Viết tiếp câu chuyện lụa Việt

Dọc dài theo dải đất hình chữ S, điểm xuyết nổi lên vùng tơ lụa cứ thao thức trong niềm nhớ. Những địa danh Hà Đông, Nha Xá, Cổ Chất ở miền bắc đến Hội An, Mã Châu ở miền trung vào đến đất cao nguyên trung phần có lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) sang cả mỹ miều, miền sông nước An Giang nổi danh ở vùng Tân Châu có thương hiệu lãnh Mỹ A đã đi vào huyền thoại...

Lụa Việt chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu của những khách hàng khó tính.
Lụa Việt chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu của những khách hàng khó tính.

Cuộc sống hiện tại, khi nhà nhà, người người bị xâm lấn bởi hàng hóa ngoại nhập, đặc biệt là đồ Trung Quốc với ưu thế cạnh tranh vượt trội về giá cả, mẫu mã, liệu những vùng đất này còn lưu giữ được nghề tằm tang trước nổi nênh thời cuộc.

Truyền nhân giữ lửa nghề

Nổi tiếng khắp cõi về lụa xưa nay phải kể đến là đất Hà Đông với lụa làng Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc từng được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm thủ công tinh xảo ở xứ Đông Dương, lần đầu tham gia hội chợ quốc tế Marseille từ những năm 1931. Xuôi về phía nam, đất Cổ Chất (Nam Định) cho đến nay vẫn lưu truyền nhau từ những năm 40 của thế kỷ 20 sản phẩm tơ lụa của làng đã đoạt giải cao tại phiên đấu xảo nhằm tìm kiếm tinh hoa làng nghề xứ Đông Dương...

Ông Triệu Văn Mão đã mất nhiều năm nhưng công lao của ông đối với làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội) được dân ghi nhận, tri ân. Ông là người dày công tìm kiếm, khôi phục lại những mẫu lụa cổ, đặc biệt là lụa vân, “đặc sản” riêng có của làng nghề Vạn Phúc. Những năm 2000, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã cùng nghệ nhân Triệu Văn Mão phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa làng nghề.

Lớp con cháu của cố nghệ nhân Triệu Văn Mão hiện nay tiếp tục giữ nghiệp cha ông. Con dâu họ Triệu là nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, giờ đứng danh chủ Cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, từng được vinh danh là một trong 10 Công dân Ưu tú Hà Nội năm 2015. Giờ đây, sau nhiều biến cố của ngành lụa, xu hướng người tiêu dùng, khách du lịch tìm đến tận nơi sản xuất ra lụa Việt, để mua, để tìm hiểu. Nhà bà Tâm, cũng như nhiều nhà lụa khác ở Vạn Phúc, đã thức thời hơn với công việc quảng bá sản phẩm trong vận hội mới.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) là người sáng lập Công ty dâu tằm tơ Mỹ Đức với thương hiệu lụa Silk4world. Hơn 40 năm nay, cuộc sống của bà gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa, nếm đủ cay đắng ngọt bùi. Những năm thị trường hàng hóa mới mở cửa, không cứ vải vóc, đủ thứ hàng hóa nhu yếu phẩm từ bên kia biên giới tràn vào. Nghề dệt lụa trong nước từng đối diện với vô vàn khó khăn, sống lay lắt trong cả thời kỳ dài. Nhiều năm nay, bà vẫn ngược xuôi tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi tằm ươm tơ cho các hộ gia đình, nhằm tạo dựng cho mình và cộng đồng nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng từng bước giành lại thị trường. Mới đây, sản phẩm lụa của cơ sở bà Thuận lọt vào danh sách Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2016, được bình chọn là Thương hiệu vàng Thăng Long 2017, giải nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc với giải pháp Mền bông tơ tằm do người điều khiển con tằm tự dệt...

Còn ai thiết tha lụa Việt?

