Đổi mới mô hình tăng trưởng:

Biến Nghị quyết thành hiện thực

Chủ trương về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XI (2011). Hội nghị Trung ương lần 3 (Khóa XI) đã đề ra các quyết sách khá cụ thể. Trên cơ sở đó, Quốc hội và Chính phủ cũng đề ra các kế hoạch hành động chi tiết. Các ban, ngành, địa phương cũng có những kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Xuân Toàn
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Xuân Toàn

Trong thời gian năm năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu (nâng cao hiệu quả đầu tư công đã được cải thiện, cải cách doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh và tái cơ cấu thị trường tài chính thu được kết quả tích cực, lạm phát được kiềm chế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục kinh tế đạt kết quả...). Nhưng, thật là đáng tiếc, các Nghị quyết và kế hoạch này vẫn chưa tạo được những chuyển biến như mong muốn. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng chưa cải thiện nhiều. Về cơ bản cách làm ăn cũ vẫn còn duy trì, làm cho nền kinh tế khó chủ động vượt qua các khó khăn thách thức mới. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) nêu rõ: “... nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa gắn kết chặt chẽ giữa tổng thể với các trọng tâm. Cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn; nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế còn cao, an toàn hệ thống còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế xử lý dứt điểm, triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu. Ðổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hóa thấp; quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém...”.

Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao kết quả đạt được còn kém như vậy? Có thể nói do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết, đó là các ngành, các địa phương và nhiều cán bộ phụ trách còn chưa quán triệt các Nghị quyết và quan điểm đổi mới của Đảng trong tình hình mới. Do đó, vẫn còn tình trạng cố bám giữ mô hình cũ, nhấn mạnh sử dụng nhiều đầu vào là vốn đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ là con đường phát triển dễ dãi. Các chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực hiện còn chậm, làm cho con đường từ Nghị quyết đến hành động thêm xa. Đó là chưa kể, tình trạng tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh càng làm cho các khó khăn khách quan thêm nặng nề.

Trong Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, bình đẳng và dân chủ” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng, các tác giả cũng đã nhiều lần nhắc tới tình trạng thiên vị các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu với nhà nước, đã làm méo mó thị trường. Tình trạng này có gốc rễ từ việc chưa xác định đúng chức năng của Nhà nước, ở nơi này nơi khác có tình trạng biến cơ quan Nhà nước thành chỗ “buôn bán” quyền lực, “thích” Nhà nước trực tiếp kinh doanh. Vì thế nhiều chủ trương chính sách chưa dựa trên căn cứ phát huy các tiềm năng lợi thế của ngành, địa phương trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Với tư duy nhiệm kỳ, làm ăn chộp giật, nhiều chính sách có nguy cơ làm méo mó thị trường, chèn ép các doanh nghiệp khác, làm nản lòng những người làm ăn chân chính, thậm chí làm thui chột những sáng tạo, những nỗ lực cạnh tranh lành mạnh. Trong điều kiện mới, tình hình thế giới và trong nước còn có những diễn biến phức tạp hơn. Cạnh tranh của kinh tế thế giới thêm phức tạp. Các cam kết hội nhập trong Cộng đồng ASEAN từ 2016 và thực hiện các Hiệp định FTA chưa được triển khai tốt, nên các thuận lợi chưa tận dụng hết mà các khó khăn mới lại chưa kịp thời ứng phó. Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu gay gắt làm cho các khó khăn khách quan thêm nặng nề. Đặc biệt, những tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) nổi bật trong cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 sẽ mang lại những hệ quả rất đa dạng, cả trong tăng năng suất lao động (NSLĐ) và đòi hỏi lao động có trình độ cao, có thể dẫn tới tăng thất nghiệp lao động năng suất thấp. Tất cả những biến động mới và thực trạng NSLĐ kém đòi hỏi Việt Nam nắm bắt kịp thời các diễn biến ở trong và ngoài nước để đạt tới cách tăng trưởng hiệu quả hơn.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã vạch rõ để đưa đất nước tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tận dụng các tiềm năng và lợi thế, khắc phục có kết quả các khó khăn, yếu kém, rào cản và các rủi ro ngẫu nhiên trên đường phát triển, để tìm ra các con đường phát triển theo mô hình mới.

Trước hết là nhận thức và quan điểm phát triển. Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) nêu rõ: “Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững, toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái”. Đây là các quan điểm chỉ đường cho phương thức phát triển trong giai đoạn tới. Cụ thể hơn, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước”. Đây là các định hướng quan trọng để thoát ly cách làm ăn theo mô hình tận khai tài nguyên, khai thác lao động giá rẻ nhưng năng suất thấp, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư mà chưa chú ý tới tác động của tăng NSLĐ và tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo...

Trong giai đoạn phát triển mới, cần nhấn mạnh nhiều hơn tới phát triển theo chiều sâu, vai trò khu vực tư nhân trong nước ngày càng quan trọng để có thể nối kết với nền kinh tế toàn cầu,... thực hiện thành công mô hình tăng trưởng mới theo hướng phát triển bền vững.