Để chính sách không thể suy diễn

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội liên tục phản ứng với một số chính sách và dự thảo chính sách được đưa ra. Từ những “lùm xùm” chung quanh câu chuyện thu phí, thu giá BOT của ngành giao thông vận tải rồi “giá dịch vụ đào tạo” được các bộ trưởng nêu ra làm nảy sinh những tranh cãi khiến ngay trong kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã yêu cầu không sử dụng từ “trạm thu giá” - khởi nguồn của những tranh luận “giá” và “phí” trong nhiều lĩnh vực suốt thời gian vừa qua.
Thu phí xe lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thu phí xe lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Rồi mới đây nhất Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội thì trên mạng xã hội dấy lên những luồng ý kiến trái chiều, không ít người lo ngại, băn khoăn. Điều đó trước hết thể hiện sự quan tâm của người dân khi tìm hiểu xem xét những nội dung chi tiết của dự thảo như cơ chế, chính sách, ngành nghề đầu tư của đặc khu... Từ một nội dung về cho thuê đất đến 99 năm trong dự luật, nhiều người còn bày tỏ lo lắng, thậm chí tuyên truyền về sự an nguy của đất nước nếu để cho những đối tượng, lực lượng có thể thuê lại đất tại các đặc khu nhằm thực hiện những mục đích, mưu đồ về quốc phòng, an ninh, đe dọa chủ quyền quốc gia.

Sự phản ứng này không phải không có lý do khi những căn cứ, cơ sở của dự thảo vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau cơ chế, nguồn lực, thời hạn của dự án... Rồi nhận thức của một số cán bộ về mô hình đặc khu kinh tế còn hời hợt thậm chí là “nhầm lẫn” khi đem so sánh với khu vực cộng đồng dân cư như các khu phố Tàu ở nước ngoài chẳng hạn.

Có cả những nhân sĩ trí thức đã bức xúc và đưa ra nhiều viện dẫn để thể hiện sự không đồng tình hoặc nhẹ nhàng hơn là phản biện với những nội dung dự thảo chính sách, trong đó thể hiện rõ sự quan tâm đến mục tiêu chính sách, đối tượng chính sách cũng như những hậu quả nếu chính sách sai lầm...

Từ sự phân định ngữ nghĩa, tranh cãi về thuật ngữ đến phân tích các khái niệm, mô hình được đẩy lên thành “câu chuyện” về việc có hay không các nhà làm chính sách đã cố tình “sáng tạo” ra những cơ chế, chính sách có lợi cho mình hoặc chỉ thuận lợi cho cơ quan, bộ, ngành mình. Thí dụ, câu chuyện “thu giá” là việc sử dụng tiếng Việt méo mó có khả năng bị suy luận thành những quy định tạo ra sơ hở cho lạm quyền, tác động không tốt đến đối tượng bị điều chỉnh hoặc những người có liên quan.

Điều đáng nói ở đây là rõ ràng các nhà làm chính sách, pháp luật đã đánh giá chưa đầy đủ các rủi ro, tác động chính sách hoặc áp dụng máy móc, không rà soát kỹ lưỡng cũng như chưa tạo được những kênh hiệu quả để lắng nghe hết ý kiến đa dạng, nhiều chiều. Khi chính sách không vào được cuộc sống, lại chỉ thấy những “giai điệu” rằng các chính sách ban hành là đúng đắn, chỉ xảy ra sai phạm trong khâu thực thi hoặc đổ lỗi cho sự không phù hợp của các quy định pháp luật cao hơn để che lấp các hạn chế trong xây dựng và thực thi chính sách.

Lâu nay, các cơ quan Nhà nước đã chú trọng nhiều đến khâu hoạch định và thực thi chính sách, song việc đánh giá chính sách thì dường như rất ít được quan tâm. Thực tế thực hiện quy định về đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua còn đơn giản, rất ít chính sách được tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc, bài bản.

Để chính sách không thể suy diễn ảnh 1

Trạm thu phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Các cơ quan xây dựng chính sách tự đánh giá với “niềm tin” là đã nắm rõ về tư tưởng chính sách cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách. Vì vậy, khi đánh giá chính sách, ít cơ quan tổ chức các cuộc khảo sát lấy ý kiến phản hồi từ nhân dân hay đối tượng chịu sự tác động. Trong một số trường hợp các cơ quan chức năng đã tổ chức thu thập ý kiến phản hồi từ phương tiện truyền thông, hay tổ chức lấy ý kiến đóng góp thông qua đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người hoặc ý kiến cũng không phản ánh được đầy đủ và chính xác những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Nhìn chung với cách làm hiện nay có thể dẫn đến chỗ kết quả đánh giá chịu sự chi phối của chính những người xây dựng và vận hành chính sách, việc chỉ ra các sai sót của bản thân họ sẽ gặp phải rào cản tâm lý mạnh mẽ và nhiều khi đơn giản là theo ý muốn chủ quan.

Rõ ràng, việc đánh giá chính sách không nên chỉ do các cơ quan Nhà nước. Các đánh giá chính sách có thể được phản ánh qua công luận, qua lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua sự phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội. Song sự đánh giá từ bên ngoài Nhà nước sẽ chỉ có giá trị thật sự nếu được các cơ quan Nhà nước mở ra được nhiều kênh tiếp cận và thu hút được sự tham gia của người dân, đặc biệt là phải nghiêm túc cầu thị, tiếp thu và rút kinh nghiệm. Thực tế, trong không ít trường hợp sự đánh giá, bình luận, góp ý của người dân không được phân tích thấu đáo, bị bỏ qua.

Trong một xã hội đang phát triển theo xu hướng dân chủ hóa, việc đánh giá các chính sách và lắng nghe ý kiến đa chiều không phải để đề ra những chính sách “dân túy” nhất thời mà là cơ hội để người làm chính sách tạo ra những cơ chế, chính sách đúng đắn nhất. Môi trường không ngừng biến đổi, việc đánh giá tác động và rủi ro chính sách sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự hoàn thiện thể chế, phục vụ sự phát triển trong giai đoạn mới, đồng thời góp phần xây dựng bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một Nhà nước thật sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.