Con tôi đồng tính (kỳ 3)

NDO -

NDĐT - Khái niệm “gay kín” chỉ những người đồng tính nam không công khai. Nhưng cũng có trường hợp công khai một phần như con trai ông Nguyễn Văn Phục(*) ở Hà Nội. Thành ra cả nhà cùng nhau giữ một bí mật. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản ông trở thành một trong 7 ông bố hoạt động tích cực trong Hội PFLAG.

* Con tôi đồng tính (kỳ 1)

* Con tôi đồng tính (kỳ 2)

Một năm trở lại đây, các ông bố bắt đầu tham gia hoạt động PFLAG nhiều hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Một năm trở lại đây, các ông bố bắt đầu tham gia hoạt động PFLAG nhiều hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyện của bố “gay kín”

“Xuất phát từ chỗ con mình như vậy, mình cảm thấy rất cô độc. Mình buộc phải đi tìm cộng đồng của mình” - ông Phục lý giải động cơ tham gia PFLAG. “Mình hoạt động cũng là vì con. Mình đi thì nó rất vui. Coi như đấy là thái độ đầu tiên ủng hộ con”.

Chuyện bắt đầu năm năm trước. Mọi khi con từ nước ngoài gọi điện về, mẹ cười nói vui vẻ. Lần này, thấy vợ ôm máy khóc sụt sùi, ông Phục ngạc nhiên.

Đến lượt ông cầm ống nghe, Hưng(*) - con trai duy nhất của ông, mở lời: “Con nói chuyện này kể ra cũng buồn. Bố phải hứa với con đừng có sốc...”. Chắc thằng bé lại ốm đau hay học hành có vấn đề gì đây, ông Phục chắc mẩm.

“Con nói thật, từ rất lâu rồi con đã nhận ra mình là người đồng tính. Hồi cấp 3, con đã có cảm tình với một bạn trai. Con không có cảm xúc gì với con gái. Con cũng rất bối rối, vì thấy mình khác biệt với các bạn. Lúc nào con cũng cảm thấy tự ti, lạc lõng…”.

Ông Phục nhận xét con mình ngay từ hồi còn học phổ thông đã có “tâm tốt”, hay đi phát quà cho trẻ con nhân dịp Giáng sinh. Hưng cao to, đẹp trai, hiền lành, học giỏi và là thần tượng của nhiều bạn gái. Sinh nhật Hưng, mấy cô mang bánh gatô đến tận nhà, Hưng vẫn chẳng chấm ai.

Vài cô gái có dịp thổ lộ với bố Hưng: “Các bạn nữ nhiệt tình thế mà bạn ấy cứ lạnh lùng thế nào ấy bác ạ!”. Tình cảm với cậu bạn cấp 3 cũng chỉ thoảng qua vì cậu kia không phải gay.

Thời điểm đó, người đồng tính được biết tới trên báo chí chủ yếu qua các câu chuyện tiêu cực. Hưng quyết tâm du học châu Âu. Cậu hoàn toàn cởi mở với những người họ hàng ở bên đó về giới tính của mình.

Cảm giác của bố Hưng khi nghe con thú nhận: “Tôi không giận dữ, trách móc, nghi ngờ gì con vì cũng đã biết đâu đó trong xã hội có nhóm đồng tính luyến ái, tôi không quá định kiến. Tôi chỉ cảm thấy sốc vì mình kỳ vọng về con quá, mình vẽ ra bức tranh đẹp quá. Giờ hoàn toàn sụp đổ(!)”.

Đêm đó, hai vợ chồng không ngủ tí nào, chỉ biết ôm nhau khóc. Vợ ông cứ nhắc đi nhắc lại: “Thôi thế này chả còn gì vui nữa đâu…”. Và hằng đêm trong suốt ba năm sau đó, ông Phục vẫn hầu như không chợp mắt.

“Không phải mình giận con” - ông nhớ lại. “Mình hiểu vấn đề, nhưng mình rất đau. Mình nghĩ người đồng tính ở Việt Nam rất thiệt thòi, không có tương lai mấy”. Nỗi đau này chỉ hai vợ chồng ông san sẻ. Ông bà nội ngoại của Hưng xem ra đều già yếu, để họ biết cháu như vậy, ông Phục sợ sẽ nảy sinh vấn đề về sức khỏe.

Ông Phục cũng tìm đến nhật ký, để tự trị liệu. Dù sao ông cũng từng đọc nhiều quyển kiểu như Quẳng gánh lo đi mà vui sống. Trong sách có bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn mà người ta vượt qua được, vậy gánh lo này ông cũng quyết quẳng đi. Ông cần phải nghĩ cho con nhiều hơn, phải làm gì đó để tương lai con mình sáng sủa hơn. Ông chăm nghiên cứu các tài liệu về LGBT hơn và biết đến PFLAG qua mạng. Vợ ông sau hai lần gặp bà Ly để được tư vấn, đã yên tâm ở nhà, nhường chồng đi hoạt động hội.

