Người Hà thành trên miền đất bazan

Lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn với những cuộc đấu tranh gìn giữ non sông, mở mang bờ cõi. Người Thủ đô từ giã dòng sông Hồng đi lập nghiệp trên quê mới Lâm Đồng cũng là sự tiếp nối truyền thống tổ tiên. Trong cuộc hành phương Nam vô cùng gian nan hơn 40 năm trước, những người khai đất, dựng nhà, trồng lúa, tỉa ngô, nay kẻ còn người mất. Năm tháng đi qua, đất không phụ công người, trả lại cho biết bao mồ hôi, nước mắt đổ ra là mầu xanh no ấm của làng quê, là sôi động sầm uất của phố xá, là sức hấp dẫn của một vùng văn hóa đa dạng đang sống động mỗi ngày…

Một góc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).
Một góc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Từ Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà, Phú Sơn đến Đạ Đờn, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ… Những vùng quê trù phú của huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bây giờ không chỉ có người Hà Nội mà cả rất đông người Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định…, rồi đồng bào Thái, Tày, Mường, Mông từ miền núi phía bắc cùng vào lập nghiệp với những người anh em Mạ, Cơ Ho, M’Nông trên miền đất bazan màu mỡ. Tháng 10 lịch sử này, họ cùng nhau hướng về Thủ đô và lắng chung câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Câu thơ ấy tôi lại được nghe lần nữa đêm nay giữa lòng thị trấn Nam Ban, nơi ngày xưa là thủ phủ của vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Câu thơ vang lên ở đất này khá hợp cảnh, hợp tình và giọng ngâm của anh bạn Minh Huệ cũng thật hào sảng và chứa chan cảm xúc.

Chỉ cách vài chục bước chân phía trước, thác Voi hùng vĩ vẫn thao thiết chảy. Dòng nước từ nguồn núi xa đổ về qua thị trấn Nam Ban dựng lên thành thác và nỉ non câu chuyện xưa nửa thực nửa hư về huyền thoại những đàn voi. Chuyện nhắc đến một tình yêu gắn với cuộc chiến tranh giữa hai bộ tộc Chàm và Mạ trong lịch sử. Người Lâm Hà, người Nam Ban vẫn thường truyền nhau thiên tình sử lâm ly đó. Và giờ đây, trên chiếu rượu mùa thu giữa đất trời quê hương mới của người Hà Nội, bạn bè tôi lại tranh nhau kể chuyện năm tháng cuộc đời cũng lên thác, xuống ghềnh. Dù mỗi người mỗi chuyện riêng tư bởi hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ gắn bó với xứ sở này, yêu quê hương này bằng một tình yêu máu thịt. Cuộc đời họ đã cùng trầm luân với nắng sớm mưa mai nơi này. Có người là hậu duệ của bộ tộc Cơ Ho bản địa như anh bạn K’Thế, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện có dáng người như dũng sĩ trong sử thi Đam San đang mân mê chén rượu và nhẩm hát dân ca yalyau. Có người mới đến đất Lâm Hà vào tuổi ấu niên cách đây vài ba chục năm như nhạc sĩ Tấn Hùng đang gõ phách quan họ và ca sĩ Minh Huệ thì lẩy chèo. Có người chỉ một chuyến rong chơi theo bạn bè mà ở lại lập nghiệp và trở thành doanh nhân thành đạt. Còn chàng trai trẻ Nguyễn Minh Tuấn quê gốc huyện Mê Linh (Hà Nội) ngồi kia thì có cái thú sưu tầm những kỷ vật gắn với thời mở đất của người Hà Nội. Trong nhà Tuấn bây giờ có hẳn một gian trưng bày: từ cây đèn bão, cái bi đông đựng nước của thanh niên xung phong; chiếc cối đá xay bột cho trẻ em thường chuyền tay khắp các cặp vợ chồng có con nhỏ ở làng mới thời đó; những mâm thau, nồi đồng, cái đài bán dẫn của những gia đình mang theo vào vùng đất mới buổi đầu… Mỗi kỷ vật là một câu chuyện về thời gian khó. Mỗi người cùng san sẻ những ký ức riêng, chung. Đất ấm tình người bởi những duyên nợ, bởi nghĩa lâu càng nặng tình dài càng sâu…

