Ký ức Sài Gòn trong lòng Thành phố mang tên Bác

Ông Phạm Chánh Trực: Những suy tư không phải vì chuyện cũ

NDO -

NDĐT - Là Bí thư Thành đoàn TNCS đầu tiên của TP Hồ Chí Minh sau giải phóng, người thủ lĩnh thanh niên được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trao lá cờ TNXP xuất quân vào mặt trận kinh tế để bắt đầu xây dựng thành phố sau chiến tranh, ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) đã trải qua nhiều chức vụ và gắn cả cuộc đời mình với thành phố mang tên Bác. Cuộc đời ông trải qua hai thời kỳ hoạt động rõ rệt: thời niên thiếu đi theo cách mạng và tham gia đấu tranh chống Mỹ xâm lược ngay trong lòng đô thị Sài Gòn. Sau chiến tranh, ông là một trong những nhân vật tích cực góp phần đặt nền móng xây dựng thành phố đổi mới và phát triển.

Ông Phạm Chánh Trực.
Ông Phạm Chánh Trực.

Một chiều cuối tháng Tư 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, trong nắng hè vừa chớm của thành phố đang rạo rực ngoài kia, chúng tôi có dịp được ngồi lắng nghe người đàn ông tóc đã bạc trắng, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm tư, nụ cười hiền hậu. Trong ký ức người cán bộ lão thành, vẫn còn nguyên những kỷ niệm về chiến tranh, về đồng đội, về những khó khăn thuở ban đầu khi làm thủ lĩnh thanh niên, những bỡ ngỡ khi từ hoạt động bí mật trong lòng địch chuyển sang làm kinh tế, và hơn thế, nhiều trăn trở, suy tư về những vấn đề của hôm nay.

Trong niềm vui có nhiều suy tư, trăn trở

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ ký ức và cảm xúc của mình về ngày này 40 năm trước, 30-4-1975, khi ông là một cán bộ hoạt động trong nội đô Sài Gòn phát động nhân dân nổi dậy phối hợp với đoàn quân giải phóng?

- Tôi được phân công Bí thư quận ủy quận 11 ngay khi chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, để cùng các đồng chí Quận ủy đang bám địa bàn lãnh đạo quần chúng và nhân dân chuẩn bị cho nổi dậy trong nội đô Sài Gòn, cửa ngõ phía tây nam. Ngày 29 tháng tư đội công tác của chúng tôi đã bám ven đô và tối hôm đó thì vào đến ranh quận 11 trụ lại. Khoảng 9 giờ sáng ngày 30 tháng tư, khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn án binh bất động, ngừng bắn chờ Quân Giải phóng vào, thì chúng tôi lập tức chạy về hướng trụ sở quận. Xe tăng của mình cũng chưa vô tới trung tâm thành phố, nhưng nhiều nơi đã phát động nhân dân giành chính quyền cơ sở. Chúng tôi vừa cảnh giác vừa chạy rất nhanh để chiếm lĩnh mục tiêu. Nhiều đồng bào chạy theo mình, chạy bộ và chạy xe vespa, xe gắn máy, cả xe lam của bà con chạy theo, rồi bà con bảo “Lên đây! Lên đây!” và vẫy chúng tôi lên xe. Chúng tôi nhảy lên xe của dân, phất cờ giải phóng chạy về trụ sở quận; đến nơi lính Sài Gòn chạy tán loạn, một số chưa chạy ra khỏi đồn công an. Sau đó nhân dân đã tập hợp về rất đông,thăm hỏi, mừng rỡ, mang thức ăn, nước uống cho "Việt cộng" và "giải phóng".

- TP Hồ Chí Minh đang ở dấu mốc lịch sử: kỷ niệm 40 năm sau chiến tranh, non sông đất nước được thu về một mối. Ngay lúc này đây, ông có cảm nhận, suy nghĩ gì có thể chia sẻ?