Bản chất của việc tư vấn là chia sẻ câu chuyện của nhau. Thời gian đầu cứ mỗi lần kể lại chuyện của mình, ông Phục lại không cầm được nước mắt. Sau 5-6 lần như thế thì ông lấy lại được bình tĩnh. Nhưng kể cả cho đến bây giờ ông vẫn khẳng định, dù vui vì có thêm nhiều người đồng cảm, nhưng thanh thản hoàn toàn thì không.

“Điểm sáng nhất khiến mình có thể chuyển hóa nỗi buồn: Chỉ cần con hạnh phúc là mình vui, không cần theo khuôn mẫu gì hết”. Nói vậy, nhưng ông vẫn hình dung ra con mình sẽ hạnh phúc hơn khi có hôn nhân. Nhưng đến đoạn làm thế nào để có cháu thì ông lại đau đầu. Mang thai hộ hay nhận con nuôi đều đang vướng những quy định rất chặt của luật pháp.

Liên tục được mời đi đám cưới, chứng kiến nhà người ta cháu nội cháu ngoại đề huề, ông càng khao khát có cháu. Chưa kể Hưng là đích tôn. Một thời kỳ ông hối tiếc đã không đẻ thêm con. Và tốt nhất là con gái. Cho chắc. Vì con gái có thể chủ động đẻ được cháu cho ông…

Nghe đến đây, bà Nhi tham gia: “Nhỡ đâu nó lại là đồng tính nữ thì sao?!”. Ông Phục đáp liền: “Không bao giờ nghĩ chuyện xấu như thế...”. Cả bà Ly và bà Nhi đều bật cười vì tính thật thà của ông, và tuyên bố ông bị phạt 50.000 đồng vì lỡ nói “xấu” LGBT.

“Những gì bạn cảm thấy không thay đổi được thì đừng tìm cách thay đổi nó. Vì nếu cứ làm thế chỉ vô ích và gây căng thẳng thần kinh. Tốt nhất hãy tìm những khía cạnh có khả năng thay đổi theo chiều hướng tích cực và hãy thay đổi nó bằng mọi cách” - đó là điều ông Phục rút ra từ những cuốn kỹ năng sống đã đọc.

“Thì tôi đang làm điều đó” - ông Phục nói. “Vận động thúc đẩy luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, hoạt động để cộng đồng xã hội hiểu đúng về LGBT, khuyến khích con mình có bạn… Đó là những điều có thể thay đổi được. Còn ép con lấy vợ thì không”.

Bố mẹ tôi là LGBT…

Thấy ông Phục vẫn còn day dứt về chuyện nối dõi tông đường, bà Ly nhắc: “Anh mới nói, chuyện gì không nằm trong chủ động của mình thì mình bỏ đi, vậy nên đừng suy nghĩ nữa!”. Ông Phục chống chế, trong chuyện nối dõi, bao giờ bố chả phải chịu áp lực hơn mẹ.

“Chồng em nói với em rồi, chẳng vấn đề gì” - bà Ly chia sẻ. “Nhưng cũng có khi đang ngồi anh ấy lại hỏi: “Thế mai mốt không có cháu, bà không thấy buồn à?”. Giờ lỡ đóng vai mạnh rồi, em phải nói: “Buồn gì, bây giờ công việc PFLAG nhiều, đi làm không hết đây này. Mai mốt ông muốn có cháu, cứ từ từ”.

Hơn ai hết, các phụ huynh PFLAG hiểu rằng, mình muốn là một chuyện nhưng quan trọng vẫn là con mình có muốn không. Như Ted cách đây hai năm luôn nói với mẹ muốn có hai con trai, nhưng một năm trở lại đây kế hoạch của cậu lược giản chỉ còn: làm việc tích lũy để chăm lo cho bố mẹ và đi đây đó.

Nhân ngày Gia đình, một buổi gặp gỡ các gia đình LGBT đã có con được tổ chức. Có khoảng 4-5 cặp chủ yếu là đồng tính nữ mang con tới. Nhưng tất cả đều chưa sẵn sàng xuất hiện trước truyền thông. “Do xã hội thôi,” bà Ly kết luận. “Nếu xã hội thoải mái, người ta sẽ sẵn sàng. PFLAG còn nhiều việc lắm. Trong đó có việc vận động các gia đình LGBT có con bước ra ánh sáng”.

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

PFLAG hiện có hơn 70 thành viên trên cả nước, khoảng 20 trong đó có điều kiện hoạt động thường xuyên. Họ đi khắp các tỉnh thành, tổ chức các buổi gặp gỡ để giải tỏa những vấn đề trong các gia đình có con em là LGBT. Như một thứ luật bất thành văn, tất cả các hội viên PFLAG đều được các bạn trẻ LGBT kêu là bố, mẹ.

“Chúng tôi giống như chỗ dựa tinh thần”, bà Đinh Thị Yến Ly - Chủ tịch Hội nói. “Nhất là khi ở nhà bố mẹ có khoảng cách, các con không được thể hiện hết tình cảm. Còn bố mẹ PFLAG lúc nào cũng sẵn sàng ôm lấy con để vỗ về an ủi, lúc nào cũng đồng hành cùng con”.