Kẻ đi trước người đến sau, dòng ký ức của mỗi nhân vật tôi gặp đã hòa vào trang sử ngắn hơn 40 năm người Hà Nội dựng quê hương mới trên đất Tây Nguyên. Ngày ấy, 10-10-1975, trong khi Thủ đô đang rực rỡ cờ hoa mừng ngày giải phóng thì đoàn cán bộ đầu tiên của thành phố Hà Nội đã khăn gói lên đường vào tỉnh Lâm Đồng. Ông Trần Duy Dương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Trần Xuân Bảy, Thành ủy viên, là những người dẫn đầu. Trong những ngày khởi thủy ấy, với sự trợ giúp của tỉnh Lâm Đồng, họ đã khảo sát vùng đất mới, quy hoạch, hình thành những bước đi đầu tiên cho việc khai hoang mở đất, lập nên quê hương mới của người Hà Nội trên vùng đất bazan. Khi đoàn khảo sát đặt chân lên Nam Tây Nguyên xa xôi, nơi ấy vẫn còn hoang vu với dòng Đạ Dâng ngàn đời trôi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, nhiều cánh rừng nguyên sinh như Bãi Cháy, Lán Tranh, Sình Công chưa in dấu chân người. Núi đồi xác xơ bởi thương tích của hai cuộc chiến tàn khốc. Lau lách ngập đầu. Đi đến đâu cũng gặp vắt xanh, ruồi vàng, muỗi vằn và rắn độc. Dấu chân thú dữ và dấu giày của bọn Fulro vẫn thường hằn trên những lối đi về.

Ngày mồng 6 Tết Nguyên đán Bính Thìn năm 1976, 100 thanh niên xung kích đầu tiên từ Hà Nội khăn gói lên đường. Tiếp đó, tám tổng đội với hơn 2.000 người từ tất cả các quận, huyện Thủ đô cũng đã đồng loạt ra quân. Họ mở đường, lập lán trại và gieo những hạt giống đầu tiên lên mảnh đất vừa mới khai hoang. Ông Phan Hữu Giản, một cán bộ Đoàn tham gia mở đất thời kỳ đầu, sau này là Bí thư Huyện ủy Lâm Hà nhiều khóa, tâm sự: “Thứ nhất là chống hà bá, thứ nhì khai phá sơn lâm. Câu thành ngữ xưa quả thật vô cùng thấm thía đối với những người con Thủ đô ngày đầu đi mở đất. Không thể kể hết những tháng ngày gian khó với sốt rét rừng, đói cơm, nhạt muối và bao nhiêu hiểm nguy rình rập. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống…”. Sự cống hiến, hy sinh của họ đã được trả lại bằng hàng chục điểm dân cư mới trên một vùng đất trải dài hơn năm vạn héc-ta. Từ Nam Ban đến Bãi Cháy, Lán Tranh rừng rậm nguyên sinh và tràn ngập cỏ tranh đã được khai hoang và chia thành những lô khoảnh, những khu dân cư mới với những cái tên thân thuộc từ Hà Nội “mang” vào: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh…Trường học, trạm xá, chợ, cơ sở hành chính, đường sá và nhà văn hóa đã mọc lên trên vùng đất ấy trước khi những người dân đầu tiên của Thủ đô từ giã quê hương vào đây lập nghiệp. Nhịp sống sôi động mang khí thế Thăng Long đã đưa đến cho Tây Nguyên hùng vĩ một sinh khí mới. Đất nước vừa trải qua chiến tranh với muôn vàn gian nan. Những người dân Thủ đô đi dựng xây quê mới cũng trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn. Đất lạ xứ xa, nỗi nhớ quê hương da diết. Phải mất nhiều năm với bao trăn trở, thao thức, người Hà Nội trên mảnh đất Tây Nguyên mới chọn cho mình được hướng đi đúng, cách làm ăn chắc. Vật lộn chống cái đói với việc trồng ngô, gieo lúa đồi, chăn nuôi gia súc rồi trồng cây công nghiệp làm giàu. Biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi đã đổ ra và họ đã thành công. Tháng 10-1987, Vùng kinh tế mới Hà Nội chính thức hoàn thành nhiệm vụ. Hà Nội giao lại “một phần máu thịt của Thủ đô” cho tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà ra đời bằng cuộc tao ngộ đầy ý nghĩa ấy…

