Nuốt sách - Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THỌ

Bấy giờ Nguyễn Ánh vừa diệt được Tây Sơn, đóng đô tại Huế. Ðất nước liền bờ cõi, không còn chiến tranh triền miên như trước, nhưng tại Bắc Hà, đám sĩ phu kẻ lưu luyến nhà Lê, người tiếc Tây Sơn, kẻ thờ vua mới là Nguyễn Ánh. Vì thế có người bảo "Ðất nước yên bình nhưng tâm thức bất yên".

Mỗ Tương, thời xa xôi trước đó, đám tùy tướng của chúa Trịnh đánh đàng trong có mang về xóm Vạc hơn chục tù nhân. Trong số đó, có kỳ nữ gốc gác hoàng tộc. Dung nhan mặn mà, đàn hay múa giỏi, nhưng khuôn mặt khi nào cũng ủ dột sầu não. Làng có ba họ lớn Trịnh, Nguyễn  và Hoàng.

Năm nọ, có con trâu điên lồng trên cánh đồng, suýt húc chết người họ Trịnh. Một gã nông phu họ Nguyễn dũng cảm, vác bắp cầy liều thân đón đầu, quật bừa mấy cái, hạ được trâu. Ðể trả ơn, nhà Trịnh bèn cho không gã lực điền nữ nhân kia. Ba năm sau, sinh được một bé trai. Tên Huy đệm là Phất. Họ Nguyễn trong làng Mỗ vốn không có thanh thế, muốn con có chữ, bèn sắm lễ, tới miếu Nguyễn Bổi trong làng Mỗ, cầu xin rất khẩn thiết. Canh năm, mộng thấy có người lay dậy, chỉ mặt nói: "Ông sinh con tinh hổ. Môi dày. Quầng mắt thâm. Bản ngã thông minh, sau có danh tiếng, nhưng là danh tiếng của loài cầm thú". Cha Phất Huy nghe vậy buồn lắm, nhưng vẫn cố cho Huy lên Thăng Long ăn học.

Phất Huy tới tam thập vẫn chưa làm được trò trống gì. Thân phận nhiều khi phải phiêu dạt. Ðược cái chịu khó, chẳng từ nan việc nào, miễn có tiền để sống. Thậm chí lúc sa cơ, nhập bọn với lũ thảo khấu, liều thân buôn lậu qua biên giới. Có lúc lại thay lốt, dạy trẻ trâu, kiếm ăn qua ngày. Tới tứ thập, Huy vẫn là thường dân. Buồn là không biết vận chưa tới, Phất Huy lòng đầy trắc ẩn, ấm ức, oán khí tiết hết cả ra mặt. Vì vậy khuôn mặt y vốn thô, quê mùa, tù hãm, nay lại thêm hai quầng mắt xám, khô lạnh, nom càng nặng nề, âm u.

Bấy giờ, chính sách của nhà Nguyễn chú ý tới đàng trong nên đời sống dân Bắc Hà, sau nhiều cuộc chiến triền miên, rất thảm hại, kể cả đám quân sĩ từng có công đánh dẹp nhà Tây Sơn.

