Khoa học ươm mầm tình yêu

Nước Mỹ vừa khẩn cấp thông qua vắc-xin phòng, chống Covid-19 của hãng dược phẩm BioNTech, trong bối cảnh số người chết vì đại dịch ngày một tăng cao. Đằng sau thành tựu của BioNTech là nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng Tiến sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci (trong ảnh) - cặp đôi dâng hiến cả cuộc đời cho khoa học.

Khoa học ươm mầm tình yêu

Sinh ra dành cho nhau

Bệnh viện đại học Hamburg những năm 90 của thế kỷ trước là nơi chứng kiến mối tình đẹp giữa hai bác sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci. Cả hai đều là người Ðức gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Tureci là con gái một bác sĩ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngay từ nhỏ đã chọn cho mình con đường y học "để phục vụ cho con người", như lời chỉ dạy của các nữ tu trường dòng nơi bà theo học. Khác với bà, ông Sahin đến Ðức năm lên bốn tuổi, theo chân người cha là một kỹ sư ô-tô. Ông trở thành bác sĩ nội trú rồi lấy bằng tiến sĩ nhờ nghiên cứu liệu pháp miễn dịch tế bào khối u.

Và khát vọng tương đồng nhanh chóng khiến họ phải lòng nhau, để rồi hầu hết thời gian hẹn hò đều ở trong phòng nghiên cứu. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân ung thư bị phụ thuộc vào hóa trị, cả hai cùng viết một luận án tiến sĩ về ứng dụng RNA thông tin (mRNA) nhằm hình thành hệ thống miễn dịch chống lại các tế bào ung thư.

Năm 2001, ông bà Sahin thành lập Công ty Dược Ganymed tiên phong trong các liệu pháp kháng thể trị ung thư. Thời gian sau, họ mở tiếp Công ty BioNTech với ước mơ trở thành hãng dược lớn nhất châu Âu. Nếu ông Sahin là con người khoa học thuần túy thì bà Tureci lại sở hữu khả năng quản trị doanh nghiệp và marketing xuất sắc.

Sự bổ khuyết cho nhau tuyệt vời đó đã giúp BioNTech lớn mạnh nhanh chóng. Trước đại dịch, công ty này đã gọi được hàng trăm triệu USD vốn và có hơn 1.800 nhân viên khắp thế giới. Năm ngoái, tỷ phú Bill Gates cũng tài trợ 55 triệu USD cho dự án tìm ra thuốc trị HIV và bệnh lao.

Giới khoa học thường so sánh vợ chồng Tiến sĩ Sahin với cặp đôi nổi tiếng trong lịch sử khoa học là Marie và Pierre Curie. Họ đều nên duyên nhờ khoa học và có tầm nhìn, lý tưởng cống hiến tương đồng.

"Tốc độ ánh sáng"

Sáng 27-1 năm nay, Tiến sĩ Sahin đọc được bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet về một căn bệnh lạ đang lây lan ở Vũ Hán (Trung Quốc). Vị tiến sĩ bỏ ngang bữa sáng để tìm hiểu thêm về loại virus gây căn bệnh trên. Ông nhận định thành phố Vũ Hán có tuyến hàng không mạnh và căn bệnh có độ lây lan cực nhanh này sẽ sớm trở thành một đại dịch toàn cầu. Hai vợ chồng đã tranh luận rất lâu về những kịch bản thảm họa mà SARS-CoV-2 có thể gây ra.

Tiến sĩ Sahin lóe lên suy nghĩ làm vắc-xin từ mRNA sau khi có kết quả giải mã gen virus. Ông kích hoạt chế độ làm việc khẩn cấp, huy động 600 nhân viên tham gia ngay vào dự án mang tên "Tốc độ ánh sáng", nhằm chế tạo vắc-xin với tốc độ nhanh nhất. Nhiều nhân viên tỏ ra không hài lòng vì phải rút ngắn kỳ nghỉ đông, nhưng thái độ kiên định của Tiến sĩ Sahin khiến không khí khẩn trương lan tỏa khắp công ty.