Những người đầu tiên xây nền móng cho mảnh đất huyện Lâm Hà phồn thịnh hôm nay giờ người mất, người đã đi gần trọn cuộc đời. Dòng hồi ức của họ là nỗi nhớ về một thời gian khó. “Hồi đó, cả vùng rộng lớn này chỉ lèo tèo mấy hộ gia đình. Bốn phía là rừng. Buổi tối không dám thắp đèn đuốc. Không gian âm u với tiếng thú đi hoang và đì đòm súng đạn Fulro. Chỉ trong một thời gian ngắn mà có đến bốn thanh niên tiền trạm bị Fulro bắn chết, ba trường hợp khác chết do tai nạn lao động và sốt rét”. Ông Nguyễn Văn Lộc mở đầu câu chuyện. Gia đình lão nông này là một trong 11 hộ đầu tiên vào xây dựng kinh tế mới từ năm 1976 tại xã Mê Linh, xã có 1.670 hộ với 7.336 nhân khẩu hiện nay. “Nỗi nhớ quê nhà, sự hoang lạnh, cô đơn giữa miền đất mới đầy gian khó gặm nhấm tâm hồn những người xa quê đến khổ sở. Không ít lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, về lại cố hương”. Ông Lộc nhớ lại. Thế rồi, bằng quyết tâm, sự nhẫn nại, cần cù, họ đã tạo lập một cuộc sống mới ngày càng vững vàng. Người đến ngày một đông. Hợp tác xã Mê Linh được thành lập, ông Nguyễn Văn Lộc là chủ nhiệm đầu tiên. Nhìn mái tóc phần nhiều sợi bạc trên đầu, tôi cảm nhận được hành trình từ một chàng thanh niên sung sức đến lão nông xấp xỉ thất tuần trên miền đất bazan này. Cũng như ông Nguyễn Văn Lộc, thanh niên Nguyễn Văn Ký của 40 năm trước giờ đây đã trở thành phụ lão. Trong ngôi nhà khang trang ở thị trấn Nam Ban, ông Ký chia sẻ: “Tôi rời quê nhà huyện Đông Anh vào đây năm 1976 cùng với rất nhiều thanh niên tiền trạm của Thủ đô Hà Nội. Đối với tôi, đây là quãng thời gian không bao giờ quên. Hồi đó, chúng tôi là những người lính vừa mới trở về đã ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ xây dựng quê hương mới. Nhớ những ngày “nếm mật nằm gai”, chúng tôi luôn tự hào về những điều đã làm…”.

Trước giờ chia tay thị trấn Nam Ban, tôi nhâm nhi ly cà-phê đậm hương vị bazan trong một góc quán bên đường Điện Biên đang du dương bản nhạc Nhớ mùa Thu Hà Nội. Lắng hồn mình theo giai điệu da diết của ca khúc hòa trong âm thanh hùng vĩ của thác Voi và nghĩ về những tháng ngày gian nan của người Hà Nội từ giã bản quán đi dựng xây cuộc sống nơi xa. Chừng đó thời gian với một đời người chỉ là chớp mắt nhưng với một vùng quê mới đã có những đổi thay lớn lao như có bàn tay trợ giúp của thần tiên. Trên vùng rừng rậm hoang vu, bạt ngàn cỏ tranh năm xưa, nay là huyện Lâm Hà, một cái tên gợi nhớ da diết về cố hương xứ bắc và thắm tình gắn bó với quê hương mới phương nam. Họ gánh cả tên xã, tên làng theo mỗi cuộc di dân (thơ Nguyễn Khoa Điềm), gánh cả nền văn minh sông Hồng, cốt cách Thăng Long vào làm đẹp thêm đại ngàn Tây Nguyên là vậy.

