Những bước đi trong mây

Những bước đi trong mây/Dõi theo tìm điểm quặng/Những con đường thầm lặng/Suốt đời tìm tài nguyên. Xuyên qua bao vực sâu đèo cao hun hút gió, thơ vẫn miên man, thơ của người địa chất Liên đoàn Đông Bắc. Tôi đã theo chuyến xe của họ đến mọi lộ trình ở độ cao 2.000 thước. Núi rừng Bắc Cạn, Cao Bằng mênh mang các loài hoa dại trắng, mầu trắng quện ngây ngất vào sương...

Một mũi khoan thăm dò tại mỏ sắt Nà Rua.
Một mũi khoan thăm dò tại mỏ sắt Nà Rua.

Nơi ngọn nguồn sông Hiến

Theo lộ trình hướng tây nam từ Thái Nguyên, chúng tôi qua Ngân Sơn (Bắc Cạn), vượt hai ngọn đèo nổi tiếng, đèo Gió và đèo Cao Bắc. Núi rừng lãng đãng sa mù, ẩm ướt như mắt người thiếu nữ đương khóc dở. Thi thoảng gặp đôi chấm ngựa rong bờm bên những nếp nhà tranh người Tày. Thêm 200 cây số đường rừng dốc dác, xống trâu lổm ngổm, qua huyện Hòa An, chiếc xe u-oát lê bánh tới thành phố Cao Bằng -nơi đây ngọn nguồn sông Hiến, người địa chất Liên đoàn Đông Bắc triển khai đề án khoan dò mỏ sắt Nà Rụa, trữ lượng hơn 20 triệu tấn, lớn nhất tỉnh Cao Bằng.

Non tây ngả bóng u trầm xuống những đồi núi xa xăm, từng bóng người Tày địu con kéo mía về trong bản, phiên chợ không tên họp ở lề đường tan dần. Đứng trên cầu Bằng Giang nhìn xuống, phía hữu ngạn triền sông thẫm mầu dương liễu.

Những tổ máy nằm chênh vênh sườn núi. Những mũi khoan ngập sâu ngay sát vách nhà của người Tày. Kỹ sư Trần Văn Quý, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật nói: Tổng đề án gồm 23 lỗ khoan, sâu 3.650 m, nay đã hoàn thành. Tết vừa qua, nhiều người phải ở lại "trực chiến".

Chúng tôi đến thăm Tổ máy đoàn 107, đóng chốt giữa đại ngàn âm u. Tổ gồm 13 người, quê tứ tán Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc. Họ dựng lán, ăn ngủ ngay bìa rừng. Nhìn họ làm việc, nghe họ chuyện trò, tôi chợt nhớ mấy câu thơ từng đọc đâu đó về người địa chất: Mưa chớm lạnh, ngát thơm mùi lá/Trắng mờ xa thác nước rầm rì/Túp lều nhỏ tựa lưng vách đá/Một trái tim/Một chiếc búa/Thầm thì. Bên những vỉa bùn lệt sệt chảy tràn bề mặt khu mỏ, mùi hôi tanh phả ngơm ngam, sáu bóng áo xanh đang hì hụi "lái" máy khoan, mồ hôi nhuộm kín mặt, tóc bết lại như mới gội. Anh Nguyễn Đình Hệ, Tổ trưởng Tổ máy giãi bày: "Khó khăn ở đây là máy móc cũ, lạc hậu, tiến độ không nhanh. Và nước, nước thiếu trầm trọng. Do đặc điểm địa chất, nước bơm xuống lỗ khoan bao nhiêu đều lắng hết, phải bơm liên tục để bảo vệ thành lỗ khỏi bị vỡ. Hằng ngày, anh em vào trong bản mua nước, cả nước phục vụ sinh hoạt cũng phải mua, hết công trình trả tiền cả thể".

Trong căn lều lụp xụp, hai người đàn ông nằm co ro trên tấm phản ghép. Họ tranh thủ ngủ, chờ thay ca. Cuối góc lều, còng queo mấy cái xoong nhôm méo mó, có cái mất vung, bó đũa nằm lua tua bên trong và năm chiếc bát sứ Hải Dương mẻ vành. "Sinh hoạt tạm bợ, hết công trình lại đi nơi khác, đời địa chất có bao giờ ở một chỗ đâu. Mình thăm dò, đánh giá trữ lượng, nhưng có mỏ đánh giá xong, phải năm năm, mười năm sau mới khai thác, có khi không khai thác. Chẳng hiểu! Nhìn "thành quả" thấy tiếc, tiếc lắm", anh Hệ tâm sự.

