Cùng nhau “đi dạo”... ngoài không gian

“Fly me to the moon. Let me play among the stars”(Ðưa em bay lên mặt trăng. Ðể em được chơi đùa giữa những vì sao) - với đôi bạn Christina Koch (áo sẫm) và Jessica Meir, đó không chỉ là lời bài hát lãng mạn thường hay nghe, mà đó còn là ước mơ cả hai cùng đang nỗ lực chinh phục…

Cùng nhau “đi dạo”... ngoài không gian

Expedition 61- một cột mốc đáng nhớ

Koch và Meir trở thành bạn thân từ khi hai người cùng học chung lớp phi hành gia thứ 21 do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), năm 2013. Nhưng mãi đến tận ngày 18-10-2019, tại Expedition (đoàn thám hiểm) số 61, hai người mới được chính thức cùng làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên dành cho đoàn phi hành gia toàn bộ là nữ giới.

Phải mất đến 61 năm, NASA mới thực hiện được một chuyến bay đặc biệt như thế. Trước đó, các đội du hành trong không gian hầu hết đều là nam giới, sau thì kết hợp nam, nữ. Vậy nên, Expedition 61 trở thành một cột mốc đáng nhớ.

Trong những chuyến thám hiểm kết hợp nam - nữ trước đó, Koch đã được tham gia đến bốn lần, còn Meir - mới là lần đầu. Suốt 7 giờ 17 phút làm nhiệm vụ, họ đã hoàn thành công việc thay một đơn vị sạc/giải sạc pin trên trạm vũ trụ (BCDU) bị hỏng. Bộ BCDU là thiết bị điều phối việc nạp các ắc-quy dùng để thu nhận và phân phối năng lượng mặt trời cho các phòng thí nghiệm trên quỹ đạo. ISS nằm ngoài vùng chiếu sáng trực tiếp của mặt trời trong phần lớn quỹ đạo chuyển động, do đó cần phải có các bộ pin và các BCDU điều chỉnh lượng điện sạc cho trạm. Công việc tưởng chừng nghe rất “đàn ông” ấy đã được hai người phụ nữ hoàn thành xuất sắc.

Sau thành công của Expedition 61, NASA đã lập hẳn một kế hoạch đầy tham vọng để đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2024 trong chương trình Atermis. Và tất nhiên cả Koch và Meir đều hy vọng mình sẽ là người được nhận vinh dự này, bởi “ước mơ được đi trên cung trăng” đã theo họ từ thời thơ ấu.

Thư giãn không trọng lực

Công việc của Meir và Koch bên trong tàu vũ trụ cũng kéo dài 12 giờ/ngày, họ thường hay đùa nhau rằng: sự khác biệt duy nhất giữa lúc làm việc và khi nghỉ ngơi là ở nút bấm bật - tắt máy quay! Cuối ngày, khi hoàn thành công việc, họ được ăn uống và nghỉ ngơi, nhưng không gian vật lý thì vẫn như vậy. Nên, việc bảo đảm mỗi thành viên được thư giãn, “sạc pin” cho bản thân theo cách mà họ mong muốn là rất quan trọng.

Một trong những cách giảm áp lực tốt nhất đối với Koch là ngắm Trái đất qua ô cửa sổ tàu vũ trụ. Ðó là một cảnh tượng hết sức phi thường. Nhờ nó, Koch có thể tự chữa lành mọi căng thẳng trong trí não, và tự nhắc nhớ về vị trí của mình, cũng như sứ mệnh của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng có thời gian cùng nhau tạo kiểu tóc, ăn nhẹ giữa giờ tại “văn phòng”. “Thật ra cũng không khác biệt là mấy, ở Trái đất tôi ăn trưa bằng salad với thịt gà, cá hoặc là trứng, thì ở ngoài vũ trụ cũng vậy. Chỉ có điều, chúng đều cần được hydrat hóa!”, Koch bông đùa.

Cùng nhau “đi dạo”... ngoài không gian ảnh 1

“Nhảy” việc để tìm được nơi phù hợp

Sự nghiệp của Christina Koch trước khi trở thành một phi hành gia trải qua hai lĩnh vực: phát triển công cụ khoa học vũ trụ và kỹ thuật lĩnh vực khoa học từ xa. Với một cô sinh viên chuyên ngành Khoa học về kỹ thuật điện, thật sự là may mắn khi được trải qua kỳ thực tập hè tại NASA. Cô có cơ hội được thiết kế các công cụ bay trên tàu thăm dò hành tinh, và làm các nhiệm vụ của NASA về nghiên cứu Trái đất cũng như các hành tinh khác.

Vậy nhưng, sự nghiệp nghiên cứu vũ trụ của Koch không phải đã bắt đầu từ đó. Cô đã từ bỏ cơ hội nhiều người mong muốn để theo đuổi ước mơ Nam Cực của mình. Cô đăng ký thành công để trở thành trợ lý nghiên cứu trong Chương trình Nam Cực của Chính phủ Mỹ từ năm 2004 đến năm 2007, bao gồm một năm dài tại nhà ga Adunsen-Scott Nam Cực và một mùa tại ga Palmer. Ở đây, cô là thành viên của Ðội cứu hỏa và Ðội tìm kiếm - cứu hộ sông băng. Cô đã được trao tặng Huân chương Phục vụ tại Nam Cực của Quốc hội Mỹ, như đóng một dấu son cho quyển nhật ký thu thập ước mơ của mình, trước khi trở lại với giấc mơ bay vào vũ trụ.

Còn Jessica Meir, cô từng là một nhân viên cứu hộ suốt từ lúc còn học trung học cho đến khi trở thành nghiên cứu sinh tại Trường đại học Brown, Khoa Nghệ thuật Sinh học. Và khi hoàn thành xong tấm bằng cử nhân đầu tiên năm 1999, năm 2000, Meir cũng đã hoàn thành xong tấm bằng Thạc sĩ Khoa học về Nghiên cứu Vũ trụ của Trường đại học Vũ trụ Quốc tế. Rồi cứ thế, trong nhiều năm tiếp theo, cô theo đuổi cùng lúc cả hai lĩnh vực mà nghe qua thì chẳng hề liên quan đến nhau, và cũng không mấy dễ dàng đối với một người phụ nữ (mặc dù Meir vẫn không hiểu nổi tại sao mọi người lại nghĩ vậy): Vũ trụ và Sinh học biển. Trước khi thực hiện những bước đi ngoài không gian, Meir đã từng dành rất nhiều thời gian cho những cuộc thám hiểm đến những nơi có môi trường sống vô cùng khắc nghiệt, trong đó Nam Cực cũng là một thí dụ điển hình, để thực hiện nghiên cứu về sinh lý của động vật.

Ðôi bạn thân ấy nỗ lực đến với NASA, gắn bó cùng nhau bởi giấc mơ chinh phục Mặt trăng, và tất cả những công việc trước đó của họ chính là hành trang vô giá chứng minh rằng họ - những đại diện tiêu biểu cho nữ giới - chẳng hề thua kém bất cứ người đàn ông nào, cả về trí tuệ, ý chí và sức mạnh!