Chăm lo trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS

Nhân rộng yêu thương

NDO - Trẻ em là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch HIV/AIDS. Những nhóm quyền cơ bản đã bị dịch tác động làm hạn chế, xấu đi, thậm chí mất đi những quyền mà đáng lẽ trẻ bị ảnh hưởng (BAH) bởi HIV/AIDS phải được hưởng như quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau và bảo đảm cho các em có môi trường sống bình đẳng trong tình yêu thương, được vui chơi, học tập luôn là nỗ lực của ngành giáo dục và cộng đồng.
Bé Lê Văn Tuấn (nhiễm HIV) trong vòng tay yêu thương của cô giáo và bạn bè.
Bé Lê Văn Tuấn (nhiễm HIV) trong vòng tay yêu thương của cô giáo và bạn bè.

Xoa dịu nỗi đau

Với trẻ BAH bởi HIV/AIDS, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều em không được gia đình chăm sóc do cha mẹ đã chết, phải sống cùng người bảo trợ hoặc ông, bà, họ hàng (thậm chí không biết nguồn gốc gia đình, gia cảnh khó khăn, nghèo túng (49,5% trẻ nhiễm HIV thuộc các gia đình nghèo và 2,1% rất nghèo). Thêm vào đó, áp lực dư luận quá lớn, sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, dễ đẩy các em sa vào tệ nạn xã hội.

Quyết định số 84/2009/QÐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em BAH bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước vì thế hệ tương lai chịu nhiều thiệt thòi, tạo "đòn bẩy" huy động toàn xã hội hợp sức xoa dịu nỗi đau. Chuyển biến rõ nét ba năm qua là sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành Giáo dục - Ðào tạo (GÐDT), Y tế và Lao  động, Thương binh và Xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp; sự ủng hộ, chung tay của học sinh, sinh viên, phụ huynh, các tổ chức trong nước và quốc tế, công tác này đã tạo lập được diện mạo mới, dần đi vào chiều sâu. Việc ban hành các văn bản pháp quy về phòng, chống HIV/AIDS (Chỉ thị 61/2008/CT-BGDÐT về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục, các văn bản quy định về công tác y tế trường học đều có nội dung phòng, chống HIV/AIDS); Bộ GDÐT thành lập Ban Ðiều phối về phòng, chống HIV/AIDS; kiện toàn, củng cố hệ thống Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm liên vụ (ở Bộ GDÐT), từ cấp sở đến từng trường học; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ đảm nhiệm công tác này tạo điều kiện cho các hoạt động bài bản, xuyên suốt, hiệu quả hơn từ khâu chỉ đạo đến triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Bảo đảm quyền được học tập của trẻ BAH bởi HIV/AIDS, giúp các em phát triển toàn diện trí lực và thể lực luôn được ngành giáo dục chú trọng. Bước chuyển khả quan là số trẻ được học hòa nhập tăng mạnh. "Khoảng trống" do kỳ thị đã dần được lấp đầy bởi tình yêu thương, nhân ái, bao dung và bài học kinh nghiệm từ nhiều Sở GDÐT, trường cho thấy, muốn thành công phải kiên trì áp dụng đồng bộ các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng, quan tâm của cấp ủy Ðảng, chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, cái gốc vẫn xuất phát từ nhận thức. Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", công tác tuyên truyền, giáo dục được các trường đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Qua hoạt động ngoại khóa phong phú, sinh động như mít-tinh, diễu hành, triển lãm, phát thanh, phổ biến trên bảng tin của nhà trường... thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham gia; lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống... đã hình thành thái độ, hành vi phù hợp, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Các hoạt động không còn mang tính "mùa vụ", mà được duy trì thường xuyên, nền nếp, định kỳ, nhất là các địa bàn trọng điểm được thể hiện trong Chỉ thị hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học ngành giáo dục, tiêu chí đánh giá thi đua về công tác y tế trường học hằng năm. Trang bị đầy đủ kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, quản chặt từ khâu khám sức khỏe đầu vào, theo dõi sát sao trong suốt quá trình học tập, tư vấn kịp thời giúp chủ động phòng tránh, phát hiện sớm trường hợp nhiễm, giảm thiểu tối đa tai nạn lây nhiễm đáng tiếc xảy ra giữa trẻ nhiễm HIV và trẻ thường, khống chế không để đại dịch lây lan trong học đường.

Thực tế đã chứng minh, sự phối hợp liên ngành càng khăng khít thì hiệu quả càng cao. Trong 457.691 trẻ BAH bởi HIV/AIDS, có 64% được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chính sách xã hội; 43% được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tâm lý - xã hội, chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, tư vấn và xét nghiệm HIV, hỗ trợ dinh dưỡng, phát triển thể chất và 67% được chăm sóc thay thế dựa vào gia đình, cộng đồng. Tính đến tháng 6-2012, có 320 cơ sở triển khai điều trị bằng ARV, cung cấp miễn phí cho 3.567 trẻ nhiễm HIV (tăng 25 lần so với năm 2005 bắt đầu triển khai chương trình điều trị). Hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO... trong chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lĩnh vực này.

Cần chuyển hơn về "chất"

Trẻ BAH bởi HIV/AIDS vẫn có quyền được sống bình thường, vui chơi, hòa đồng với chúng bạn, đến trường... Không ít khó khăn, thách thức nảy sinh làm hạn chế việc thực hiện các quyền của trẻ em. Bài toán thiếu nhân lực (phần lớn cán bộ ngành giáo dục tham gia phòng, chống HIV/AIDS kiêm nhiệm) và vật lực (cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư chưa đúng mức); phạm vi hoạt động các chương trình, dự án hạn hẹp, vẫn còn tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử, nhận thức và hiểu biết của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa cao; nguồn kinh phí do quốc tế tài trợ có xu hướng giảm dần... đang trở thành mối lo tiềm ẩn gia tăng đại dịch.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong một thế giới có AIDS không chỉ nằm ở chính sách, phía các cơ quan quản lý mà còn ở cách nhìn nhận của cộng đồng. Trẻ vốn là đối tượng yếu thế, khi đương đầu với bệnh thế kỷ khó vượt qua rào cản tâm lý xã hội. Sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử chuẩn mực, tiếp thêm nghị lực để các em sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Tháo gỡ rào cản định kiến trước hết phải bắt đầu từ thái độ của nhân viên xã hội, thầy thuốc, nhà giáo dục, thân nhân người nhiễm HIV, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Sự vào cuộc của truyền thông rất quan trọng, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức để hành động đúng, là "chìa khóa" phòng ngừa từ xa. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên, học sinh; tăng cường kiểm tra và ngăn chặn, giải quyết triệt để sự kỳ thị, cản trở học tập của trẻ BAH bởi HIV/AIDS một cách hệ thống, đa ngành và bền vững; huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giới tính và HIV/AIDS, trang bị kiến thức cho trẻ BAH tự bảo vệ mình khỏi đại dịch... là những giải pháp cốt lõi tiếp tục phải duy trì với mức cao hơn về "chất" thời gian tới.