Bài 2: Cần hệ thống tài chính đầy đủ, không cứng nhắc (Tiếp theo và hết)

NDO -

NDĐT - Chuyên gia tài chính Nguyễn Xuân Hải, Đại học Trung hoa của Hồng Công cho rằng, việc xây dựng hệ thống tài chính đầy đủ không thể đi theo hướng cứng nhắc, liệt kê thành phần và sản phẩm, mà phải trên nguyên tắc thông thoáng, tôn trọng thị trường và đẩy mạnh tính cạnh tranh, khả năng cạnh tranh.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Xuân Hải, Đại học Trung hoa của Hồng Công.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Xuân Hải, Đại học Trung hoa của Hồng Công.

* Bài 1: Giải bài toán vốn cho kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ

lĐánh giá hệ thống tài chính của Việt Nam

Trong những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2016 của tổng tài sản hệ thống tài chính ước đạt 15%/năm. Năm 2016, tổng tài sản hệ thống tài chính đạt khoảng 407 tỷ USD, ước tăng 18% so với cuối năm 2015 và tương đương khoảng 188% GDP.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính của Việt Nam nhìn chung còn yếu kém. Theo nghiên cứu của Katsiaryna Svirydzenka (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), Việt Nam đứng thứ 95 trên thế giới về độ phát triển của hệ thống nói chung; đứng thứ 76 về độ phát triển của thị trường; và thứ 96 về độ phát triển của các định chế tài chính. Trong cùng bảng xếp hạng, Việt Nam xếp sau hầu hết các nước trong khu vực, bao gồm Thailand, Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc.

Lý giải sự yếu kém này, TS. Nguyễn Xuân Hải cho rằng: Thứ nhất, về các định chế tài chính, hệ thống hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong tổng tài sản tài chính của hệ thống, các TCTD chiếm tới 96,2%. Các doanh nghiệp bảo hiểm và công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ chiếm lần lượt 2,8% và 1%. Với cơ cấu tài sản như vậy, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, về mặt thị trường, hệ thống đã có sự góp mặt của thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán (bao gồm cả chứng khoán phái sinh) và thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các thị trường phát triển không đồng đều, không tạo nên một môi trường cạnh tranh tổng quan về vốn. Thí dụ như tính đến 2016, tổng giá trị vốn hoá của thị trường cổ phiếu đã lên tới 40% GDP, trong khi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới ở mức 4%.

Hơn thế nữa trong bảng xếp hạng gần nhất (tháng 6/2017) của MSCI, thị trường chứng khoán của Việt Nam không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí để vào danh sách các thị trường mới nổi (cùng bảng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Philippines, Đài Loan và Thái-lan), và vì vậy tiếp tục nằm trong danh sách thị trường cận biên, cùng bảng với Bangladesh và Sri Lanka. Mức độ tự do hoá tài khoản vốn thấp, sản phẩm đơn giản, thiếu sự góp mặt của các sản phẩm phái sinh phổ biến cũng góp phần làm giảm hiệu quả và khiến thị trường không thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, hệ thống tài chính Việt Nam còn chưa bảo đảm một chức năng cơ bản, đó là giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan tới bất cân xứng thông tin, vốn dĩ luôn tồn tại trong quá trình huy động và sử dụng vốn. Sự thiếu vắng các công ty tài chính lớn, chuyên nghiệp, tầm cỡ quốc tế chuyên về nghiên cứu, tư vấn và cung cấp các giải pháp tài chính là một thí dụ điển hình. Ngoài ra, hệ thống cũng cần sự góp mặt của các công ty chuyên đánh giá, phân tích và xếp hạng các sản phẩm, các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Như vậy, có thể thấy hiện nay hệ thống tài chính Việt Nam phát triển còn chưa đồng đều, chưa đầy đủ, và chưa có sự kết nối sâu sắc với các hệ thống tài chính trong khu vực và trên thế giới.

