Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng:

Năm 2016, môi trường kinh doanh của tỉnh Lạng Sơn có nhiều khởi sắc

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Thưởng (ảnh bên), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về những kết quả đạt được trong năm 2016, đặc biệt là thực hiện tinh thần kiến tạo, liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra và vấn đề cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh ở Lạng Sơn.

Năm 2016, môi trường kinh doanh của tỉnh Lạng Sơn có nhiều khởi sắc

Thưa đồng chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính. Xin đồng chí cho biết những suy nghĩ của mình về tinh thần kiến tạo, liêm chính ở góc độ một tỉnh miền núi như Lạng Sơn?

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được tỉnh Lạng Sơn tiếp thu, cụ thể hóa trong chương trình hành động, kế hoạch thực hiện việc xây dựng tổ chức bộ máy tổ chức chính quyền địa phương theo hướng sắp sếp tinh gọn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có kỹ năng chuyên nghiệp; quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cụ thể hóa các quy định ưu đãi, hỗ trợ cho tổ chức cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn của địa phương. Nâng cao chất lượng công tác dự báo bảo đảm sát tình hình, kịp thời đưa ra phương án, kịch bản chính xác, cụ thể để ứng phó tình huống có thể xảy ra...

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lạng Sơn đang ở mức thấp. Năm 2016, Lạng Sơn có những giải pháp gì để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh?

Năm 2015 chỉ số cạnh tranh của Lạng Sơn đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố, rất thấp, nhưng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh lại đứng thứ 24, hai chỉ số chênh lệch nhau, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng để hai chỉ số xích lại gần nhau hơn, theo hướng phải cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh. Muốn vậy phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch những thông tin về chương trình kế hoạch đề án, các dự án của tỉnh.

UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Lạng Sơn, ký thỏa thuận hợp tác với VCCI về hợp tác cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó trọng tâm là tập trung vào việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp phép xây dựng, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu... với mục tiêu cải thiện chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh năm 2016 và các năm tiếp theo. Phấn đấu đến hết năm 2020 số lượng doanh nghiệp mới mỗi năm tăng thêm từ 10% đến 20% so với năm trước.

Với nhiều giải pháp, môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh năm 2016 của tỉnh Lạng Sơn đã có tiến bộ. Nhiều nhà đầu tư chiến lược đã tìm hiểu và đến đầu tư tại Lạng Sơn, như dự án đầu tư khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Núi tuyết Mẫu Sơn của Công ty Cổ phần núi tuyết Mẫu Sơn thuộc tập đoàn C.T Group (đầu tư giai đoạn đầu hơn 3.000 tỷ đồng), Tổ hợp Trung tâm thương mại, Khách sạn và Nhà phố Shophouse của tập đoàn VinGroup (tổng mức đầu tư 805 tỷ đồng), dự án Khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (đang triển khai thủ tục) mức đầu tư giai đoạn đầu hơn 2.000 tỷ đồng, hiện nay tỉnh đang thu hút những dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nhiều dự án khác với hình thức đầu tư đa dạng.

Thực hiện Chương trình khởi nghiệp quốc gia, công tác phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đã có những việc làm cụ thể, tích cực hơn. Năm 2016, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực và doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn; đồng thời thành lập Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh thường trực tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký đều tăng khá. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 2.300 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 14,4 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 40 nghìn lao động với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng/người, nộp ngân sách nhà nước khoảng 550 tỷ đồng/năm.

Xin cảm ơn ông!