Anh Hệ, người tổ trưởng ngấp nghé tứ tuần ấy có một "huyền thoại" mà dân địa chất vẫn hay kể. Trụ sở chính của đội thợ 13 người do anh Hệ phụ trách được đóng ở nhà riêng của vợ chồng anh tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - nơi mà Đoàn 107 (thuộc Liên đoàn Địa chất Đông Bắc) dựng đô. Sở dĩ có "sự lạ" này là cách đây hai năm, lãnh đạo liên đoàn "bổ" anh Hệ về công tác tại Đoàn 107 để tiện sống gần gia đình, đồng thời giao thêm nhiệm vụ, lên đó gây dựng cơ đồ."Hai bàn tay trắng" lên Chiêm Hóa, người tổ trưởng "đơn thương, độc mã" này đi tìm quân. Vậy là, chưa đầy năm sau, chàng kỹ sư nhiệt huyết đã "úm ba la" 13 thợ đào hào thành 13 thợ địa chất, tạo việc làm ổn định cho họ. "Ban đầu, họ còn lạ việc, khó khăn, nhưng huấn luyện qua thực tế nhiều, nay vững cả rồi", nụ cười trên gương mặt tổ trưởng Hệ thật rạng rỡ. Ai cũng bảo, người địa chất thường già trước tuổi, tuổi thọ không cao, nhưng nhìn khuôn mặt anh Hệ lúc ấy, tôi không nghĩ thế.

Chiều hiu hắt mưa bay. Sương sa mặt sông mờ tỏ. Tạm biệt tổ máy số 2 - lán cuối cùng chúng tôi ghé thăm, bà con người Tày đứng xen lẫn những cán bộ địa chất vẫy tay đưa tiễn, ánh mắt bịn rịn, ấm áp đến nao lòng. Xe trôi vào mây, dòng Hiến chỉ còn như đường tơ trắng.

Tình người Lũng Thôm

Hôm sau, mầu chì hun hút trải dọc đèo Cao Sơn của thị trấn Tĩnh Túc. Xe đổi cua chênh vênh bên mép vực, lần đầu tiên tôi được chạm mắt vào ba ngọn núi huyền thoại của làng địa chất, đỉnh Bia-pioc cao 1.938 m, Phia Mạ cao hơn 1.600 m và Phia Rạ cao 1.978 m. Trên đỉnh những thái sơn ấy, hàng nghìn vỉa thiếc khổng lồ được khai thác từ thời Pháp thuộc đến giờ vẫn chưa hết. Đi mãi tới chạng vạng hoàng hôn, vào sâu trong huyện Bảo Lạc, bóng áo xanh người địa chất hiện ra lác đác. Nơi ấy là bản Lũng Thôm!

Bên bếp lửa giữa căn nhà sàn, năm cán bộ địa chất Liên đoàn Đông Bắc ngồi hơ tay sau buổi đi rừng. Họ đảm trọng trách thực hiện bước 2 của đề án tìm kiếm, đánh giá tiềm năng quặng chì, kẽm vùng bản Lìn (Cao Bằng) và Phia Đăm (Bắc Cạn). Bước 2, ấy là lúc người địa chất phải đi khảo sát lộ trình bề mặt khu mỏ, lấy mẫu địa hóa, đo vật lý, thi công khai đào các vết lộ vỉa quặng. "Trước đó, bước 1 của đề án, Liên đoàn Đông Bắc đã phổ tra vùng mỏ rộng 30 cây số vuông. Phương pháp phổ tra căn cứ vào bản đồ đo vẽ tờ Bảo Lạc 1/50.000 của Liên đoàn Địa chất Intergo và đề tài nghiên cứu của Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam", anh Nguyễn Văn Tưởng - Chủ nhiệm đề án cho biết.

