Ứng dụng khối chuỗi vào quản trị chuỗi cung ứng: Tại sao không?

NDO -

NDĐT - Việc ứng dụng khối chuỗi trong quản trị chuỗi cung ứng hứa hẹn nhiều thay đổi đáng kể, từ tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu sai sót, chống gian lận, lừa đảo đến tăng cường năng lực huy động vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý.

Ứng dụng khối chuỗi vào quản trị chuỗi cung ứng: Tại sao không?

Theo bảng xếp hạng mới nhất về năng lực logistics của Ngân hàng Thế giới (LPI), Việt Nam hiện đang xếp thứ 64 trên thế giới, khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái-lan, Indonesia hay Singapore. Trong khi đó, Bộ Công thương năm 2017 cho biết, Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, và cũng chỉ cung ứng được các phụ tùng thay thế mà chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính.

Cụ thể hơn như trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản sang các nước có hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng cao, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng thực sản phẩm và chất lượng, dẫn đến việc chịu nhiều thiệt hại khi sản phẩm của mình bị đánh đồng với những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng hoặc chất lượng thấp. Ngoài ra, quy trình thu hoạch, lưu trữ, vận chuyển còn phải qua quá nhiều trung gian độc lập, chất lượng, thậm chí khối lượng sản phẩm có thể bị sai lệch, thất thoát mà khó quy trách nhiệm. Khi vượt qua được những rào cản ban đầu đó, doanh nghiệp lại phải đối mặt với giấy tờ thủ tục xuất nhập khẩu, rủi ro tài chính của bên nhập khẩu, hoặc khó khăn trong huy động vốn để tăng quy mô, năng suất.

Thực trạng trên chỉ là một vài minh chứng cho sự rời rạc và thiếu hiệu quả của hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay, không chỉ trong khâu logistics mà còn là khẩu quản lý chất lượng; kiểm định, kiểm duyệt; quản lý dòng tiền và huy động vốn.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát thực hiện bởi công ty kiểm toán nổi tiếng PwC và công ty khởi nghiệp VeChain cho thấy 100% số người được khảo sát tin rằng công nghệ khối chuỗi sẽ rất có ích cho lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng trong tương lai không xa . Niềm tin này chủ yếu dựa trên đặc tính minh bạch, chống làm giả và chống thay đổi của công nghệ khối chuỗi.

Trong bối cảnh như vậy, liệu công nghệ khối chuỗi có phải là một giải pháp cho Việt Nam?

Ứng dụng công nghệ khối chuỗi vào quản lý chuỗi cung ứng

Ứng dụng của khối chuỗi có thể chia làm ba nhóm chính. Thứ nhất là các ứng dụng liên quan đến giao dịch giá trị, thí dụ như tiền mã hoá. Thứ hai là các ứng dụng lưu trữ, quản lý dữ liệu. Và thứ ba là các ứng dụng sử dụng hợp đồng thông minh.

Cả ba nhóm ứng dụng nói trên đều dựa vào đặc tính phân phối, phi tập trung của công nghệ, cho phép cơ sở dữ liệu được kiến tạo, thẩm định và lưu trữ ở nhiều địa điểm cùng một lúc một cách an toàn, bảo mật, và không phụ thuộc vào một hay một vài cá nhân cụ thể. Những đặc tính này, khi kết hợp khéo léo với các công nghệ mã hoá tối tân nhất, có thể biến khối chuỗi thành một cỗ máy “chống làm giả,” cập nhật liên tục sao cho các dữ liệu trên khối chuỗi---giao dịch, sự kiện, hay hợp đồng---được lưu trữ nguyên bản, tức thời và không thể thay đổi được.

Khi công nghệ khối chuỗi được ứng dụng, thí dụ, vào việc quản lý quy trình xuất nhập khẩu nông sản, từ khi hợp đồng được ký kết và việc sản xuất được tiến hành cho đến khi hàng hoá được trao đến tay bên nhập khẩu và tiền được thanh toán, tất cả các giao dịch đều có thể được ghi lại trên khối chuỗi. Nói cách khác, cả ba dòng chảy trong chuỗi cung ứng là chứng từ, hàng hoá và tiền, đều sẽ được thể hiện và kiểm định trên cùng một cơ sở dữ liệu.