Theo chiều những bóng áo dài trắng nữ sinh, tôi nhìn phía bên kia đường, ngôi trường trung học phổ thông mang tên Thăng Long nhắc tôi nhớ về một người quen cũ. Đến bây giờ thì người thầy đáng kính ấy đã hòa thân xác vào lòng đất bazan Lâm Hà, nhưng tôi cũng giống như những đồng nghiệp và các thế hệ học trò của ông không bao giờ quên ông. Ông là thầy giáo Đoàn Đức Huyến, một giáo viên chuyên Hóa của Trường Chu Văn An - Hà Nội, xung phong vào Lâm Hà trong chuyến đầu tiên để góp công sức, trí tuệ dựng trường mở lớp. Lúc ông chưa mất, mỗi lần về Lâm Hà tôi lại ghé thăm và câu chuyện của thầy trò tôi cứ quanh đi quẩn lại với văn hóa Thăng Long, với những câu chuyện di dân của người Hà Nội. Bao nhiêu năm, thầy giáo Huyến lẻ bóng cô đơn, tôi đã hỏi, nhưng thầy không nói. Chỉ đến khi ông gửi cho tôi bản thảo bài thơ Suối Cạn cách đây khá lâu. Hôm nay tôi về, thầy Huyến không còn nhưng bước chân vô tình đưa tôi đến bên dòng suối Cạn, tên con suối đã gắn với kỷ niệm của bao chàng trai, cô gái một thời “kinh tế mới”. Ngắm dòng nước miệt mài tuôn chảy, tôi nhớ về người thầy mà cả cuộc đời tâm huyết của mình đã dành cho đất này. Những dòng thơ ông diễn tả nỗi nhớ về người con gái duy nhất trong cuộc đời mình mà làm nao lòng xao xuyến bao người:

Mỗi lần đi qua suối Cạn

Anh lại dừng chân ngẩn ngơ

Tưởng đâu em đang giặt áo

Có đâu về Bắc bao giờ…

Tảng đá em thường ngồi giặt

Vẫn còn ấm dấu chân son

Dòng suối vẫn đang tung hạt

Chờ rắc ngọc lên tay tròn…

Nhà giáo đơn thân quá cố ấy không làm thơ chuyên nghiệp, nhưng những dòng xúc cảm của ông ám ảnh bởi cái tình chân thật, cái tâm lý “người ở, kẻ về” của một thời mở đất. Mặc dù ông mất đã lâu, nhưng người Hà Nội ở vùng quê này vẫn nhớ về ông bởi hình ảnh một người thầy đáng kính và một “thi sĩ của vùng kinh tế mới”...

Trên đỉnh đồi bát ngát xanh thông, điểm cao nhất của xã Mê Linh thuộc huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), tôi dừng xe ngoái lại. Từ đây, nhìn thấu trọn cả vùng bình nguyên bên dưới với xanh tươi vườn cây ẩn hiện cùng những nếp nhà, dãy phố, những nhà máy, những con đường uốn lượn. Nhìn quang cảnh ấy, có ai ngờ rằng, nơi đây từng là vùng rừng núi hoang vu. Đến hôm nay, những người trẻ sinh ra trên quê hương mới nghe lại chuyện ngày xưa cha anh đi mở đất như nghe chuyện cổ tích. “Cổ tích” đó chỉ mới xảy ra ngay ở đất này hơn 40 năm trước.