Cần một thị trường tài chính đầy đủ để huy động vốn hiệu quả

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, với sự vận động không ngừng nghỉ của các thị trường và định chế tài chính, việc xác định điều kiện đủ cho một hệ thống đầy đủ là bất khả thi. Nhìn theo một khía cạnh khác, các quỹ đầu tư tương hỗ thị trường tiền tệ đã không tồn tại cho đến tận những năm 1960-70, nhưng hiện nay tổng vốn trên thị trường Mỹ đã lên tới khoảng 3 nghìn tỷ USD ; các công ty đầu tư mạo hiểm chỉ thực sự phát triển từ những năm 1990, đến nay huy động khoảng 28 tỷ USD một năm cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, thị trường Việt Nam tuy đã bao gồm rất nhiều thành phần và rất nhiều sản phẩm, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các định chế tài chính và sản phẩm tài chính như đã đề cập ở trên.

Như vậy, việc xây dựng hệ thống tài chính đầy đủ không thể đi theo hướng cứng nhắc, liệt kê thành phần và sản phẩm, mà phải trên nguyên tắc thông thoáng, tôn trọng thị trường và đẩy mạnh tính cạnh tranh, khả năng cạnh tranh.

Theo nguyên tắc trên, một hệ thống tài chính đầy đủ cần có các yếu tố sau:

Một, sự góp mặt đầy đủ của các định chế và thị trường tài chính (Hình 1), bao gồm các trung gian tài chính ngân hàng (ngân hàng thương mại và các TCTD khác), các trung gian tài chính phi ngân hàng (công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm), thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ.

Hai, sự cạnh tranh mạnh mẽ trong nội bộ từng nhóm thành phần, bảo đảm không độc quyền, hiệu quả, dễ tiếp cận và có độ sâu tài chính.

Ba, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhóm thành phần. Nói một cách khác, khả năng huy động vốn của các thành phần về cơ bản phải tương đồng, có hiệu quả, khả năng tiếp cận và độ sâu tài chính tương đương nhau, trong khi vẫn duy trì được những thế mạnh đặc thù riêng.

Bốn, sự kết nối, tương tác chặt chẽ với các nhóm thành phần tương đương trong khu vực và quốc tế.

Năm, sự chuẩn hoá về tri thức và thông tin tài chính, tạo cơ sở thống nhất, rõ ràng cho các bên phân tích, đánh giá và thực hiện quyết định tài chính.

Vì vậy, TS. Nguyễn Xuân Hải cho rằng, các chính sách hướng tới thị trường tài chính đầy đủ, gồm: Hệ thống hoá khung pháp lý tài chính, liên quan đến hoạt động tài chính, nhằm cung cấp cho thị trường một môi trường pháp lý rõ ràng;

Cải cách khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm loại bỏ toàn bộ những chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và lỗ hổng về luật, hướng tới một môi trường pháp lý đơn giản, có tính bao trùm rộng nhưng không đi vào những quy định, quy chế rườm rà, chi tiết;

Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả các thủ tục về thành lập, hoạt động, giải thể và phá sản cho các định chế tài chính;

Ban hành các quy định rõ ràng, chi tiết về việc công khai thông tin tài chính, nâng cao tiêu chuẩn và độ thường xuyên của các báo cáo tài chính;
Đầu tư xây dựng một trung tâm tài chính với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin đẳng cấp quốc tế, ưu tiên thu hút các định chế tài chính phi ngân hàng nước ngoài tham gia đặt trụ sở;

Đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo tài chính tầm quốc tế.

Đầu tư tổ chức các hội thảo tài chính quốc tế thường xuyên, kết nối các định chế tài chính trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, và các định chế tài chính nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

TS. Nguyễn Xuân Hải kết luận: Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thị trường tài chính đầy đủ ở Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM là một điều cấp thiết. Có một thị trường tài chính đầy đủ là điều thiết yếu trong việc khai thông các nguồn tài chính trong nước và quốc tế, từ đó có thể huy động vốn hiệu quả hơn cho phát triển hạ tầng ở vùng ĐNB, tạo dựng mối liên kết vùng, hướng tới hoàn thiện không gian kinh tế tổng quan, thống nhất cho toàn vùng.