Về mặt chứng từ, khi hợp đồng xuất nhập khẩu được khối chuỗi ghi nhận, ngân hàng của bên nhập sẽ lập tức có thông tin chính xác và có thể phát hành ngay thư tín dụng (L/C), được ghi nhận trên khối chuỗi để bên xuất thẩm định. Tương tự, các chứng từ tiếp theo trong quy trình như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương cấp sau khi kiểm tra lô hàng liên quan, vận đơn được phát hành sau khi bên xuất giao hàng cho công ty vận chuyển nội địa và công ty vận chuyển nội địa giao hàng cho công ty vận chuyển quốc tế… đều liên tục được ghi lại trên khối chuỗi, được quan sát, xác nhận và thẩm định bởi tất cả các bên liên quan. Việc này sẽ giúp tăng tính minh bạch trong quá trình giao dịch, giám sát đồng thời cắt giảm thời gian, chi phí, và sự chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, kiểm định giấy tờ thủ tục.

Về mặt hàng hoá, khối chuỗi được hình thành với sự đồng thuận của tất cả các chủ thể đồng nghĩa với việc các chủ thể này xác nhận tính đúng đắn của giao dịch và bảo đảm cả về mặt chủng loại, số lượng, chất lượng của hàng hoá được giao dịch. Nói cách khác, nếu công ty vận chuyển và bên xuất đều đã xác nhận khi hàng hoá được chuyển giao, sự kiện này được lưu lại trên khối chuỗi của tất cả các bên liên quan và sẽ không thể xoá, sửa hay phủ nhận về sau. Tính bất biến của các dữ liệu được lưu trữ công khai trên khối chuỗi cho phép các sự kiện trong chuỗi cung ứng không thể bị chỉnh sửa, trong trường hợp hàng hoá có bất cứ vấn đề gì khi đến tay người tiêu dùng, các bên tham gia chuỗi cung ứng hoàn toàn có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm để xử lý.

Riêng đối với dòng luân chuyển của tiền, có hai vấn đề cần quan tâm

Một là việc ứng dụng hợp đồng thông minh vào chuỗi cung ứng. Hợp đồng giữa người xuất khẩu và nhập khẩu hoàn toàn có thể được mã hoá thành một hợp đồng thông minh lưu trữ trên khối chuỗi, trong đó quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên cũng như những điều kiện cần thoả mãn để việc thanh toán có thể được thực hiện. Khi hàng hoá được giao đến nơi, với đầy đủ các chứng từ cần thiết, việc thanh toán sẽ tự động được diễn ra thông qua hợp đồng thông minh này.

Hai là ứng dụng của khối chuỗi khi năng lực tài chính của bên xuất khẩu còn hạn chế. Chẳng hạn, khi tham gia các thị trường lớn như Mỹ hoặc Australia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận đơn đặt hàng với quy mô tăng lên gấp 10, thậm chí 100 lần trong thời gian rất ngắn. Để tránh phụ thuộc vào các định chế tài chính trung gian với chi phí cao, các doanh nghiệp có thể kêu gọi vốn thông qua phát hành “tokens" gắn trực tiếp với giá trị hợp đồng xuất khẩu qua công nghệ khối chuỗi (ICO - chào bán tài sản số hoá lần đầu). Các nhà đầu tư qua đó sẽ trực tiếp cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhận lãi ngay khi giao dịch chuỗi cung ứng kết thúc thông qua ứng dụng hợp đồng thông minh.

Như vậy, việc ứng dụng khối chuỗi trong quản trị chuỗi cung ứng hứa hẹn nhiều thay đổi đáng kể, từ tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu sai sót, chống gian lận, lừa đảo đến tăng cường năng lực huy động vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát nói trên của PwC và VeChain , điều mà khối doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là tương lai không chắc chắn của các quy định, chính sách liên quan đến công nghệ tiên tiến nhưng còn khá khó hiểu này. Lo ngại này cũng lý giải cho việc các doanh nghiệp trên thế giới vẫn còn rụt rè trong đầu tư, phát triển các ứng dụng của khối chuỗi.

Liệu chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội để vươn lên?

Vấn đề quản lý đối với tiền ảo và khối chuỗi tại Việt Nam