- Nhìn lại 40 năm, một quãng đường khá dài, tôi nhớ mãi những cảm xúc của mình khi đó, lòng vẫn còn bồi hồi, xao xuyến về thời khắc ngưng tiếng súng, chấm dứt chiến tranh, non sông đất nước không còn bị chia cắt, những người Mỹ cuối cùng rút hết khỏi miền Nam, hòa bình đã thật sự lập lại. Thời kỳ đã qua đó là hết sức oanh liệt, hào hùng, nhưng cũng là một thời kỳ đầy ác liệt và khó khăn. Có tự hào, tự hào vô cùng, nhưng cũng có điều xót xa, tâm tư. Có nhiều niềm vui, niềm vui cả nước dâng trào, nhưng cũng không quên những gia đình đau khổ. Tự hào là sau hàng trăm năm thuộc Pháp và kháng chiến thắng lợi, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi cuối cùng giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc: cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là một giai đoạn lịch sử vĩ đại, thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Phải thấu hiểu những nỗi đau chia cắt đất nước hàng trăm năm trước, thì mới thấm thía niềm hạnh phúc vô bờ khi đất nước được thống nhất, khi từ nay giang san gấm vóc được quy về một mối, dù cái giá phải trả là rất khốc liệt. Sự kiện 30-4-1975 đã chấm dứt một thời kỳ lịch sử dài dằng dặc đất nước bị chiến tranh, xã hội bị chia cắt, nhân dân ly tán, có nhìn như vậy mới thấy thành quả đó thật đáng tự hào. Nhìn lại cả một quá khứ dài mới thấy thấm thía thắng lợi này không phải một sớm một chiều mà có được. Đồng thời cần phải thực hiện hòa hợp dân tộc sâu rộng để giải quyết tốt cả những vấn đề của hôm qua.

- Vâng, 40 năm qua có lẽ cũng đủ dài, ông có thể đánh giá về công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc?

- Do tính chất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam mà nhiều gia đình miền Nam chịu những nỗi đau tinh thần không dễ gì hàn gắn. Cuộc chiến này khi kết thúc, đặt ra một vấn đề rất lớn cho người cầm quyền, là phải làm thế nào để giải quyết hậu quả chiến tranh và thực hiện hòa hợp dân tộc. Cho tới nay, điều này chúng ta vẫn chưa hoàn toàn làm tốt, 40 năm rồi vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Tất nhiên, chúng ta cũng đã tích cực hàn gắn những mất mát, đau thương, chia rẽ trước đây, nhưng làm chưa tới mức có thể thuyết phục được mọi người. Tuy rằng công tác hòa giải này cả hai phía đều phải có trách nhiệm nhưng chúng ta là người chiến thắng, chúng ta đang cầm quyền thì phải chủ động tìm mọi cách để hàn gắn. Cuộc chiến nào cũng có những cái giá phải trả.

Ông Phạm Chánh Trực: Những suy tư không phải vì chuyện cũ ảnh 1

Thành phố năng động nhưng cần bền vững

- Vâng, ở thời điểm khi quân giải phóng tiếp quản thành phố, ổn định và xây dựng kinh tế sau chiến tranh, chắc ông còn nhớ?

