Chế phẩm xử lý ô nhiễm chất thải hữu cơ

Các nhà khoa học Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tuyển chọn được các chủng vi sinh vật xử lý được nhiều loại chất thải hữu cơ tồn tại ở môi trường nước lợ và nước mặn.

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu bùn đáy ở nhiều cảng cá ven biển, vuông nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn,... để phân lập và tìm ra được ba loại vi khuẩn giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ. Ðồng thời, nhóm nghiên cứu đã chọn giá thể phù hợp (cám gạo, trấu, than bùn…) cho các vi sinh vật bám vào. Sản phẩm được ép thành viên nén. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chế phẩm có khả năng cải thiện chất lượng nước rõ rệt, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Nhờ tính mới và khả năng ứng dụng cao, chế phẩm vi sinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Sản xuất kháng thể nhân tạo chống SARS-CoV-2

Một nhóm các nhà nghiên cứu của Ðại học Ci-ta-xa-tô (Nhật Bản) vừa sản xuất thành công loại kháng thể trung hòa nhân tạo chống vi-rút SARS-CoV-2. Kết quả thử nghiệm cho thấy, phần lớn các tế bào có kháng thể trung hòa này không bị nhiễm SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu dự định hợp tác với các hãng dược phẩm để thực hiện thí nghiệm trên động vật và tiến hành các nghiên cứu khác để sớm sản xuất được kháng thể nhân tạo.

Công nghệ giúp phân loại quả chín

Các nhà nghiên cứu tại Ðại học Gran-phin (Vương quốc Anh) đã tìm ra giải giáp phân loại quả bơ chín nhằm hạn chế tình trạng lãng phí bơ do phân loại nhầm. Các nhà khoa học đã phát triển công nghệ rung chấn la-de, với một thiết bị tự động vỗ nhẹ lên quả và ánh xạ rung động nhờ la-de. Những quả xanh có phần thịt rắn, tạo ra tần số cao hơn trái chín. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng kỹ thuật này sẽ được sử dụng thay thế cho nhiều thiết bị hoặc phương pháp kiểm tra thủ công để phân loại nhiều loại trái cây.