Đường tới thành Thăng Long : Ba lần duyệt, cắt … vẫn không ổn

NDO - NDĐT - Hơn một tuần nay, thông tin bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ được phát sóng vào khung giờ vàng của kênh VTV3 (21 giờ) phim Việt bắt đầu từ ngày 30-6 tới đã khiến dư luận phản ứng. Được biết, trong cuộc họp sáng 6-6, VTV vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có phát sóng bộ phim này hay không.

Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có ba bộ phim truyền hình được giới thiệu, gồm : Huyền sử thiên đô, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long và Thái sư Trần Thủ Độ. Ở những cuộc họp báo giới thiệu ngày khởi quay những bộ phim này (đều trước thời điểm diễn ra Đại lễ-tức tháng 10), thì các nhà sản xuất đều hứa hẹn phim sẽ công chiếu đúng dịp những ngày diễn ra Đại lễ.

Tuy nhiên, trong cả ba bộ phim có những “hứa hẹn” đó đều lỡ hẹn. Duy nhất có Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long (dài 19 tập) là bộ phim “chạy” kịp tiến độ - tức hoàn thành xong trước dịp Hà Nội kỷ niệm. Nhưng ngay khi đoạn clip ngắn giới thiệu phim (đang chờ Hội đồng duyệt) thì đã nhận được những phản ứng mạnh mẽ của khán giả, cũng như người làm điện ảnh, rằng phim không thuần Việt. Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mở rộng (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập) đã tổ chức thẩm định lại bộ phim này tới lần thứ hai. Nhưng cuối cùng Hội đồng Duyệt phim đã kiến nghị không phát sóng bộ phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kèm lời khuyến cáo : Đài truyền hình nào phát sóng thì tự chịu trách nhiệm với công chúng về chất lượng của bộ phim.

13045.jpg

Trang phục của vua trong phim Đường tới thành Thăng Long

Ngay khi mới triển khai, dự án phim này đã gây chú ý bởi tính nhạy cảm của nó. Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long với nhân vật chính là vua Lý Công Uẩn, người đã có công dời đô đến Thăng Long. Diễn viên chính đều là người Việt Nam nhưng phim lại được thực hiện phần lớn tại trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc với sự tham gia của một đạo diễn Trung Quốc. Bối cảnh, các công trình kiến trúc xuất hiện trong phim, phục trang của các nhân vật chính, tạo hình diễn viên quần chúng... tuy mới chỉ được công bố qua ảnh, nhưng đã gây ra phản ứng trong công chúng bởi rất không thuần Việt, nếu không muốn nói là quá đậm chất Trung Quốc.

Bộ phim được Hội đồng Cục điện ảnh đánh giá là đã cố gắng bám sát các mốc lịch sử quan trọng và tái hiện được một phần lịch sử từ thời Đinh - Tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Hội đồng duyệt cho rằng các nhà làm phim đã cố gắng xây dựng được một bộ phim có tính chuyên nghiệp cao, tạo được sự hấp dẫn cho người xem, dàn diễn viên thể hiện khá tốt ở tất cả các tuyến nhân vật. Tuy nhiên, phần lớn các cảnh quay phim được thực hiện tại Trung Quốc nên có thể gây cho người xem dễ có cảm nhận đây là một bộ phim truyện truyền hình Trung Quốc. Mặt khác, tuy tên bộ phim là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long nhưng chỉ có 1-2 tập phim đề cập chủ đề này, số còn lại phản ánh cuộc tranh giành quyền lực trong các triều đại. Nhiều cảnh chém giết nhau được mô tả khá kỹ…

Gần một năm không được phát sóng vì dư luận không đồng tình, mới đây Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được thông báo sẽ lên sóng VTV3 vào 21 giờ ngày 30-6, đã gây không ít băn khoăn. Bởi khung giờ này đang trình chiếu bộ phim cũng về vị vua Lý Công Uẩn - Huyền sử thiên đô - khi phim này đến thời điểm đó mới chiếu được đến tập thứ 20 trong tổng số 42 tập đã làm xong (phim dự kiến 70 tập). Sự việc này đã gây bức xúc cho khán giả và nhà sản xuất Huyền sử thiên đô.

Trước khi những bộ phim về Thăng Long - Hà Nội được phát sóng, tại một cuộc họp báo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Minh-Phó cục trưởng Cục Điện ảnh - Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Bộ VH-TT&DL.

13046.jpg

Các diễn viên quần chúng là người Trung Quốc.

Ông Minh cho hay các bộ phim đã duyệt xong, còn chiếu lúc nào là do các nhà sản xuất phim thỏa thuận với các đài truyền hình. Trong đó, ông Minh cho biết phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long đã được duyệt lại lần 3. Thành phần duyệt phim gồm Hội đồng liên ngành : Ban Tuyên giáo, chuyên gia lịch sử và cả bên công an văn hóa… tham gia duyệt. Những người tham gia hết sức có trách nhiệm và thời gian cho các thành viên hội đồng xem phim này khá nhiều. Hầu hết các thành viên đều có những đóng góp sửa chữa, tuy nhiên vẫn còn nhiều cảnh tranh luận thuần Việt hay không thuần Việt.

Khi Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long được công bố chiếu trên truyền hình qua ba lần thẩm duyệt, ngay lập tức phim bị khá nhiều phản đối. Giáo sư sử học Lê Văn Lan - một trong 10 thành viên của Hội đổng thẩm định bộ phim này khá bức xúc khi biết phim sẽ lên sóng truyền hình. GS Lê Văn Lan cho biết, sau khi xem bản sửa thứ 3 ông đã không đồng ý việc duyệt và công chiếu bộ phim này.

“Những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế qua đây thì việc giáo dục về truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - GS Lê Văn Lan nói.