Mở màn mùa Nobel 2012

Ðoạt quyền tạo hóa

NDO - Ðó là ước vọng ngàn đời của nhân loại, và dường như, qua những công trình nghiên cứu vừa được trao các giải Nô-ben (Nobel) Y học và Vật lý năm 2012, loài người đã tiến những bước dài trên hành trình biến giấc mơ vĩnh cửu ấy trở thành hiện thực.
Ðoạt quyền tạo hóa

Sau ngày 8-10, cụm từ "tế bào gốc toàn năng nhân tạo" (iPS) sẽ còn được nhắc đến rất nhiều, thậm chí có thể sẽ trở nên vô cùng quen thuộc đối với cuộc sống con người trong những năm tới.

Trong những năm gần đây, việc áp dụng các nghiên cứu tế bào gốc vào y học (đặc biệt là công nghệ làm đẹp cho phụ nữ) không còn quá xa lạ, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định. Ngành y tế thế giới chưa thật sự kiểm soát được tế bào gốc, và tế bào gốc cũng chưa thật sự phát huy được trọn vẹn "quyền năng" của mình. Song, sau khi Ngài Gớc-đơn (Sir John B.Gurdon, Giáo sư Ðại học Cambridge, Anh quốc) và Giáo sư Y-a-ma-na-ka (Shinya Yamanaka, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Ðại học Kyoto, Nhật Bản) cùng được Hội đồng Nobel nhận định rằng: "Khám phá của họ là bước đột phá cho những hiểu biết về phương thức sinh trưởng của tế bào và sinh vật", thì có lẽ giấc mơ "cải lão hoàn đồng" đầy ám ảnh đã không còn quá xa vời.

Loài người sẽ không cần phải tự bó buộc mình trong suy nghĩ hạn hẹp về những loại mỹ phẩm có tác dụng kéo dài tuổi xuân, mà đã có thể nghĩ (một cách có định hướng cũng như tràn ngập tự tin) đến việc điều trị các căn bệnh phức tạp, tạo nên những cơ quan mới nhằm thay thế các bộ phận suy thoái của cơ thể, kéo giãn các giới hạn của cái vòng thiên định "sinh - lão - bệnh - tử".  iPS sẽ là một trợ thủ đắc lực cho công cuộc này nhờ sự "toàn năng" của nó, kể cả trên các phương diện tôn giáo và đạo đức, cũng như sự đơn giản của nó.

Nhật Bản, với lá cờ đầu Yamanaka, đã đi tiên phong trong việc thành lập một ngân hàng iPS, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng được khoảng 75 dòng tế bào thích hợp cho 80% dân số của mình. Nối tiếp họ, hẳn là các cường quốc khoa học trên thế giới cũng sẽ không chậm trễ nhập cuộc. Tương lai đã thấp thoáng hiện hữu hình ảnh của một thứ "thuốc trường sinh" (và đi kèm là những vấn đề ngày càng nóng bỏng của nạn nhân mãn, dĩ nhiên!).

Một ngày sau đó, 9-10, lại một khái niệm mang tính "bất di bất dịch" của khoa học bị xô ngã. "Một kỷ nguyên mới của vật lý lượng tử đã được mở ra" - như lời đánh giá của Hội đồng Nobel, dành cho công trình "không hẹn mà gặp" của các đồng tác giả Ha-rô-sơ (Serge Haroche) và Oai-nơ-len (David Wineland).

Nghiên cứu hoàn toàn độc lập theo những con đường khác nhau, nhưng họ tìm thấy nhau ở một giao điểm, khi cùng chứng minh được rằng: Có thể đo lường và điều khiển các hạt cơ bản, trong khi vẫn bảo tồn tính chất lượng tử và không phá hủy cấu trúc hạt, điều trước đây vẫn bị cho là "không thể thực hiện". Song song với nhau, họ đã tạo nên những "cái bẫy hạt" phục vụ cho mục tiêu này.

Ðâu là những viễn cảnh tươi sáng mà khám phá này bắt đầu? Là những chiếc máy tính siêu nhanh, là những chiếc đồng hồ siêu chính xác, là sự tái cơ cấu hệ thống về thời gian, là việc loài người - cho dù luôn được quyền phạm sai lầm - có thể tự làm mình hài lòng với việc tiến sát những tiêu chuẩn gần như tuyệt đối.

Ðó là sự tiếp nối hoàn hảo và đầy hứa hẹn con đường mà những Niu-tơn (Isaac Newton), Anh-xtanh (Albert Einstein) hay Hác-kinh (Stefen Hawking)... đã khai mở nhằm thắp sáng màn đêm của các tín điều.