân số bên cạnh duy trì tích lũy nguồn vốn để đầu tư chính là chìa khóa để thoát nghèo. Nghiên cứu này liên tục được trích dẫn lại, trở thành một trong những bài viết có ảnh hưởng nhất đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế ở thập niên của thế kỷ trước.

Tầm ảnh hưởng của Mankiw ở kinh tế học giúp ông chính thức bước vào Nhà trắng năm 2003, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Trong hai năm đứng đầu Hội đồng, ông là tác giả của nhiều quyết sách lớn, góp phần đưa nước Mỹ thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng giữa những năm 2000 để tăng trưởng mạnh mẽ.

... Vẫn muốn trở về làm “ông giáo”

Mankiw từng được dự đoán có thể trở thành một chính trị gia. Tuy nhiên, sau tất cả, ông lại trở về Đại học Harvard, hài lòng với công việc của một người truyền thụ kiến thức. 14 năm liền, Mankiw được trường tín nhiệm giảng dạy nhập môn về kinh tế cho 700 sinh viên. Lớp học của Mankiw thậm chí còn có biệt danh riêng: Lớp 10 - Nguyên lý kinh tế. Đây luôn là một trong những lớp có nhiều sinh viên đăng ký học nhất, và yêu thích nhất.

“Tôi rất muốn nói sinh viên chọn lớp vì có tôi, nhưng chắc chắn không vì thế. Thực ra là họ quan tâm đến kinh tế học thôi” - Mankiw vui vẻ nhận xét - “Đúng là Trường kinh tế Harvard có nhiều sinh viên theo học nhất so các chuyên ngành khác, nhưng học kinh tế còn là bước đệm để họ theo đuổi những ngành nghề khác nhau sau này. Học kinh tế giúp bạn trở thành một con người sáng suốt, có thể đưa ra những quyết định thông minh ảnh hưởng đến cả cuộc đời”.

Thành công của Mankiw được thể hiện qua những người học trò của ông năm xưa: Xavier Sala-i-Martin, nguyên thành viên Hội đồng quản trị CLB bóng đá nổi tiếng Barcelona; Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama; Ricardo Reis, nhà kinh tế học trẻ tuổi được dự đoán sẽ giành giải Nobel trong tương lai... Họ có thể không có quan điểm về kinh tế giống Mankiw, nhưng đều mang ngọn lửa nhiệt huyết của người thầy truyền lại.

Mankiw tâm niệm: Kinh tế học không chỉ là mớ kiến thức chỉ toàn những lý thuyết, đường cong hay số liệu khô khan. Với ông, kinh tế học chính là thế giới, và học kinh tế cũng là cách để nắm bắt, hiểu được cách thế giới đang vận hành. Vì thế, suốt phần đời còn lại, ông vẫn sẽ vui lòng làm một nhà giáo.

Người chỉ đường lặng lẽ ảnh 1