Phất Huy gần ngũ thập, tìm về Thăng Long. Thân cô thế cô, y muốn giao du với đám văn sĩ mà chưa có dịp. Bấy giờ, ở nam Thăng Long bọn Ngọc Chung Tử, Ðặng Ân, Thụ Nguyễn, Thụy Vũ, Thị Anh... là đám văn nhân thường hay tụ họp đàm đạo văn thơ, vui vẻ lắm. Một dịp quen với Ðặng, Phất Huy ngỏ lời muốn nhập bọn. Biết y là kẻ mới lập bập về Thăng Long, lạ nước lạ cái, Ðặng vốn nhân từ, vui vẻ nhận lời tiến dẫn. Một thời lam lũ, đa phần bè bạn là đám giang hồ, hạ đẳng, Phất Huy không tường luật lệ giao du với đám tao nhân mặc khách, y hỏi, thưa tiên sinh, em ra mắt, mang gì tới? Ðặng nghĩ, Huy nghèo. Bảo, bọn này đủ rượu nhạt, mang lòng đến với nhau là đủ. Về nhà, Phất Huy nằm nghĩ, cho rằng, thời thóc cao gạo kém, chắc bọn họ cũng đói, bọn sĩ phu khách khí hay nói vậy, chắc thử rộng hẹp lòng mình. Nhỏm phắt dậy, dắt mấy tiền cạp quần, ra chợ. Y tính, sáu người, thể nào có kẻ cũng mang rượu, thịt, lòng, tiết tới, ngày đầu mình không nên bủn xỉn. Mua một chân giò lớn, nặng ba cân, về vườn nhà thui đen, cẩn thận bọc lá chuối.

Ðúng hẹn, Huy đến. Thấy cả bọn đã tới từ trước, đang uống rượu bình thơ. Phất Huy thi lễ xong, rút phắt chân giò thui từ túi vải nhầu nhĩ, quệt mồ hôi hột, đặt xuống chiếu. Ðám văn sĩ nói trên vốn là người tứ xứ, nhưng về Thăng Long đã lâu, dẫu có đói cũng chẳng ai nghĩ, sự ra mắt của Huy quá thực tế tới tầm thường là vậy, đều trợn mắt, lè lưỡi. Ðể tỏ lịch thiệp, Ðặng mời Huy an tọa, khen chân giò béo. Vốn nhạy cảm, Huy hiểu ánh mắt của người. Nghĩ, mình bị chê mọi rợ quê mùa. Ngượng lắm. Giận vẫn cố cười. Từ đó y nuôi thêm mối ấm ức, căm hờn phải nén.

Sống ở Thăng Long vài năm, giao du với đủ hạng văn nhân, lại ngậm hờn bấy nay, y suy nghĩ nhiều đêm, lao tâm khổ tứ, mọi sự dồn kết để vào đúng Tết Nguyên đán năm ấy, Huy phát tiết viết thông chín khúc luận nhiều việc ở thiên hạ.

Văn Phất Huy có giọng riêng, sắc lạ, chẳng giống ai bấy nay trong đám văn nhân Bắc Hà. Những chuyện y bàn trong chín khúc, mang sự suy ngẫm, nung nấu rất riêng về cảnh và đời, xưa và nay, nhân tình thế thái, đặc biệt là cái hư hỏng của người. Sĩ phu Thăng Long bấy nay khiếp nhược trước sự trả thù của nhà Nguyễn với bầy tôi của Nguyễn Huệ, vốn hay suy diễn, giờ có người nói hộ lòng mình nên văn Huy được nhiều kẻ hiếu sự tò mò. Cũng có người xét nét nói, văn Phất Huy kiêu bạc, lạnh lùng, thiếu cái bao dung, nhân ái của văn nhân. Quả vậy, văn y ý tứ sắc nhọn, song hồn vía toát lạnh, bàn tới người mà như con hổ bình thản rau ráu nhai xương, nuốt thịt, uống máu, con rắn cạp nia trợn mắt nuốt gọn con vật trên cỏ xanh. Ðôi khi, thấy như y sau câu văn, cười man dại, sờ, nắn, vạch, bóp, ỉa đái, v.v. tự nhiên, chẳng kiêng kị những dung tục tầm thường, đặt cả lên giấy trắng, gây bàn ra tán vào. Thiên hạ đa sự, Phất Huy nổi tiếng khắp Thăng Long bấy giờ.

