"Tiếp lửa" cho nhà khoa học trẻ

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân dành cả cuộc đời cho nghiên cứu khoa học, miệt mài giảng dạy, và phục vụ các đối tượng ngành giáo dục và nông nghiệp. Dù tuổi đã cao nhưng ông không ngơi nghỉ, vẫn xắn tay vào nhiều công việc khác nhau. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Mía Đường Thành Công Tây Ninh; Giám đốc Nhóm Phát triển Nông nghiệp Việt-Phi châu và nhiều cương vị quan trọng khác. PV Báo Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với giáo sư về những trăn trở trong việc tạo dựng môi trường, động lực cống hiến cho các nhà khoa học trẻ.

"Tiếp lửa" cho nhà khoa học trẻ

- Là nhà khoa học đầu tiên ở Đông - Nam Á nhận giải thưởng "Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn", xin giáo sư cho biết những thành tựu mà các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được ghi nhận như thế nào trong khu vực và quốc tế?

- Những năm qua, tài năng của một số nhà khoa học trẻ đã được khẳng định ở tầm quốc tế. Một số đã thể hiện được vai trò tiên phong của giới trẻ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Họ đã góp mặt vào nhiều giải thưởng danh giá, không chỉ trong nước mà ở tầm quốc tế. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, chưa tương xứng với sự trông đợi của đất nước.

- Điều kiện kinh tế đất nước đang đòi hỏi nhiều hơn những cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học trẻ. Trong công tác nghiên cứu, họ có thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn...

- Khó khăn nhất là làm thế nào có ý tưởng mới để xây dựng một đề tài nghiên cứu. Kế đến phải rà soát các phương pháp khoa học nào có thể áp dụng cho công trình nghiên cứu để đạt kết quả thật sự khoa học chứ không phải theo cảm tính, duy ý chí. Khi chọn lựa phương pháp, cần tính đến khả năng tài chính, biết tranh thủ kinh phí từ bản thân gia đình, từ cơ quan của mình hoặc cơ quan/doanh nghiệp trong xã hội mà đề tài của mình sẽ được ứng dụng.

Ở đây, tôi đồng cảm và chia sẻ với những bạn trẻ đã phải chịu thiệt thòi, không có điều kiện nghiên cứu; một số khác đã nỗ lực vượt khó, vươn lên, đi sát vào các chuyên ngành khác nhau. Mỗi năm, nhiều nhà khoa học trẻ được phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư vì những cống hiến, những công trình khoa học được ứng dụng, đánh giá cao. Đấy là những điều rất đáng mừng.

- Thực tế cho thấy, với điều kiện kinh tế nước ta như hiện nay, cần chất lượng hơn số lượng. Nhưng ngay từ giai đoạn "măng non" - nghiên cứu khoa học đã chưa thật hiệu quả. Giáo sư nghĩ sao ạ?

- Nếu kể những công trình nghiên cứu của các sinh viên thực hiện những đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp thì ta có thể thấy được khối lượng nghiên cứu khá nhiều, nhưng tỷ lệ nhiều hoặc ít tùy thuộc vào các giảng viên và giáo sư hướng dẫn. Ở ta, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa theo đúng tiêu chuẩn quốc tế nên khó được quốc tế công nhận. Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học theo tầm cỡ quốc tế trong số những tài năng khoa học trẻ thì nhà trường phải sớm phát hiện và bồi dưỡng chuyên môn các sinh viên của mình. Phải có những giảng viên và giáo sư hoạt động tích cực với một ban giám hiệu và phòng quản lý khoa học thật sự có khả năng chuyên môn về khoa học theo chuẩn quốc tế, trường được quyền tự chủ quản trị con người, chương trình học và tài chính.

Theo tôi, trách nhiệm của các nhà trường, cơ quan liên quan là phải chia sẻ với khó khăn của giới nghiên cứu khoa học trẻ, đồng cảm với ước mơ của họ, khắc phục thiếu thốn. Thêm nữa, cần nỗ lực "tiếp lửa", tạo sân chơi thường xuyên cho họ, tăng sự nhiệt tình với công tác nghiên cứu vốn rất gian nan. Soe đáng quý biết bao, nếu mỗi năm nước ta nhân lên được nhiều cá nhân có khả năng bứt phá và cống hiến.

- Có ý kiến cho rằng, người Việt Nam ta học thì nhanh, nhưng sáng tạo thì yếu, bằng chứng là nhiều công trình nghiên cứu xong thì bỏ vào tủ, không ứng dụng được, thưa giáo sư?

- Tôi cho điều đó có phần đúng. Như trên đã trình bày, nghiên cứu khoa học ở ta bị hổng quá nhiều thứ, như không có kinh phí để đầu tư, thiếu thầy hướng dẫn tận tâm. Một khi nghiên cứu sinh có nhiệt huyết, có tâm và muốn được phát huy, thì những người thầy hướng dẫn sẽ là động lực để cho họ "cất cánh," tức là chỉ cho họ những vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà xã hội đang cần giải quyết hoặc đổi mới. Từ đó nghiên cứu sinh sẽ có những ý tưởng cần phải nghiên cứu gì, người hướng dẫn góp ý thêm để hoàn chỉnh một đề cương nghiên cứu khoa học. Theo đó, cả thầy lẫn trò tranh thủ kinh phí cho những đầu tư các bước thực hiện đề tài. Nếu vấn đề nghiên cứu nhằm vào giải quyết những khó khăn hoặc đổi mới cho một bộ phận trong xã hội, kết quả nghiên cứu được sẽ là một sáng tạo của sinh viên trẻ có thể ứng dụng được, trước tiên là cho cơ quan/doanh nghiệp tài trợ kinh phí...

- Thưa giáo sư, trách nhiệm kiến thiết, xây dựng đất nước đang đặt lên vai giới trẻ, và cần hơn nữa những cống hiến nhiệt tâm của họ. Vậy phải làm sao để thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ đam mê khoa học có điều kiện cống hiến?

- Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế thế giới nên rất cần nhiều sáng kiến đổi mới trong tất cả các lĩnh vực. Đây là điều kiện tiên quyết cho đất nước ta vươn lên tầm cao trong thế giới. Đảng và Nhà nước luôn nêu cao mục tiêu này, nhưng cả hệ thống của chúng ta không được tổ chức để thực hiện mục tiêu đó một cách hợp lý cho nên nhiều nhân tài và nhiều ý tưởng hay được ấp ủ và đam mê của giới trẻ đã và đang bị bỏ phí, thay vào đó là những sự chụp giựt, xin cho, chạy chọt... Nếu điều này cứ tiếp tục, và thiếu vắng chương trình quốc gia "nâng cao năng lực cạnh tranh" thì đất nước ta khó vươn lên tầm cao của thế giới. Theo đó, cũng không để xảy ra tình trạng người có tài mà không được sử dụng.

Tôi tin rằng Nhà nước sẽ có những quyết sách phù hợp hơn để thu hút, đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện và môi trường tốt cho người trẻ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trước hết vẫn cần ở mỗi cá nhân sự dấn thân, đam mê, tinh thần tự lực vươn lên.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!