Thu hút đầu tư - kinh nghiệm từ Bắc Giang

Ba năm gần đây, tỉnh Bắc Giang bứt phá để đứng vào tốp đầu các tỉnh thu hút đầu tư lớn của cả nước. Nhờ sự bứt phá đó mà quy mô nền kinh tế toàn tỉnh đã tăng 1,63 lần so với năm 2015. Bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 13%/năm, vượt xa so với mục tiêu đề ra là 10 - 11%/năm và dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2018 của tỉnh đạt trên 15%. Với kết quả đó, Bắc Giang đang là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong nhiệm kỳ (2015 - 2020).

Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang chính thức vận hành từ 18-8-2018 có tổng công suất thiết kế mở rộng lên tới 80.000 m3/ngày đêm. Ảnh | DNP
Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang chính thức vận hành từ 18-8-2018 có tổng công suất thiết kế mở rộng lên tới 80.000 m3/ngày đêm. Ảnh | DNP

Tạo đồng bộ trong thu hút đầu tư

Để tạo nên sự bứt phá trong thu hút đầu tư, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm ra Nghị quyết 73-NQ/TU ngày 6-5-2016 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết này đã được cụ thể hóa thành 45 nhiệm vụ giao cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện, trong đó có 13 nhiệm vụ thường xuyên thực hiện theo định kỳ hằng năm và 32 nhiệm vụ cụ thể. Với cách làm này, tỉnh Bắc Giang tạo được sự đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách toàn diện đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và tạo dựng lợi thế tích cực cho các nhà đầu tư. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến các sở, ngành thật sự vào cuộc đồng hành cùng các nhà đầu tư trong hoạt động từ cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho đến chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.

Thu hút đầu tư - kinh nghiệm từ Bắc Giang ảnh 1

Sản phẩm giấy được sản xuất tại Nhà máy giấy Xương Giang (Công ty CP Xuất, nhập khẩu Bắc Giang). Ảnh | Việt Hưng


Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, môi trường kinh doanh của Bắc Giang được cải thiện rõ nét, chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) đã tăng bảy bậc so với năm trước đó. Từ đầu năm 2016 cho đến hết tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 510 dự án đầu tư, vốn đăng ký là hơn 3,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án đến nay còn hiệu lực là 1.430 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 8 tỷ USD; trong đó có 350 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký là hơn 4 tỷ USD, đưa Bắc Giang trở thành một trong mười tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp FDI. Đồng thời với đó là chất lượng thu hút đầu tư ngày càng được nâng cao với nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang vốn đăng ký hơn 22,5 nghìn tỷ đồng, dự án Nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang đầu tư gần 1,3 nghìn tỷ đồng, dự án thành lập Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam tại KCN Quang Châu đầu tư 200 triệu USD... Một số dự án công nghệ tiên tiến như: Nhà máy sản xuất tế bào quang điện Vina Cell Technology, Nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời JA Solar...

Bắc Giang đạt được những bước tiến lớn trong thu hút đầu tư nhưng qua đó cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp; thu hút đầu tư đang vắng bóng các dự án sản xuất lớn có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm có giá trị cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số lượng các dự án gia công, lắp ráp sử dụng nguyên vật liệu tạm nhập tái xuất ngày càng lớn dẫn tới thu ngân sách không cao, đồng thời với đó là vấn đề dân số cơ học tăng nhanh tại các khu công nghiệp, tạo ra sức ép lớn về giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Mặt khác cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến triển khai đầu tư chậm. Nhiều nhà đầu tư nóng vội muốn thu hồi vốn nhanh cho nên chưa quan tâm thiết thực đến công tác bảo vệ môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ…

Chỉ trong hai năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã phải ra quyết định thu hồi sáu dự án do các doanh nghiệp vi phạm Luật Đầu tư và xử phạt hàng chục doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Chọn lọc dự án có công nghệ và giá trị gia tăng cao

Thu hút đầu tư đã và đang là giải pháp then chốt để tỉnh Bắc Giang nâng cao tốc độ phát triển kinh tế, các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh Bắc Giang. Theo đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang: Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển công nghiệp địa phương đến năm 2030. Tập trung mở rộng không gian phát triển công nghiệp, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng, nhất là đất đai. Thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề, dự án có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, trọng tâm là điện tử, chế tạo, chế biến…

Theo đó, tỉnh Bắc Giang sẽ chủ động lập danh sách theo dõi các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm để mời gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh hạch toán độc lập để tăng nguồn thu cho ngân sách. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường; khuyến khích các dự án chuyển dần từ gia công sang sản xuất. Tỉnh tìm kiếm các nhà đầu tư lớn, có uy tín để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng các dự án quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút các ngành nghề phù hợp về với vùng nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Đối với các dự án phát triển nông nghiệp, tỉnh khuyến khích những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích các dự án áp dụng tích hợp các công nghệ từ những thành tựu khoa học hiện đại, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đối với khu vực nông thôn, các địa bàn có lợi thế về lao động, tỉnh có chính sách thu hút công nghiệp may mặc nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ. Công nghiệp điện tử được xác định là mũi nhọn chủ lực, được ưu tiên phát triển theo chiều sâu nhằm cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như các sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử gia dụng, linh kiện bán dẫn... từng bước nâng cao tiềm lực công nghệ để chuyển từ gia công lắp ráp sang thiết kế sản xuất và tự hoàn thiện sản phẩm.

Hiện tỉnh Bắc Giang có sáu khu công nghiệp, có bốn khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 1.063 ha, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt gần 60%. Tỉnh có 36 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 1.060 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 59,4% là phần cơ sở hạ tầng thiết yếu thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.