Tìm lại cây cọ dầu

Nguồn nguyên liệu quý để sản xuất dầu thực vật

Ông là Mai Xuân Tạnh, một trong ba cán bộ đầu tiên tham gia chương trình nghiên cứu quốc gia về cây cọ dầu. Ông được Bộ Nông nghiệp (lúc đó) cử đi nghiên cứu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cây cọ dầu vào năm 1965.  Trải qua nhiều đơn vị công tác trong ngành Nông nghiệp từ Bộ rồi về hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nay ông Tạnh đã về hưu. Ðã ở tuổi ngoài 70 mà ông vẫn canh cánh về phát triển cây cọ dầu, dự định một loại cây có hiệu quả kinh tế cao cho nước nhà.

Ông Tạnh tâm sự: Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm. Trong các năm 1966, 1967 đến 1968 Bác luôn nhắc Bộ Nông nghiệp phải làm tốt nghiên cứu cây cọ dầu để phát triển. Tài liệu nghiên cứu mà ông Tạnh còn lưu giữ cho biết: Cây cọ dầu pháp danh khoa học là Elaeis guineensis-Jacq, thuộc họ cau dừa Palmae, có nguồn gốc ở miền tây châu Phi. Năm 1910 cây cọ dầu được khám phá và chăm sóc ở vùng nguyên sản Công-gô, sau đó người ta đưa trồng tập trung một số diện tích ở đông Sumatra. Từ năm 1912, cây cọ dầu từng bước phát triển nhanh chóng. Cây cọ dầu trưởng thành có thể cao tới 20 m. Lá thuộc loại lá lông chim, dài tới 3-5 m. Các cây non sinh ra khoảng 30 lá mỗi năm. Những cây trên 10 năm tuổi sinh ra khoảng 20 lá mỗi năm. Hoa mọc thành cụm dày dặc; mỗi hoa riêng rẽ là hoa nhỏ, có ba đài hoa và ba cánh hoa. Quả phải mất 5 đến 6 tháng kể từ khi thụ phấn để có thể chín; nó chứa lớp cùi thịt ngoài chứa nhiều dầu (vỏ quả), với một hạt duy nhất (nhân), cũng rất nhiều dầu. Không giống như họ hàng của nó là dừa, cọ dầu không sản sinh ra các chồi phụ; sự nhân giống được thực hiện bằng cách gieo hạt.

Cây cọ dầu được trồng để lấy các buồng quả của nó, mỗi buồng quả có thể cân nặng tới 40-50 kg. Sau khi thu hoạch, toàn bộ quả (cùi thịt, hạt) đều được dùng để sản xuất xà-phòng và dầu thực vật dùng trong nấu ăn. Mỗi héc-ta cọ dầu thu hoạch quanh năm cho sản lượng hằng năm vào khoảng 10 tấn quả, từ đó có thể sản xuất được 3 tấn dầu cọ từ vỏ quả và thu được khoảng 750 kg hạt, từ đây lại có thể sản xuất ra 250 kg dầu cọ từ hạt có chất lượng cao và 500 kg bã hạt. Bã được dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Một vài giống thậm chí còn có năng suất cao hơn, điều này làm cho người ta nghĩ đến chúng như một loại cây tiềm năng cho việc sản xuất dầu thực vật cần thiết để sản xuất dầu đi-ê-den sinh học. Dầu cọ rất giàu vi-ta-min K và ma-giê dạng tiêu hóa được. Dầu cọ chứa khoảng 43% chất béo no đơn nhóm và 13% chất béo chưa no đa nhóm.

Dang dở cọ dầu

Năm 1971, kỹ sư Mai Xuân Tạnh được Bộ Nông nghiệp quyết định cử về làm Trưởng trại thí nghiệm cây cọ dầu ở huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông cho biết,  cây cọ dầu ở Việt Nam được người Pháp đưa vào năm 1878 có tính chất làm cảnh ở các vườn hoa và công sở. Năm 1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp tổ chức nghiên cứu và phát triển cây cọ dầu. Từ năm 1964 đến 1968, Bác thường nhắc Bộ Nông nghiệp về việc nghiên cứu cây cọ dầu ở nước ta. Vào ngày 23-11-1968, Bộ Nông nghiệp có công văn "Báo cáo về cây cọ dầu kính trình Hồ Chủ tịch" do Vụ phó Vụ trồng trọt Lã Xuân Ðỉnh ký.

Cuối năm 1967 nước ta nhập giống cọ dầu đu-ra của Trung Quốc, tháng 5-1968 mới đưa về ươm tại ba trại ở Thanh Hóa, Hưng Yên và Nghệ An. Tháng 3 năm 1971 bắt đầu đưa về trồng thí nghiệm ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trại thí nghiệm Hương Sơn đã cùng Khoa Sinh, trường Ðại học Sư phạm Vinh hồi đó nghiên cứu và thấy cây cọ dầu ở Hương Sơn, mặc dù khi trồng  giống đã quá già, khí hậu mỗi năm mất

5 tháng nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C thậm chí có nhiều ngày nhiệt độ dưới 15 độ C làm cho cọ dầu sinh trưởng kém và không thụ phấn được nhưng cây cọ dầu vẫn phát triển được và cho năng suất trung bình hơn 6 tấn/ buồng quả/năm. Trong ba ngày 17 đến 19-11-1980, Bộ Nông nghiệp tổ chức hội nghị chuyên đề về cây cọ dầu tại Hà Tĩnh và kết luận cây cọ dầu có thể phát triển được từ Nam Hà Tĩnh trở vào. Kết quả hội nghị chuyên đề trên được Bộ Nông nghiệp báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Ðồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Chí Công vào năm 1981 và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HÐBT đều đã cho chỉ thị đưa cây cọ dầu vào sản xuất.

Khi ông đang cùng các đồng sự mừng vui trước những cụm hoa cọ dầu xòe nở cho nhiều triển vọng, thì năm 1982 tỉnh Nghệ Tĩnh cho sáp nhập trại chăn nuôi hươu vào trại thí nghiệm cây cọ dầu lấy tên là Xí nghiệp Hươu Hương Sơn. Từ đây chương trình thí nghiệm cây cọ dầu bị "chương trình hươu" lấn át và  không còn ai nhắc việc thí nghiệm, phát triển cây cọ dầu nữa. Biết công trình thí nghiệm của mình bị dang dở, ông Tạnh xin vào Ðồng Nai để được tiếp tục nghiên cứu và phát triển cây cọ dầu, nhưng do nhiều lý do ông không vào được. Nhiều lần ông Tạnh đề xuất nhưng không còn ai nhắc đến cây cọ dầu, cho đến ngày về hưu mà trong lòng vẫn canh cánh về loài cây quý.

Theo ông Tạnh qua khảo sát từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1976 ở các vườn hoa Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh), Biên Hòa (Ðồng Nai) thấy cây cọ dầu ở miền nam phát triển tốt hơn ở miền bắc. Ở nước ta có thể phát triển cây cọ dầu từ nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Chia tay tôi ông nói: "Thời gian đó do một số tỉnh trồng thử cọ dầu nhưng chưa được chuyển giao kỹ thuật nên không biết chăm sóc vội kết luận cây không có quả. Ở Nghệ Tĩnh năm 1982 do sáp nhập trại thí nghiệm cây cọ dầu thành Xí nghiệp Hươu Hương Sơn, công tác nghiên cứu cây cọ dầu bị dang dở. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản cây cọ dầu, vì chắc chắn đây sẽ là cây chủ lực cho sản lượng dầu ở nước ta".

Minh Thư