Tiềm ẩn nhiều bất ổn đe dọa kinh tế Cà Mau

NDO -

NDĐT - Căn cứ vào số liệu thì hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau trong chín tháng đầu năm 2019 đều đạt và vượt. Nhưng trong cái được đó vẫn còn tiềm ẩn một số bất ổn, cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ.

Sạt lở ven biển đe dọa đời sống và sản xuất của người dân Cà Mau.
Sạt lở ven biển đe dọa đời sống và sản xuất của người dân Cà Mau.

Ngày 3-10, báo cáo tại Hội nghị Tỉnh ủy Cà Mau lần thứ 23 (khóa XV) về kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ chín tháng năm 2019 cho thấy, tổng thu ngân sách của tỉnh Cà Mau trong chín tháng đầu năm được 4.197 tỷ đồng, đạt 91,9% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ.

Nhìn vào con số nêu trên có thể thấy, thu ngân sách chín tháng của tỉnh gần đạt chỉ tiêu cả năm. Các nguồn thu đạt và vượt tập trung chủ yếu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (396%), thu từ doanh nghiệp nhà nước T.Ư (110,4%). Trong khi đó, nguồn thu từ doanh nghiệp địa phương chỉ đạt 73%. Cá biệt, trong 3/17 nguồn thu đạt thấp có nguồn thu từ công - thương nghiệp ngoài quốc doanh, chỉ đạt 64,6%. Điều này cho thấy, nguồn thu từ nội lực của tỉnh đang gặp khó và có vấn đề, thể hiện sự suy yếu “sức khỏe” kinh tế trong dân và doanh nghiệp địa phương.

Bất ổn thứ hai là ngành thủy sản, một trong những đầu tàu, mũi nhọn về kinh tế của tỉnh Cà Mau. Cụ thể, tổng sản lượng tôm của tỉnh chín tháng được 135.800 tấn, đạt 69,3% kế hoạch, tăng 6,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn rủi ro khi trong số hơn 9.400 ha chỉ có 53% diện tích hộ dân thả nuôi. Nghĩa là, còn gần 50% hộ dân chưa thả nuôi vì nhiều lý do, trong đó có việc thất bát mùa vụ phải tạm ngưng hoặc treo ao. Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó khi tổng kim ngạch xuất khẩu mới được 655 triệu USD, đạt gần 56% so kế hoạch và giảm tới 3,4% so cùng kỳ. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh có dấu hiệu suy giảm. Vì thế, nhiều khả năng chỉ tiêu cán mốc hơn một tỷ USD về xuất khẩu của tỉnh sẽ khó đạt vào cuối năm 2019.

Lo ngại về kim ngạch xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi (Cà Mau) Nguyễn Thanh Luận, phân tích, khi đầu ra không giải quyết được sẽ ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến đời sống của người dân. Cùng với đó, nợ xấu hiện nay còn quá cao đến 8,3%, tăng 3,6% so cùng kỳ là tình trạng vô cùng lo ngại. “Nợ xấu cao tức phản ảnh thực trạng người đi vay vốn làm ăn không hiệu, mà thực tế là từ đầu năm đến nay, dù có 339 doanh nghiệp được thành lập mới nhưng đã có 230 doanh nghiệp tự nguyện giải thể và tạm ngừng hoạt động”, ông Luận chia sẻ.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải chỉ ra một số bất ổn khác, đã và đang tác động bất lợi đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới được 1.425 tỷ đồng (đạt 48,7% so kế hoạch); một số bệnh truyền nhiễm trên người như tăng cao so cùng kỳ; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, xây dựng nông thôn mới đạt thấp khi mới có 30/82 xã được công nhận (tỷ lệ 36,6%) so tổng số xã của tỉnh.

Một trong những quan ngại hàng đầu của Cà Mau hiện nay là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay, lốc xoáy đã làm sập 275 căn nhà, một trường học, hai cổng chào và một trụ ăng-ten, tốc mái 1.296 căn nhà, ba trường học; mưa lớn làm ngập úng 3.555 ha lúa, hoa màu; triều cường làm vỡ 164m bờ bao, ngập 2.389 căn nhà, ba trường học, 11.497m đường và bờ bao, ảnh hưởng 149 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, sạt lở đất ven sông với chiều dài 3.591m làm thiệt hại 62 căn nhà và một kho vật liệu xây dựng.

Ngoài những thiệt hại đã xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tuyến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh hiện còn bốn đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 2.100m và đang tiếp tục sạt lở thêm, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đê. Trong khi đó, ven biển Đông (chưa xây dựng được đê biển) và nhiều khu vực ven sông tình hình sạt lở hết sức phức tạp và nguy hiểm, buộc tỉnh phải ban bố tình huống khẩn cấp, với tổng chiều dài gần 28.000m. Đây cũng là lần thứ hai trong mùa mưa bão năm 2019, tỉnh Cà Mau ban bố tình huống xử lý khẩn cấp về tình hình sạt lở ven biển.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Dương Thanh Bình nhấn mạnh, mặc dù kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn ổn định và có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế cần được khắc phục, nhất là kim ngạch xuất khẩu, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm, xây dựng nông thôn mới nhiều nơi chưa quyết liệt, quản lý đất đai và công tác quản lý quy hoạch nhiều nơi còn hạn chế;….

Tháo gỡ những khó khăn đã và đang tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền, các sở, ngành và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo và phải có giải pháp cụ thể trong chỉ đạo phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh; phải khôi phục lại chăn nuôi, nhất là đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; có các giải pháp căn cơ nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là triều cường, sạt lở, và làm có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực.

Cùng với đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tập trung quản lý có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, có giải pháp cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh cũng như thu hút đầu tư.

Tiềm ẩn nhiều bất ổn đe dọa kinh tế Cà Mau ảnh 1

Nuôi tôm công nghiệp Cà Mau tiềm ẩn rủi ro và bất ổn.

Tiềm ẩn nhiều bất ổn đe dọa kinh tế Cà Mau ảnh 2

Sạt lở ven biển đe dọa đời sống và sản xuất của người dân Cà Mau.

* Sóc Trăng, Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển

* Cà Mau cấp bách xử lý sạt lở đê biển Tây

* Nỗi lo từ tuyến đê biển Cà Mau