Ðích thân Tiến sĩ Sahin nghiên cứu mô hình 10 loại vắc-xin, mà một trong 10 loại ấy sau này trở thành vắc-xin được Vương quốc Anh cấp phép. Vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA này được triển khai bằng cách đưa vật liệu di truyền của virus vào cơ thể để các tế bào sản sinh các protein virus đó, hệ miễn dịch chúng ta sẽ nhận dạng và sản sinh kháng thể.

Vào tháng 3, Công ty BioNTech trình 20 bản vắc-xin để thử nghiệm - nhanh nhất thế giới. Ðến giữa tháng trước, BioNTech tuyên bố vắc-xin mà họ kết hợp với Pfizer có hiệu quả ngăn chặn virus corona lên đến 95%. Trong một động thái mới nhất, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt khẩn cấp loại vắc-xin này, nhằm đẩy lùi đại dịch đã cướp đi sinh mạng 300 nghìn người Mỹ và gần hai triệu người trên khắp thế giới. Vắc-xin của BioNTech và vắc-xin Sputnik của Nga được kỳ vọng sẽ sớm được tiêm cho những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Thành công bước đầu của Tiến sĩ Ugur Sahin không đến một sớm một chiều. Hai năm trước tại hội nghị ở Berlin (Ðức), nhà khoa học này cho biết đã chuẩn bị công nghệ mRNA để làm vắc-xin trong trường hợp thế giới có đại dịch. Hiện, BioNTech vẫn đang nghiên cứu để hạ giá thành vắc-xin cũng như hạn chế thấp nhất biến chứng.

Không màng danh lợi

Dự án điều chế vắc-xin của đôi vợ chồng tiến sĩ không xuất phát từ bất kỳ động lực cạnh tranh khoa học hoặc ham muốn làm giàu nào. Người vợ đã từng nói rằng: "Tài năng càng nhiều thì trách nhiệm với thế giới càng lớn". Còn ông Sahin tâm sự: "Ðiều thúc đẩy chúng tôi chính là mong muốn những đứa trẻ, những bà mẹ và những người già trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch".

Khoa học ươm mầm tình yêu -0

Thông tin về vắc-xin Covid-19 giúp cổ phiếu BioNTech tăng vọt. Vợ chồng Sahin được ước tính đang sở hữu số cổ phần trị giá 20 tỷ USD, biến họ thành một trong những người giàu nhất nước Ðức. Vậy nhưng, họ vẫn đi làm bằng xe đạp, không sở hữu xe hơi và sống đơn giản trong căn hộ cùng con gái. Năm xưa, ngay cả ngày cưới, hai nhà khoa học ấy cũng chỉ đến đăng ký kết hôn rồi lại quay về phòng thí nghiệm. Ngày được thông qua vắc-xin, đôi vợ chồng già quây quần bên con gái rồi nhấm nháp các món ăn Thổ Nhĩ Kỳ, rất giản dị.

Không chỉ có ý nghĩa khoa học, vắc-xin của BioNTech còn thể hiện sức mạnh toàn cầu hóa. Công ty BioNTech có các nhà nghiên cứu đến từ 60 quốc gia, họ thường xuyên trao đổi cập nhật với các đồng nghiệp ở Mỹ, ở Trung Quốc để rút ngắn thời gian nghiên cứu. Bất kỳ nhà khoa học tâm huyết nào cũng có thể đóng góp cho liều vắc-xin được kỳ vọng cứu cả thế giới này. Vậy nên, như chính Tiến sĩ Sahin tâm sự, vắc-xin Covid-19 trên danh nghĩa là của BioNTech và Pfizer nhưng đây là "thành quả của nhân loại, của tất cả những người đã góp tri thức vào nó".