Bước ngoặt tuyệt vời

Thời trẻ, Alexander Kurlyandsky không nghĩ rằng mình sẽ theo nghề viết. Nhưng, nghiệp văn chương cứ vận vào đời ông. Qua những tác phẩm của ông, khán giả trên khắp thế giới làm quen với rất nhiều nhân vật thú vị. Và chắc chắn, rất nhiều thế hệ khán giả ở Liên Xô (trước đây) cũng như nước Nga hiện tại và trên toàn thế giới, khi nhắc đến ông, sẽ luôn nhớ ngay đến loạt phim hoạt hình nổi tiếng "Hãy đợi đấy!".

Bước ngoặt tuyệt vời

Duyên kỳ ngộ

Alexander Kurlyandsky luôn coi lần hợp tác với đạo diễn Mark Rozovsky, khi còn ngồi ở giảng đường đại học, là bước khởi đầu sự nghiệp biên kịch của mình. Có một lần, Mark Rozovsky tìm đến Alexander và người bạn Arkady Hait, với yêu cầu viết hai tiểu cảnh cho chương trình "Người bạn vui vẻ". Chỉ chưa đầy nửa giờ, hai sinh viên tốt nghiệp ngành xây dựng đã dựng xong hai tiểu cảnh vô cùng hài hước, đúng như đạo diễn mong đợi. Sau hai tuần, Alexander và Arkady đã nhận được khoản thù lao đầu tiên trong đời: 30 rúp.

Trong một cuộc phỏng vấn, Alexander chia sẻ rằng: Số tiền này bằng một phần ba tiền lương của ông khi làm quản đốc xây dựng. Và khi ông đưa tiền cho bố, bố ông đã vô cùng ngạc nhiên bởi cậu con trai suốt ngày "nói dóc" mà giờ cũng đã biết lao động thực thụ. Alexander suy nghĩ và tự hỏi: "Sở thích có thể mang lại thu nhập tốt, tại sao mình lại không theo đuổi?". Kể từ đó ông bắt đầu viết kịch bản cho các chương trình dành cho trẻ em, viết tiểu cảnh, sách, truyện cho tạp chí và báo.

Người ta vẫn thường gọi ông là một nhà văn châm biếm, nhưng Alexander Kurlyandsky chưa bao giờ thừa nhận điều đó. Ông chỉ cho rằng có một tác phẩm của mình - "Những bí mật của các tác phẩm Kremlin" - là thuộc thể loại châm biếm.

Về ý tưởng biên kịch phim hoạt hình "Hãy đợi đấy!", ông kể lại: Hãng phim hoạt hình Soyuzmultfilm đã đặt hàng ông và các cộng sự Arkady Hait cùng Felix Kamov. Nhóm biên kịch thông qua ý tưởng và quyết định lấy cuộc rượt đuổi là trọng tâm của kịch bản, nhưng đắn đo suy nghĩ mãi về hình tượng loài vật sử dụng để làm nhân vật. Mới đầu, nhóm tác giả chọn cáo và gà trống, sau đó lại đổi thành mèo và chuột. Ðắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng cả ba nhà biên kịch quyết định chọn nhân vật thỏ và sói. Và để trẻ em không sợ hãi, nhóm tác giả đã cố tình biến nhân vật sói trở thành ngốc nghếch như vậy.

Alexander bộc bạch: Không ai trong số các tác giả biết gì về loạt phim hoạt hình lừng danh "Tom và Jerry" của Hãng Warner Brothers, vì vậy không có chuyện bắt chước người Mỹ trong phim hoạt hình của Liên Xô. Các tác giả tự nghĩ ra nhân vật và sau đó lên cốt truyện cho chúng.

Bên cạnh đó, khi nói về các sáng tác của Alexander, cũng không thể không nhắc đến chú vẹt Kesha. Sau khi tác phẩm ấy của ông ra mắt, các cụm từ như: "Bạn đã từng đến Tahiti chưa?" hay "Và chúng tôi cũng được ăn no ở đây!" đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Bộ phim này không chỉ dành cho trẻ em, mà các bậc phụ huynh cũng đều tán thưởng một cách thích thú.

