Giải thưởng cao quý cho nhóm nghiên cứu mạnh về toán học

NDO -

NDĐT - Sau hai giáo sư toán học nổi tiếng là Lê Văn Thiêm (đã mất) và Hoàng Tụy nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996), đầu năm 2017 này, với cụm công trình "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc" (tập hợp hơn 40 bài báo khoa học tiêu biểu trong số hàng trăm bài đăng trên các tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI) của các GS, TSKH Ngô Việt Trung, GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, GS, TSKH Nguyễn Tự Cường, Viện Toán học (Viện HLKH và CNVN), vinh dự được trao giải thưởng cao quý này.

Nhóm tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh (từ trái sang): GS,TSKH Nguyễn Tự Cường, GS,TSKH Lê Tuấn Hoa và GS,TSKH Ngô Việt Trung
Nhóm tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh (từ trái sang): GS,TSKH Nguyễn Tự Cường, GS,TSKH Lê Tuấn Hoa và GS,TSKH Ngô Việt Trung

GS,TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Đông-Nam Á, nguyên Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ: “Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, anh Ngô Việt Trung sau khi được đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài về đã cùng anh Nguyễn Tự Cường đưa ra ý tưởng xây dựng một hướng nghiên cứu mới, đó là Đại số giao hoán, tôi được đề xuất cùng tham gia. Sau các trao đổi, tranh luận, nhóm nghiên cứu đi đến thống nhất chọn chủ đề là "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc" do TS Ngô Việt Trung chủ trì. Lúc bấy giờ, đây là vấn đề mang tính thời sự, bởi cách đây hơn 40 năm, sự ra đời của Lý thuyết vành và modul Buchsbaum do GS W.Vogel đề xuất thì nghiên cứu cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc trở thành một trong các chủ đề trung tâm của ngành Đại số giao hoán thế giới.

Sau hơn 30 năm lặng lẽ miệt mài nghiên cứu, ba thành viên của nhóm sau này đều trở thành các nhà toán học nổi tiếng trong và ngoài nước (Trong đó, GS, TSKH Ngô Việt Trung đã kinh qua các cương vị Viện trưởng Viện Toán học, được công nhận Viện sĩ Viện Hàn lâm các nước đang phát triển năm 2000 và Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2009; GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Chủ tịch Hội Toán học Đông-Nam Á được công nhận Viện sĩ Viện Hàn lâm các nước đang phát triển năm 2011). Nhóm nghiên cứu cùng một số đồng nghiệp nước ngoài và các học viên (nghiên cứu sinh) đã công bố gần 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế mà phần lớn là các tạp chí đạt chuẩn ISI (riêng GS Ngô Việt Trung đã có hơn 80 công trình công bố trên các tạp chí này).

Mặt khác, những năm qua, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã xuất bản 7 cuốn giáo trình và sách chuyên khảo phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học. GS Lê Tuấn Hoa cho rằng, kết quả nổi trội của đề tài nghiên cứu là đã mở đường và hoàn thiện về vành Cohen-Macaulay suy rộng, về mối liên hệ sâu sắc giữa đại số giao hoán và tổ hợp, về các bất biến cơ bản và quan trọng nhất trong đại số giao hoán và hình học đại số… Cụ thể hơn là những nghiên cứu của nhóm và các cộng sự đã xây dựng được một số khái niệm mới mà ngày nay giới toán học quốc tế sử dụng phổ biến trong đại số giao hoán như vành Cohen-Macaulay suy rộng, dãy lọc chính quy, hệ tham số chuẩn, chỉ số chính quy của đại số trên vành tùy ý. Đáng chú ý, vành Cohen-Macaulay suy rộng lâu nay đã và đang trở thành chủ đề nghiên cứu chính của ngành Đại số giao hoán thế giới. Quá trình nghiên cứu của các GS Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Tự Cường góp phần "đột phá" thúc đẩy sự phát triển của một số hướng nghiên cứu mới như đặc trưng vành Cohen-Macaulay suy rộng qua đối đồng điều địa phương, tiêu chuẩn Cohen-Macaulay cho vành xuyến, đặc trưng của chỉ số chính quy Castelnuovo-MumFord qua dãy lọc chính quy…

Điều có ý nghĩa quan trọng là từ những nghiên cứu, phát hiện của nhóm tác giả hơn 30 năm qua, nhất là hơn 40 bài báo đặc sắc của cụm công trình đã giúp định hướng, gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cho những người đi sau trong nền toán học hiện đại. Đề tài "Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc" không chỉ thể hiện sự hội nhập sớm của các nhà khoa học Việt Nam vào nền toán học thế giới, mà còn thu hút được một số lượng khá lớn những người trẻ đam mê toán học trong nước đến Viện Toán học để học tập và nghiên cứu, nâng cao trình độ.

Cũng theo GS Lê Tuấn Hoa, hơn 20 năm qua, không kể hàng chục trường hợp được ba thành viên nhóm nghiên cứu liên hệ, xin học bổng đưa đi đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài, mà trong nước đã có 24 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ theo các hướng nghiên cứu trong cụm công trình, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu. Đáng lưu ý, tất cả các luận án này đều có chất lượng cao, không thua kém chất lượng của một luận án tiến sĩ về lĩnh vực toán học thuộc các trường tiên tiến trên thế giới. Dĩ nhiên từ đây, họ trở thành các cán bộ chủ chốt trong hoạt động nghiên cứu,giảng dạy và xây dựng được các nhóm nghiên cứu đại số giao hoán ở các trường, như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh… Nhờ đó, hơn mười năm trở lại đây, các cựu nghiên cứu sinh của nhóm đã đăng được khoảng 110 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, trong đó có hơn 80 công trình được công bố trên các tạp chí ISI; đồng thời, Việt Nam được các nhà toán học quốc tế biết đến như một quốc gia có ngành đại số giao hoán phát triển.

Từ hiệu ứng các công bố quốc tế, thời gian qua, các tác giả của cụm công trình, ngoài việc được một số trường đại học danh tiếng ở Đức, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… mời sang giảng dạy, các GS Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường, Lê Tuấn Hoa còn được mời trình bày báo cáo tham luận tại hơn 50 hội nghị quốc tế và gần 60 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới. Trong đó, GS Ngô Việt Trung được đề xuất làm đồng trưởng ban 10 Hội nghị, hội thảo quốc tế lớn ở nước ngoài. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với các chuyên gia Nhật Bản, luân phiên giữa hai nước hàng năm tổ chức các hội thảo về đại số giao hoán; tạo nên môi trường học thuật thuận lợi thu hút các nhà toán học trẻ Việt Nam và Nhật Bản tham gia…

Tính đến cuối năm 2016, đã có hơn 24 sách giáo trình và sách chuyên khảo về đại số giao hoán của các tác giả nước ngoài trích dẫn kết quả của nhóm nghiên cứu. Thống kê của Hội Toán học Mỹ cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2016, có khoảng 600 tác giả nước ngoài trích dẫn gần 2.000 lần các công bố của các GS Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Tự Cường…

(Viện Toán học, Viện HLKH và CNVN)