Hào quang người bỏ cuộc

Cuối tháng 7-2017, John Urschel vẫn lên tập trung cùng đội bóng bầu dục Baltimore Ravens như thường lệ. Nhưng anh không lắng nghe bài diễn thuyết của HLV như mọi hôm, mà mông lung mường tượng tương lai. Anh trằn trọc đến tận ba giờ sáng. Vài giờ sau anh đến gõ cửa phòng HLV trưởng, mang theo một thông điệp gây sốc: Giải nghệ!

Hào quang người bỏ cuộc

“Tôi muốn làm giảng viên đại học!”

Sau ba mùa chơi ở giải vô địch bóng bầu dục Mỹ (NFL), Urschel hoàn toàn có quyền đòi hỏi một bản hợp đồng với mức lương cao hơn 600 nghìn USD/năm mà anh đang nhận. Chẳng ai nghĩ một cầu thủ mới 26 tuổi và còn cả tương lai rộng mở phía trước lại rời bỏ cuộc chơi. “Tôi đã dành cả đêm cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định của mình và suy xét nhiều lần từ trước đó nữa, thế nên tôi không hề hối hận”, Urschel chia sẻ.

Chỉ vài giờ sau khi thông tin rò rỉ ra ngoài, câu chuyện Urschel giải nghệ trở thành đề tài đàm tiếu của cả nước Mỹ. Ít ngày trước đó, các nhà khoa học Mỹ đã công bố một nghiên cứu chứng minh cầu thủ bóng bầu dục có thể mang tổn thương não lâu dài vì va chạm mạnh. Urschel lập tức bị gắn mác “nhát gan”, “sợ chết”, “không xứng đáng làm cầu thủ chuyên nghiệp”.

Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in ngày hôm đó, khi chuông điện thoại không ngừng reo suốt nhiều giờ đồng hồ. Phóng viên nào cũng muốn chất vấn Urschel xem liệu anh có sợ chết thật hay không, tới mức “khổ chủ” không thể ra khỏi nhà vì đám đông hiếu kỳ thường trực sẵn bên ngoài. Đến lúc anh giãi bày lý do trên mạng xã hội, mọi người lại càng phấn khích và tò mò hơn với dòng thông báo: “Tôi muốn làm giảng viên đại học!”.

Chuẩn bị cho tương lai

Với những người bình thường, thật khó để hình dung suy nghĩ của Urschel. Tại sao một cầu thủ triệu phú, có sự nghiệp, danh vọng lại từ bỏ tất cả để làm một giảng viên?

Phải chăng môn bóng bầu dục thật sự gây nguy hiểm đến tính mạng các cầu thủ tới mức anh quyết định rút lui? Đến lúc này, sự thật mới dần được hé lộ. Hóa ra Urschel đã lên kế hoạch giải nghệ ngay từ mùa giải đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp.

Trong khi những cầu thủ khác hoàn tất chương trình đại học với một tấm bằng xoàng xĩnh “cho có”, hành trang của Urschel khi bước vào NFL là tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Toán. Bóng bầu dục và toán học nghe qua chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng đó là hai thú vui luôn hiện hữu trong đầu Urschel từ nhỏ đến lớn.

Niềm đam mê với môn bóng bầu dục của Urschel được bố anh truyền lại, còn mẹ luôn thử thách anh tính toán mỗi ngày. Trong những lần hai mẹ con cùng đi siêu thị mua đồ, bà Venita Parker luôn thách thức Urschel tính tổng giá trị hóa đơn mua hàng. Khi việc này trở nên quá dễ dàng, bà yêu cầu anh phải tính cả phần thuế giá trị gia tăng 8% mà không được thiếu một xu.

Rèn luyện từ nhỏ nên trong đầu Urschel luôn tồn tại vô vàn con số và phép tính, qua đó khiến anh tin giải nghệ ở tuổi 26 là điều đúng đắn. Sự nghiệp cầu thủ bóng bầu dục có thể giúp anh có tiền bạc, danh vọng, nhưng đổi lại là hao tổn về sức khỏe cũng như con đường học vấn. Sau khi nhận bằng Thạc sĩ, Urschel muốn tiếp tục học lên Tiến sĩ Toán lại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Dù hồ sơ của anh rất ấn tượng, các giáo sư tại trường lại không xét duyệt.