- Khi đó có muôn vàn khó khăn. Sau giải phóng cả bộ máy của chính quyền Sài Gòn sụp đổ, trong khoảng 1 triệu binh lính quân đội chính quyền cũ, có khoảng 400 ngàn lính tan rã tại Sài Gòn. Như vậy là đã có khoảng một triệu người thất nghiệp, thêm vào đó là thanh niên công nhân lao động đã mất việc làm từ trước và số thanh niên trốn lính, lính trốn. Rồi tệ nạn xã hội cũ, gái mại dâm, xì ke ma túy… khá đông. Thất nghiệp và thiếu đói. Vì Sài Gòn vốn là thành phố phục vụ chiến tranh và ăn bám viện trợ Mỹ. Mặt khác, vùng nông thôn bị bom pháo và chất độc hóa học tàn phá, nhân dân tản cư chạy loạn, cả một vùng rộng lớn bị hoang hóa. Nằm bên cạnh đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu mà nhân dân thành phố phải ăn độn bo bo, khoai sắn...Thất nghiệp và cứu đói là hai vấn đề khẩn cấp đặt ra cho chính quyền mới phải giải quyết. Do đó thành phố tổ chức thanh niên xung phong đi khai hoang phục hóa đồng ruộng, lên rừng phát rẫy làm nương sản xuất lương thực. Ngày 28-3-1976, chưa tròn một năm sau khi chiến tranh kết thúc, thành phố tổ chức ra quân Thanh niên xung phong. Tôi được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trao cờ trước lễ xuất quân hơn một vạn người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Thanh niên xung phong chính là một tập hợp đa dạng nhất các tầng lớp thanh niên thời điểm bấy giờ: bao gồm thanh niên rã ngũ ngụy quân ngụy quyền, thanh niên công nhân thất nghiệp, học sinh, sinh viên, thanh niên lâm vào tệ nạn xã hội cũ như ma túy, mại dâm...và do cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt. Nhân dân Sài Gòn Gia Định đã vui mừng khuyến khích con em mình tham gia "lên rừng xuống biển" đi xây dựng kinh tế mới trên địa bàn nhiều tỉnh thành Miền Nam. Đó là một cuộc biểu dương ý chí của toàn dân chuyển thành phố từ đầu não chiến tranh sang xây dựng hòa bình, từ ăn bám viện trợ sang lao động sản xuất tự lực tự cường. Đó là một bước chuyển mạnh mẽ từ ý thức dân tộc chia rẽ hằng trăm năm do đất nước bị nô lệ, chia cắt và chiến tranh, sang hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động vì Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

- 40 năm nhìn lại thành quả ngày hôm nay, ông có suy nghĩ mong muốn gì cho thành phố của mình?

- Sài Gòn vẫn là thành phố năng động. Ngay những năm đầu kết thúc chiến tranh, chúng tôi không ai được học để làm kinh tế, và làm kinh tế theo hình mẫu của miền Bắc, làm một chập rồi thấy không được, càng làm càng thấy khó khăn, không chịu được nên mới “xé rào” bung ra. Sài Gòn vẫn luôn luôn năng động. Sau đổi mới thì càng có điều kiện để năng động hơn. Đến nay thành phố đã rất phát triển, tuy nhiên, nếu so với các thành phố phát triển khác của châu Á chung quanh mình thì cũng có nhiều vấn đề ta còn kém nhiều.

Quy luật kinh tế thị trường quy định sự phân hóa giàu nghèo là không thể tránh. Trong khi đó nếu ta xác định định hướng XHCN cho nền kinh tế thì nhà nước ta phải tạo điều kiện cho người nghèo, tầng lớp lao động cấp thấp, tạo điều kiện cho người nghèo nâng cao mức sống. Khó cũng phải làm, hướng tới cái mục đích đó, phải biết điều tiết để đi đúng hướng. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, điều không được lơ là đó là chăm lo giáo dục con người. Nền kinh tế cũng phải gắn chặt với văn hóa và con người, đấy mới là phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Chánh Trực: Những suy tư không phải vì chuyện cũ ảnh 2

Ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) sinh ra trong một gia đình giáo chức quê ở Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, ông tham gia phong trào học sinh tại thị xã Vĩnh Long, sau đó tiếp tục hoạt động và lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn. Ông từng bị bắt tù đày và vượt ngục. Sau năm 1975, ông được ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao lá cờ ra quân TNXP xung kích trên mặt trận kinh tế. Ông là Bí thư Thành đoàn đầu tiên của TP mang tên Bác. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh, Bí thư Quận ủy Quận 5, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh... Ông đặc biệt quan tâm, gắn bó với giới thanh niên thành phố và dành nhiều tâm huyết cho lực lượng trẻ.