Từ vô danh tới hữu danh chỉ là khoảnh khắc ngắn, Huy thoắt thấy mình như đệ nhất thiên hạ, thêm kiêu ngạo, dần chả coi ai ra gì. Ngay đối với bạn bè thủa hàn vi, các danh sĩ Thăng Long như thi sĩ Ngọc Chung Tử, văn gia Ngô Bội, là hai kẻ từng quảng bá văn Huy, giúp y giao du trong đám văn chương khắp Thăng Long, cũng bị y gọi là đứa, là thằng; vắng mặt tỏ lời khinh bỉ, sáp mặt lại lạnh lùng như chưa từng gặp gỡ.

Sau chín khúc ấy, Phất Huy có viết thêm dăm cuốn sách nữa, không tự biết bút lực đã cạn. Những sở đoản của y hay dùng như đối thoại, ngôn từ sắc gọn, ẩn dụ khéo léo, hàm ý sâu sắc, giờ mang nhai lại, không được như xưa. Văn y, khéo ở sự chửi xéo thiên hạ, mà lời cay độc vốn là sở đoản, tuyệt kỹ, giờ dùng nữa, nghe nhiều thấy tầm thường. Thói quê, ngay ở chợ, chửi mãi, lại thiếu cái ý vị, thâm sâu, thừa tục tĩu... nghe nhiều thành nhàm chán, nhạt nhẽo.

Biết vậy, Phất Huy trở bút, bàn đủ thứ trên đời. Khốn nạn thay, trời chỉ cho y chín khúc, nay ham muốn nặng sâu, càng viết càng phô bày kiến văn nông cạn, kiến thức hẹp hòi. Các chiêu thức, xảo thuật mù mờ, lập lờ, hai mặt, vốn dung dọa được dăm kẻ đa sự, giờ đây chỉ gây chút bực mình cho người chẳng muốn rác tai. Có người ôm bụng cười khi thấy rõ y tham vọng không cùng mà hay lạm bàn tới phật đạo, v.v.

Biết mình cô độc trong đám văn nhân, Huy cố tập hợp vài kẻ quanh mình, chẳng kể bọn lục lâm thảo khấu, giang hồ, lưu manh, lại có đứa chuyên vay nặng lãi, gây thanh thế. Có kẻ bày y làm quán Tửu hoa văn đài  thu nạp đệ tử. Quán mở ra được ba bốn năm, cũng nhiều kẻ hiếu kỳ mò tới. Y phất, mua cỗ xe tứ mã. Trong quán, các món chó, gà, dê, lợn đều sẵn; đôi khi có món lẩu thập cẩm đặc biệt, gọi là khẩu tục nhục bản năng, bán đắt gấp ba bốn lần theo giá thường nên khách khứa cũng thưa thớt dần. Hết tò mò, chẳng còn ai lui tới nữa. Tửu hoa văn đài hoang phế, thành nơi chó ỉa, mèo đái.