Bước ngoặt tuyệt vời -0 

Tuổi thơ ngỗ nghịch

Alexander Kurlyandsky sinh ngày 1-7-1938 tại Thủ đô Moscow, nơi ông đã trải qua thuở thiếu thời. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông cùng gia đình sơ tán đến tỉnh Sverdlovsk. Bố mẹ ông đều làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật: cha là kỹ sư vô tuyến điện, còn mẹ là kỹ thuật viên liên lạc.

Thuở nhỏ, Alexander được biết đến là một học sinh không mấy gương mẫu. Cậu thường xuyên trốn học, hay "chơi khăm" bạn bè và hay pha trò. Những lúc rảnh rỗi, Alexander cùng với cậu bạn thân Vova Chuprov rất thích đi xem phim, hay đi trượt băng trên mặt hồ vào mùa đông.

Cũng chính trong những năm tháng còn đi học, tài năng viết lách của Alexander bắt đầu được bộc lộ. Cậu học trò nghịch ngợm đã tự mình "xuất bản" một "tạp chí" có tên là "Enema". Thật ra, đó là một cuốn vở ô li được cậu vẽ đầy những hình họa kèm theo những dòng chữ nhỏ. Những "ấn phẩm" này được Alexander truyền tay cho các bạn cùng lớp xem, và làm tất cả cười nghiêng ngả.

Có lần Alexander đã lấy cô giáo chủ nhiệm lớp làm chủ đề biếm họa. Tất nhiên, cô giáo không hề thích trò đùa này một chút nào. Phụ huynh của nhà văn tương lai được mời đến trường. Và buổi tối, một cuộc trò chuyện nghiêm túc đã diễn ra với Alexander.

Mặc dù nổi tiếng nghịch ngợm, nhưng tài năng của Alexander vẫn được bạn bè và thầy cô công nhận. Ngoài các buổi biểu diễn nghiệp dư, cậu học trò còn tham gia xây dựng tờ báo tường cho lớp.

Mơ ước thiếu thời

Alexander rất thích văn học và hay đọc những truyện viễn tưởng vào ban đêm, dưới ánh sáng của chiếc đèn pin. Dù chểnh mảng với việc học, Alexander vẫn tỏ ra đặc biệt hứng thú với hai môn Vật lý và Hình học. Cậu mơ ước sau này khi lớn lên sẽ chế tạo ra tên lửa để bay vào vũ trụ, và thậm chí đã thử làm một quả tên lửa từ giấy bạc, khi chơi cùng với hội bạn trong sân nhà.

Do có tố chất kỹ thuật cộng với việc cha mẹ Alexander luôn mong muốn rằng con trai mình sẽ tiếp bước họ trở thành kỹ sư, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, Alexander thi vào Trường đại học Kỹ thuật xây dựng Moscow. Thời điểm đó, ông không hề nghĩ rằng, sự nghiệp của mình về sau sẽ rẽ sang một hướng khác. Trong thời gian học đại học, Alexander học rất giỏi các môn học chuyên ngành và luôn đạt điểm xuất sắc, tuy nhiên lúc rảnh ông vẫn dành thời gian sáng tác kịch bản truyện tranh. Cũng giống như nhiều sinh viên thời đó, sau khi rời giảng đường, ông nhập ngũ để
thực hiện nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc và rèn luyện bản thân. Trong quân ngũ, ông vận dụng tốt kiến thức đã học được từ những năm tháng đại học vào thực tế nhiệm vụ của đơn vị mình. Ông đã rất vui khi chạm được tay vào giấc mơ thuở bé: làm những công việc liên quan đến tên lửa.

Và rồi, tất cả thay đổi sau bước ngoặt quyết định, khi Alexander Kurlyandsky nhận được lời đề nghị từ Mark Rozovsky. Liên Xô (trước đây) không có được ông như một chuyên viên kỹ thuật, nhưng bù lại, nền văn học nghệ thuật Liên Xô nhận được một món quà đích thực: một nhà văn, nhà biên kịch xuất sắc.

Ngày 21-12-2020, khi biết tin ông qua đời, hẳn không ít khán giả mọi thế hệ từng say mê theo dõi những cuộc rượt đuổi vui nhộn giữa sói và thỏ, và từng xem "Hãy đợi đấy!" là một câu cửa miệng, cảm thấy như phải giã từ một người thân…