Những bước đi trong mây ảnh 1

Đường vào bản Lũng Thôm

Cạnh giếng nước con con kế cầu thang gỗ, Tô Thị Vấn đứng bế đứa bé đen như cây sậy, nhìn cán bộ Trần Minh Quang rửa rau nấu cơm. Lập đề án xong, Quang cùng bảy cán bộ địa chất của Liên đoàn lên vùng mỏ, sáu người chốt tại Lũng Thôm để chinh phục khu bản Lìn, còn hai người đóng tại Phia Đăm. Đánh giá sơ bộ khu vực, hiện có khoảng 219 nghìn tấn chì, kẽm. Quang ngót ba mươi, chưa vợ, quê Vĩnh Phúc, vào "lính âm phủ" -người địa chất tự gọi mình thế, đã gần một giáp. Ai cũng bảo, anh đi rừng giỏi, leo núi như sóc, mẫn cảm với nghề, ngó độ tơi xốp của đất, nhìn mầu lá cây là có thể "phán" hàm lượng, loại quặng. Tô Thị Vấn không sõi tiếng Kinh, bập bẹ vài từ, nhưng tôi vẫn hiểu, chị bảo: "Nhà báo từ Hà Nội lên đây, thì ở lại lâu với tớ. Hà Nội xa lắm, mình không bao giờ được nhìn, nhưng mình biết Hà Nội có Lăng Bác Hồ. Mình chỉ muốn ra thành phố Cao Bằng xem thôi, thành phố của tỉnh mình cũng chưa đến". "Người già ở bản ít người nói được tiếng Kinh. Họ thích uống rượu lắm, ngày mới lên, mọi người mời rượu bà con, thức tới sáng, vẫn đi núi khỏe. Có bận, trời mưa không vào rừng, ngồi uống rượu với chồng Vấn, nó ngồi cạnh lay vai mình nói, uống nhiều chồng Vấn hóa ma thì bắt cán bộ Quang làm chồng hai" -anh Quang cười. Vấn cũng cười: "Pây pả chin lẩu pà pá" (Đã lên với bà con thì ở uống rượu với bà con).

Lộ trình sang ngày thứ ba, xe tới bản Phia Đăm nằm heo hút bên những vách đá giăng giăng, ở xã Bằng Thành (Pắc Nậm, Bắc Cạn), phía dưới là ngã ba sông Năng. Để vào bản, chúng tôi tản bộ qua cây cầu tre kẽo cọt. "Đóng ở Phia Đăm có hai người, anh Trần Văn Lập và Nguyễn Văn Đước. Họ đi giờ giấc không biết được, có khi thăm dò thấy vỉa quặng dài, ham quá, đuổi theo mãi để xác định, lấy mẫu, nhá nhem mới lần mò về. Hai người phải liên tục ở bên nhau, nếu không gặp sự cố, sa chân xuống vực rất nguy hiểm", anh Tưởng nói.

Trưa, sương lãng đãng, cái thâm u vẫn ngây ngất trùng trùng sơn tản. Chúng tôi ngồi tâm sự ven sườn núi. "Khó đấy. Liên đoàn không chỉ thực hiện một đề án, còn nhiều đề án ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh cũng đang vào cuộc. Vốn thì có hạn, nên phải xẻ ra, mỗi đề án một ít, thành ra tiến độ chưa nhanh. Muốn rót vốn làm đề án bản Lìn, Phia Đăm cho hoàn thành đúng tiến độ lắm, nhưng thế thì các đề án khác lại dở dang", anh Tưởng trăn trở, đôi mắt người địa chất rơi vào thung lũng, ánh nhìn ngờm ngợp không chỗ vin.

... Chiều. Xe rời Phia Đăm. Qua Chợ Đồn tới thị trấn Bằng Lũng, chúng tôi vượt ngọn đèo Lũng Vang đã đi vào huyền thoại bởi sự nguy hiểm của nó. Đèo rộng hơn hai sải tay, dốc chót vót. Ngay chân đèo là mỏ đá lớn đang được khai thác với trạm nghiền 50 nghìn tấn/một giờ. Nơi đây, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Hải Dũng đã gửi lại những vần thơ: "Đêm Chợ Đồn râm ran tiếng dế/Dưới trăng lãng đãng mây bay/Ngày mai ta xa nhau/Người sang Phia Khao, người lên Phia Rạ/Đi tìm quặng như ta đi tìm bạn/Rượu ấm men nồng hẹn bạn mùa sau...".