“Tôi không phải đứa học gạo. Để hoàn tất luận văn Thạc sĩ, tôi đã công bố một vài nghiên cứu về Toán trên các tạp chí quốc tế”, Urschel bộc bạch. “Tôi chọn theo học tiếp ở MIT vì đó là trường tốt nhất, nhưng yêu cầu của họ rất khắt khe. Chương trình học Tiến sĩ thường kéo dài đến 5-6 năm và nghiên cứu sinh phải học toàn thời gian ở trường. Đó chính là lý do khiến tôi từ bỏ bóng bầu dục. Tôi chỉ có thể chơi bóng trong 5-10 năm nữa, nhưng nếu chọn học thuật, tôi sẽ gắn bó với nó cả đời”.

Urschel thật sự đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trước anh, các VĐV nổi tiếng thường được vinh danh, ca tụng dưới ánh hào quang, nhưng chẳng mấy ai biết họ sống thế nào sau ngày giải nghệ. Không phải cầu thủ nào cũng tích cóp được cho mình khối tài sản tiền tỷ khi nghỉ hưu ở độ tuổi 30-35, và họ bước ra đời mà không hề có bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc. Bỏ dở sự nghiệp VĐV có thể mang lại chút tiếc nuối, nhưng lại là lựa chọn an toàn hơn rất nhiều trong tương lai.

Trở về với bình yên

Trong ba năm thi đấu ở NFL, Urschel đã quá quen với những cú va chạm nảy lửa trên sân bóng, nơi người ngã là anh hoặc đối thủ. Quá khứ dữ dội đó đã trôi qua từ lâu, bây giờ anh sống một cuộc sống yên bình hơn rất nhiều. Mỗi sáng thức dậy, anh dùng bữa điểm tâm cùng vợ con rồi xách cặp đến giảng đường dạy học. Tan lớp, anh trở về phòng nghiên cứu, hoặc lên sóng dẫn một chương trình dành cho những người đam mê cờ vua.

Thu nhập của anh thấp hơn rất nhiều so với lúc làm cầu thủ, nhưng Urschel không quá bận tâm: “Tôi chưa bao giờ đặt ra cho mình những mục tiêu về tiền bạc, như là phải kiếm được 10 triệu USD trong tài khoản. Tại sao phải kiếm nhiều tiền như thế trong khi mỗi năm tôi giới hạn chi tiêu ở mức 25 nghìn USD? Lương của tôi ở NFL có thể thấp hơn nhiều người, nhưng nó lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu của tôi. Tôi chẳng biết làm gì với số tiền dư thừa đó cả”.

Thay vì ném tiền vào những cuộc chơi như nhiều ngôi sao khác, thú vui của Urschel những lúc rảnh rỗi vô cùng “trí thức”. Anh thích đọc sách, làm toán, nghiên cứu khoa học hoặc chơi cờ vua. Tất cả những thứ đó đều chẳng tốn một xu nào. Urschel sống tiết kiệm đến mức ngay cả mẹ anh cũng chê. Bà từng ca cẩm khi thấy con trai tự thưởng cho mình món quà thi đấu chuyên nghiệp bằng một chiếc ô-tô cũ xoàng xĩnh đã đi 50 nghìn km, nhiều hơn cả một vòng Trái đất.

Urschel tin: Trong cuộc sống có những thứ ý nghĩa hơn tiền bạc rất nhiều, thế nên mọi người cần làm những điều khiến họ thấy thật sự hạnh phúc. Sau vài năm ngồi làm việc ở MIT, Urschel đang nghiêm túc cân nhắc cùng gia đình khám phá những vùng đất mới. Anh sẵn sàng trải nghiệm cuộc sống ở Anh hoặc một nước Bắc Âu trong tương lai. Dù đi đâu, Urschel cũng không lo thất nghiệp. Luôn có hàng tá sinh viên sẵn sàng lắng nghe một ông thầy cao gần 2 mét, nặng tới 140 kg giảng toán, và cũng có thể sẽ có những thí dụ lý thú về “toán học trong những cuộc va chạm mãnh liệt trên sân bóng”…