Có một sự thật buồn, trong khi các doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam không ngừng than vãn về tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, phải nhập tơ Trung Quốc, nguồn hàng bấp bênh, khó kiểm soát thì tơ nguyên liệu thô Việt Nam mỗi ngày lại ùn ùn xuất sang các nước láng giềng; Trong khi dân ta kỳ công lùng mua bằng được những sản phẩm lụa nhập khẩu thì du khách quốc tế đến Việt Nam lại mê mẩn với sản phẩm lụa thuần Việt! Đến nỗi, Phương Thanh, chủ một shop kinh doanh lụa tơ tằm, thổ cẩm Việt ở phố Văn Miếu (Hà Nội) hơn 20 năm nay đúc rút: Khách Việt vào cửa hàng hầu như để xem, chẳng mấy khi mua. Nhân viên bán hàng xác định thế, cho nên cũng tiếp lấy lệ, không hào hứng mặn mà. - Cứ bảo “lụa Tầu” chỉ được cái mã, nhưng bây giờ mấy ai cần “ăn chắc mặc bền” lắm đâu, cầm cái khăn lên trước hết phải bắt mắt đã, rồi hoa văn, họa tiết đa dạng, muốn mầu gì có mầu đó, giá cả vừa phải, thì người mua chúng tôi chọn thôi- khách hàng đến làng lụa Vạn Phúc tìm hiểu nhưng lại chọn mua “lụa tầu” lý giải.

Viết tiếp câu chuyện lụa Việt ảnh 1

Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên nương dâu ở làng Phùng Xá (Hà Nội).

Tuy nhiên, làng dệt lụa Vạn Phúc đang càng ngày càng giàu có lên, nhờ nghề. Cũng như 20 năm nay, cửa hàng lụa, thổ cẩm trên phố Văn Miếu vẫn sống ổn bởi lượng khách nước ngoài mua lẻ khá dồi dào. Ngoài ra, Thanh cho biết tìm kiếm mở rộng đối tác bên ngoài mới là mục tiêu kinh doanh của cô. Ý kiến của Thanh có nhiều điểm tương đồng với nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, khi bà cho rằng, bộ sưu tập của bà giới thiệu tại Thụy Sĩ mới diễn ra gần đây đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Người Thụy Sĩ đã so sánh chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam ngang tầm với những thương hiệu thời trang bậc nhất trên thế giới. Bà Thuận thì sau chuyến đi Nghệ An hướng dẫn kỹ thuật ươm tơ về, giờ đang tất bật với các đơn hàng khá lớn về chăn tơ tằm tự dệt xuất sang Pháp...

Những tín hiệu lạc quan

Chứng kiến và trải qua nhiều thăng trầm, biến động trong ngành tơ tằm Việt Nam, ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam luôn có cái nhìn lạc quan về ngành tơ lụa nội địa. Ông vẫn khẳng định, chất lượng tơ tằm của Việt Nam rất tốt.

Những thông số lạc quan về ngành sản xuất tơ lụa cũng được đưa ra tại Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) vừa diễn ra hồi cuối năm nay. Hiện nay cả nước có khoảng 10.000ha dâu. Lâm Đồng chiếm khoảng một nửa số đó, tuy nhiên lại cho hơn 70% sản lượng tơ cả nước. Lâm Đồng hiện có khoảng 15 doanh nghiệp ươm tơ tự động, có thể sản xuất trên hai tấn tơ mỗi ngày. Trước đây nhà máy sản xuất tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải nhập 100% nguyên liệu từ Brazil và Trung Quốc thì vài ba năm lại đây, họ đã tự chủ được một nửa. Bên cạnh đó còn có trên 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất được cả tấn tơ. Nguồn nguyên liệu này không chỉ phục vụ nội địa, mà còn được đóng gói, xuất ra nước ngoài.

Nhiều mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khiến người dân yên tâm phấn khởi làm nghề. Công nghiệp ươm tơ dệt lụa đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Pháp, EU, Mỹ...

Những tín hiệu tốt lành đó như ngọn lửa nồng đượm khơi dậy cho khát vọng trỗi dậy những vùng tơ tằm làm nên lụa Việt thuần nhất. Bản lĩnh, tự tôn dân tộc đã hun đúc nên những con người sống chết với nghề, để bật mầm những sáng tạo trong lao động, sản xuất. Bao nhiêu năm nay, để giữ được nghề trước dòng chảy khắc nghiệt của đời sống, nhiều người vẫn hằng ngày miệt mài đổ mồ hôi trên nương dâu, bên nong kén, hay khung dệt, để cho ra dòng sản phẩm lụa ròng thuần chất Việt.

Trong khi dân ta kỳ công lùng mua bằng được những sản phẩm lụa nhập khẩu thì du khách quốc tế đến Việt Nam lại mê mẩn với sản phẩm lụa thuần Việt!