Năm nọ, Thăng Long có hội thả diều thơ ở Vân Các. Phất Huy vốn chẳng biết làm thơ, nhưng cũng mò tới. Thú chơi thơ vốn là thú chơi tao nhã được người Bắc Hà rất trọng. Thơ thiên hạ nhiều cung bậc, có cao và thấp. Tới hội, Phất Huy lớn tiếng luận về thơ phú, một mặt đem thơ đám tay chân, thân tín ca ngợi hết lời, một mặt vơ đũa cả nắm đám thi nhân, không kể cao thấp, xa, gần, già, trẻ, lớn tiếng chê bai, coi họ như phân rác. Nhiều người biết y có tài châm chọc, lời lẽ đanh ác, đều tránh. Phất Huy trơ trọi trong đám hội, muốn sự chú ý của người đời, tỏ ra chẳng sợ ai, như tự ám thị các nhân vật y đã phóng tác, giả say, gạt đổ các bình hoa Thủy tiên, các bậc trưởng lão thường bày cho thanh tao trong lễ hội, xuống đất, rồi vạch quần đái tồ tồ vào đống hoa giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong đám tới thả thơ năm ấy, có người dáng đậm, kiểu quê mùa, thấy nghịch cảnh, bèn tới bên chỉ mặt, cất lời mắng Huy. Ðiệu bộ nhẩn nha, nhưng lời lẽ tao nhã, ý lý rạch ròi, phân minh, phê phán toàn bộ văn chương lẫn hành vi bấy nay của Huy. Y ngượng lắm, vì từ xưa chưa có ai luận hạch về y rành mạch, đen trắng tới vậy. Y tím tái, uất kết như có cục đá chặn ngang cổ. Ðám tay chân của Huy muốn bênh, kẻ nắm tay, đứa phùng mang trợn mắt toan xông lại. Từ trong đám đông dân chúng có người xưng là khách thơ, tự nhiên đến đứng bên gã nhà quê, trừng mắt lửa. Huy thấy vậy, bối rối, đám tay chân cũng chùn tay. Trong đám văn nhân, có lão già đã rụng hết răng, họ Hoàng, xưa vốn được nhiều người tôn trọng, nay vừa được y mời chén rượu lạt ở đầu hội, chả nghe, không biết việc xảy ra sao, thấy cả bọn Huy lúng túng bèn nhảy lên bênh vớt, nói bừa một câu: "Thôi về đi. Chấp gì bọn lợn cỏ bẩn thỉu".

Bị lên án giữa thanh thiên bạch nhật, kẻ phê lại chính danh, xưng rõ họ tên tuổi tác, quê quán, nên Huy căm lắm. Về nhà, cả tháng trằn trọc không ngủ, viết một đoản văn mấy nghìn chữ, đối đáp lại việc ở sân thả thơ. Biết tài mình không thể át được lý lẽ của người kia, Huy một mặt khen vờ mấy dòng, mặt khác trở trò vu cáo, bịa đặt nhân thân hai người trên, lấy hình hài của người mà chê bai, bỉ thử, lại bôi thêm, đặt vài hư chuyện. Xong, y cho người phát tán khắp nơi. Việc tới tai nhiều người, có kẻ nói, thương thay cho Phất Huy, mơ ước làm đại nhân mà như đứa chơi bi đánh đáo.

Năm Phất Huy đã già, thường lảm nhảm nhiều câu vô nghĩa một mình. Tự cảm thấy cô độc. Có người mách nên về làng nằm mộng bên miếu Ông Bổi (1) sẽ biết hậu vận, tiền vận lành dữ thế nào. Vốn chẳng tin ai, nhưng tính toán thấy cũng không tốn kém lắm. Y về làng, tắm gội, bỏ ít bạc lẻ mua dăm bộ sách mới, vác chiếu tới miếu Ông Bổi chờ mộng. Nằm hai đêm chưa thấy linh ứng; tới đêm thứ ba, về khuya, đã mệt mỏi, đang thiêm thiếp ngoài thềm thấy có người tới lay dậy, dẫn vào trong miếu. Chợt xênh nhạc vang lừng. Từng chồng sách người đời dâng cúng đang cháy đượm trong lò hóa. Có tiểu nữ từ hậu cung ra, tay hoa bê rượu, đổ tro sách lắc đều, đoạn rót rượu ra mấy chén lớn. Ba bốn vị trên tòa tự nhiên cạn uống rồi đàm luận từng câu từng lời trong sách của thiên hạ tiến mà không sai một chữ.

Thấy thế, Huy sợ lắm, nhưng vẫn khấp khởi, trộm nghĩ, bấy nay, mình bị chê là kiến thức lỗ mỗ. Giá biết thuật này? Thầm đoán, chắc họ dùng loại rượu đặc biệt, bèn dập đầu lạy, xin một chén. Ba bốn vị trên điện thấy thế cười lớn rồi cũng sai thị nữ rót rượu ban cho y. Y đón rượu, uống. Miệng chén chưa rời môi đã thấy bụng đau quặn. Kịp chạy vội ra ngoài miếu nôn thốc tháo. Ba người trên cao cười ha hả. Người râu dài ngồi giữa, như bức ảnh truyền thần Nguyễn Bổi treo chính giữa ban thờ, bấy giờ nghiêm sắc mặt cất lời:

