Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm?

Lợi ích chung của nền kinh tế trong việc cổ phần hóa rất lớn nhưng tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm hoặc không thực chất như mong muốn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thật sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 chủ đề: “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế V
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 chủ đề: “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế V

Lợi ích cục bộ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới Doanh nghiệp, năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2011 có 1.369 doanh nghiệp nhà nước, và đến hết tháng 10 năm 2016 vẫn còn 718 doanh nghiệp nhà nước. Nếu nhìn vào số lượng, rõ ràng số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã giảm rất nhiều, nhưng thực tế là không phải vậy. Tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp, và có xu hướng chậm lại. Một báo cáo thống kê từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 mới có 478 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Còn trong 10 tháng đầu năm nay chỉ có 60 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2015 cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng, chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong cùng thời kỳ. Một số doanh nghiệp về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ.

“Số lượng doanh nghiệp nhà nước có thể giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa rất thấp. Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của doanh nghiệp để quản trị tốt hơn,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định như vậy tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước mới đây.

Hiện tại, tổng tài sản và vốn ở các doanh nghiệp nhà nước được ước tính khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng Việt Nam. Trong khi tỷ lệ nợ công còn cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư, thì đây là một con số rất lớn có thể bù đắp vào những mục đích đầu tư khác. Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp Chính phủ có thêm vốn để làm nhiều việc khác, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng, giảm nợ công xuống thông qua huy động vốn xã hội.

Rõ ràng lợi ích chung của nền kinh tế trong việc cổ phần hóa là rất lớn. Nhưng vì sao tiến độ cổ phần hóa vẫn mãi chậm, hoặc không thực chất như mong muốn? Người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ vướng mắc lớn nhất của sự chậm trễ trong cổ phần hóa này là “lợi ích và động lực”.

“Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thật sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.Thứ hai, đề án chúng ta xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm, rồi sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, rồi một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời,” Thủ tướng nói.

Nhà đầu tư muốn gì?

Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn lấy lý do khó tìm được nhà đầu tư chiến lược để thoái vốn nhằm biện minh cho tiến độ cổ phần hóa chậm của mình. Nhưng mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, ông Dominic Scriven, đại diện cho nhóm công tác thị trường vốn, đã thẳng thắn nêu ra rằng các nhà đầu tư đang cảm thấy chán nản vì sự thiếu minh bạch trong cổ phần hóa và tiến độ thực hiện từ các doanh nghiệp nhà nước cũng quá chậm.

Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm? ảnh 1

Công nhân công ty cổ phần dệt may Sơn Nam trong ca sản xuất. Ảnh: Thanh Hà

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc của công ty chuyên tư vấn và cung cấp thông tin về thị trường vốn Stoxplus cho biết nhìn qua vào chính sách, có vẻ như các cơ hội cho nhà đầu tư đã cụ thể hơn. Thí dụ như Chính phủ đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước xuống dưới 50% trong các ngành mà Nhà nước không cần chi phối, và tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước qua đó các nhà đầu tư tư nhân có cơ hội tham gia đầu tư và cải tổ. Ngoài ra, việc yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết cũng đã được thực hiện.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì có thể hiểu vì sao nhà đầu tư tư nhân vẫn chán nản và không quan tâm nhiều. Đó là, trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa thì tới 68% số đó có vốn điều lệ nhỏ hơn 100 tỷ và rất nhiều mang tính địa phương. Hơn nữa, có gần 200 doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn giữ sở hữu hơn 50%.

“Thực tế này không hấp dẫn,” ông Thuân khẳng định. Ông cũng đưa ra một thí dụ rằng Stoxplus có giúp một nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu đánh giá về khả năng mua lại toàn bộ vốn nhà nước ở một doanh nghiệp bao bì thực phẩm. Ngành này là theo chính sách của Chính phủ thì không có chủ trương giữ và thậm chí thoái hết.

“Tuy nhiên, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước mà chúng tôi giúp họ nghiên cứu về ngành thì đều ái ngại. Họ nói nửa đùa nửa thật là một là Nhà nước vẫn làm chủ, hai là họ làm chủ, chứ mô hình liên doanh kiểu 50-50 đã cơ bản hết thời. Và điều này đặc biệt quan trọng trong việc bán vốn và giảm vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ và vừa! Bởi có đưa lên niêm yết thì với quy mô đó cũng chưa thật sự hấp dẫn!”, ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.