Hà Giang ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) của tỉnh Hà Giang đã được quan tâm và từng bước đạt những kết quả đáng khích lệ. Các nhiệm vụ KH và CN đã tập trung vào các vấn đề then chốt, cấp thiết của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Áp dụng công nghệ nuôi ong lấy mật ở Hà Giang.
Áp dụng công nghệ nuôi ong lấy mật ở Hà Giang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, trong năm qua, kinh tế-xã hội của tỉnh có bước phát triển tốt, tăng trưởng đạt 6,2%, thu nhập bình quân đầu người hơn 28 triệu đồng, số hộ nghèo giảm mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư… Bước tăng trưởng đó một phần là do địa phương đẩy nhanh ứng dụng KH và CN.

Chủ trương ứng dụng KH và CN đã được cụ thể hóa ở việc ngân sách đầu tư cho KH và CN tăng gấp hai lần so với nhiệm kỳ trước. Tỉnh triển khai các dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch đột phá về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; ban hành chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH và CN trên địa bàn. Chính sách cũng đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào thực hiện các nhiệm vụ KH và CN; thu hút được nhiều đề tài, dự án từ các chương trình nghiên cứu, ứng dụng. Kết quả cho thấy, nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản có thế mạnh của các địa phương đã được xây dựng thương hiệu và phát triển thành hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh Hà Giang đã xây dựng được nhiều mô hình, tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp, như: sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng, phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với bò, sản xuất ngô hàng hóa gắn liền với chế biến tiêu thụ sản phẩm; trồng rau trái vụ, tưới tiết kiệm tại huyện Quản Bạ. Đồng thời, tỉnh triển khai cánh đồng mẫu đối với nhiều loại cây trồng gắn với cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đưa KH và CN vào phát triển sản xuất, như mô hình trồng, chế biến, bảo quản lạc tại huyện Bắc Quang, mô hình trồng thâm canh cây đậu tương tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, trồng dược liệu, rau an toàn tại huyện Quản Bạ… Trong chăn nuôi, tỉnh chú trọng việc cải tạo đàn gia súc thông qua việc triển khai các dự án, như ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn trâu tại huyện Bắc Quang, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc thụ tinh nhân tạo, chế biến thức ăn cho trâu lai. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nhân giống trâu, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện giống đại gia súc quan trọng của tỉnh.

Nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản. Đến nay, đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản như: hồng không hạt, cam sành Hà Giang, gạo tẻ Dui Xín Mần, mật ong Bạc Hà. Đồng thời, thành lập các hiệp hội sản xuất và kinh doanh đối với các sản phẩm đặc sản, góp phần đưa thương hiệu của sản phẩm tiến xa hơn trên thị trường, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Một trong những nhiệm vụ KH và CN nổi bật của tỉnh Hà Giang vừa qua là dự án “Nghiên cứu công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”. Kết quả của dự án là hệ thống bơm PAT của Cộng hòa Liên bang Đức với công nghệ không dùng điện đã được nghiệm thu, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Hiện nay, công suất bơm đạt 1.600 m3 nước/ngày, đêm, bơm lên độ cao gần 600 m cấp đủ nước cho toàn bộ hơn 2.000 hộ dân ở thị trấn Đồng Văn và một số khu vực phụ cận. Dự án KH và CN đã giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành công của dự án mở ra hướng đi mới cho tỉnh trong việc lựa chọn giải pháp cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Thời gian tới, tỉnh Hà Giang xác định ưu tiên đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống, cho nên mong muốn các cơ quan khoa học của Trung ương phối hợp, triển khai giúp đỡ địa phương thực hiện các nhiệm vụ KH và CN đã ký kết; có cơ chế hỗ trợ Hà Giang trong công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH và CN… Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH và CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nhân rộng kết quả của các dự án đã chứng minh hiệu quả để phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.