- Duyên trời cho bọn ta gặp ngươi chốn này. Phép ấy chỉ dùng cho bậc thượng thừa, chính nhân, không chỉ đọc vạn sách mà phải có chân tu, trải đủ, thấu mọi kiếp khổ nạn, biết cái đau của thiên hạ, biết nỗi vui của trăm nhà... nhận đủ uy khí trời đất nước Nam này. Ngươi tinh hổ, cậy có chút tài mọn trời cho mà không tự biết mình, chỉ gầm ghè cắn người, bất kể cả bạn cũ, kẻ ân nghĩa với ngươi tới khi sắp chết cũng bị ngươi bỉ báng, coi họ như ruồi muỗi nhặng xị... Tư chất ấy chỉ của loài cầm thú, không bao giờ có bạn bè đồng loại. Thấy người phê phán mình thì chơi trò vu khống bịa tạc. Ðấy đâu là quân tử chính nhân? Thích nói tới Phật mà không thấu lời Phật dạy, trước không tự hiểu mình, sau là càn rỡ, rặt lời bệnh hoạn ma quỷ, vậy là chỉ đọc mà không học. Như loài vẹt kia, có ăn cao lương mỹ vị, đào tiên vườn Vương Mẫu cũng chỉ ỉa ra cứt xanh. Tâm khí sinh từ lục phủ ngũ tạng. Lòng dạ ngươi tăm tối, tức lục phủ ngũ tạng hỏng hết, sao tiêu được tro sách như bọn ta được. Thôi về!

Dứt lời, tất cả biến hết.

Huy thấy mình nằm tơ hơ trên sàn gạch lạnh. Nhìn ra ngoài, bãi cỏ y vừa nôn ra mật xanh mật vàng đã cháy xém, táp đen, bốc mùi tanh hôi không ngửi được. Hoảng sợ chạy về nhà ốm liệt, suốt ngày đêm chỉ uống nước mà nằm nôn ra rớt dãi xanh đen, tanh tưởi đến chó đói cũng không dám gần, có chót ngửi phải, chạy tứ tán mất tăm.

Vài bữa nữa, chất nôn ra nhạt dần tới lúc sắc trong lại thì thấy sảng khoái. Bệnh vài ngày sau tự lui, trở lại bình thường. Càng về già, y càng cô độc. Thảng có ai tới thăm, tỏ ra bất cần nhưng đêm tối vẫn ngửa mặt lên trời, than sinh bất phùng thời.

Về già, y lui về vườn cũ, nơi tổ tông để lại. Biết phận câm lời! Từ đó tự thấy nhàn thân. Không viết gì nữa.

Năm cùng tháng tận, Huy không ốm mà chết. Người nhà theo lời dặn đem xác thiêu. Lửa khét hai ngày, mùi hôi tanh tỏa ra ám cả một vùng. Lửa tắt, thấy trong đám đất dưới dàn thiêu có khối kết rắn như đá, nom tựa hình đầu hổ nhe răng, trợn mắt chực cắn xé ai. Người nhà cho là điềm xấu, đem chôn gần đám đất gần miếu. Vài ngày có trận mưa lớn, đầu hổ trồi lên, chó mèo thảng qua đều tránh. Dân làng thấy vậy, bèn rê đặt khối đá ấy đặt ngoài cửa miếu thay cho chó đá giữ cửa.

Mấy miếng đất xưa nơi Huy nôn xuống, trồng cây gì cũng không mọc, nuôi chó mèo nơi đấy đều chết. Thảng có ở gần thì cả chó với người đều gầy yếu xác xơ. Nay vẫn vậy.

Ngọc Hà - Xuân Bính Tuất

NVT